CPI năm 2018 sẽ chịu tác động nhiều bởi giá dịch vụ công
Tháng đầu năm: giao thông, thuốc và dịch vụ y tế "đẩy" CPI tăng cao
Theo báo cáo tình hình kinh tế - tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tiếp tục xu thế của năm 2017, lạm phát tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế (tăng 38,71%, làm CPI tổng thể tăng 1,5 điểm %), nhóm giao thông (giá xăng tăng 3,94% so với cùng kỳ, đóng góp làm CPI tổng thể tăng 0,37 điểm %) và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng (tăng 4,64%, đóng góp làm CPI tổng thể tăng 0,73 điểm %).
Bên cạnh đó, do nhu cầu mua sắm tháng giáp Tết, nhóm lương thực và thực phẩm tăng khá cao, lần lượt 0,47% và 0,56% so với tháng trước.
Phân rã các thành phần của lạm phát cho thấy yếu tố mùa vụ đóng góp làm CPI tăng khoảng 0,2 điểm % so với cùng kỳ. Mặt khác, thành phần xu thế của lạm phát có chiều hướng tiếp tục tăng, cao hơn khoảng 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu CPI năm 2018 sẽ có xu thế tăng cao hơn so với năm 2017 nếu lộ trình tăng giá dịch vụ công không được kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 01/2018 tăng 0,51% so với tháng 12/2017. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, tháng 01/2018 là thời điểm giáp tết Nguyên đán Mậu Tuất, nên nhu cầu tiêu dùng của người dân và các doanh nghiệp, các cơ quan tăng hơn các tháng trước.
Trong số nhiều nguyên nhân đẩy giá CPI tăng có nguyên nhân chủ yếu từ nhóm hàng hóa giao thông, thuốc và dịch vụ y tế. Trong đó, đóng góp vào mức tăng của nhóm giao thông có nguyên nhân từ việc giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt góp phần đẩy CPI chung tăng 0,11% và giá vé tàu hỏa tăng 6,54% do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé vào dịp cuối năm.
Xăng dầu là một trong những yếu tố góp phần lớn vào việc CPI tăng
Cụ thể, trong tháng 01/2018, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 04/01/2018 và ngày 19/01/2018 đã tác động làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 01/2018 tăng 2,65% so với tháng trước, đóng góp làm tăng CPI chung 0,11%.
“Lạm phát chung có mức tăng cao hơn cơ bản đang phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường tăng cao thông qua điều chỉnh giá loạt mặt hàng thiết yếu, như: điện, xăng dầu, dịch vụ y tế...", Tổng cục Thống kê đánh giá.
Đánh giá về chỉ số CPI tháng 01/2018, theo PGS, TS. Ngô Trí Long, con số này đang có xu hướng tăng tương đối rõ. Chỉ số CPI của cùng thời điểm năm 2017 thấp hơn nhiều so với năm nay. Đây là điều mà chúng ta cần phải lưu ý trong diễn biến CPI thời gian tới.
Theo Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), so với tháng trước, CPI tháng 01/2018 đã tăng 0,51%. Đây là một mức tăng tương đối cao. Một trong những nguyên nhân chính, theo cơ quan nghiên cứu này, bên cạnh lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, việc giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng theo giá thế giới cũng làm nhóm giao thông tăng 1,17% gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá nói chung. Điều này sẽ gây khó khăn cho các tháng tiếp theo trong việc kiểm soát lạm phát.
Có lẽ chính vì lý do này, trong phiên điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của tháng 02/2018, nhằm điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát, hạn chế mức tăng CPI, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, ổn định tâm lý tiêu dùng, góp phần giúp cho người dân đón Tết, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ ổn định giá tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Để giữ nguyên giá xăng dầu, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu của từng mặt hàng có sự thay đổi, như xăng E5 RON92 là 1.141 đồng/lít, trong khi kỳ trước chi sử dụng 857 đồng/lít, xăng RON95 là 400 đồng/lít, diesel là 678 đồng/lít trong khi kỳ trước chi sử dụng 400 đồng/lít…
CPI 2018 có thể cao hơn 2017?
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, áp lực lạm phát năm 2018 chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công và giá thực phẩm, do giá dịch vụ công năm 2018 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016 - 2020 (dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể khoảng 2 - 2,5 điểm %), trong khi giá thực phẩm năm 2018 nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn.
Trong báo cáo tình hình kinh tế - tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 dự báo duy trì ở mức tương đương năm trước (dưới 4%).
Tuy nhiên, lạm phát 2018 sẽ chịu nhiều áp lực từ giá điện. Cụ thể, nếu giá điện tăng 8% - 10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1 - 0,15 điểm %.
Phân tích về tác động của giá điện tới CPI, tại báo cáo tình hình giá cả năm 2017, dự báo 2018 của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo, việc giá điện bán lẻ bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 01/12/2017 sẽ tạo tác động nhiều vào mặt bằng giá trong năm 2018.
Cụ thể: theo cơ quan này, giá điện tăng 6,08% từ ngày 01/12/2017 dự kiến sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1% và sẽ tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào. Giá điện trong 6 tháng đầu năm dự kiến ổn định, trong 6 tháng cuối năm sẽ biến động tùy thuộc vào kết quả kiểm toán giá điện.
Dự báo về CPI 2018, Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư.
Một trong những thách thức đó là CPI ngay từ tháng đầu năm đã tăng cao, dự báo CPI năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017 có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm giảm tiêu dùng tư nhân, củng cố xu hướng tiết kiệm của hộ gia đình.
Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 4% thì công tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời./.
Bình luận