Thực trạng vốn FDI vào Việt Nam

Giai đoạn 2011-2015 chứng kiến đà phục hồi của dòng vốn FDI vào Việt Nam nhưng mức độ phục hồi còn chậm, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn này, duy chỉ có năm 2014 là vốn FDI đăng ký vào nước ta giảm so với năm 2013 (nhưng mức giảm không đáng kể, giảm 430,5 triệu USD ứng với giảm 1,90%), các năm còn lại, số dự án và vốn FDI đăng ký đều có xu hướng tăng lên (Hình).

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

Giai đoạn 2016-2019 (trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát), Việt Nam liên tục chứng kiến những con số ấn tượng về số vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2016, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm đạt 26.890,5 triệu USD. Năm 2017 đánh dấu cột mốc 30 năm FDI vào Việt Nam, nước ta thu hút được 2.741 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 37.100,6 triệu USD. Năm 2018 là năm duy nhất trong giai đoạn này FDI vào Việt Nam giảm so với năm trước, nhưng mức giảm cũng không đáng kể (giảm 732 triệu USD ứng với giảm 1,97%). Đến năm 2019, tổng số vốn FDI đăng ký đạt được là 38.951,7 triệu USD (chỉ thấp hơn năm 2008), còn số dự án và số vốn FDI thực hiện lại cao nhất kể từ khi dòng vốn này vào Việt Nam, với 4.028 dự án FDI và tổng số vốn thực hiện đạt 20.380 triệu USD. Đây là giai đoạn Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và có nhiều cải thiện về các chính sách liên quan đến đầu tư, điển hình như: Năm 2016, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công các hội nghị cấp cao ACMECS-7, CLMV-8, WEF Mekong, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế; Năm 2017, Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ APEC 2017, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới; Năm 2018, Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba trên thế giới; Năm 2019, Việt Nam và EU ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Những hoạt động đó đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, năm 2020 và 2021, đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp có ảnh hưởng rất nhiều đến mọi ngành, mọi lĩnh vực ở tất cả các quốc gia trên giới, trong đó có Việt Nam. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khá nhiều chuyến xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh của các đối tác nước ngoài ở Việt Nam đã bị hủy bỏ, bao gồm những hoạt động: tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư. Ngoài ra, với những diễn biến rất khó lường của đại dịch, nhiều nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao và đa số vẫn còn do dự khi đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19, các chỉ số tài chính ổn định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 Việt Nam chỉ thu hút được 2.523 dự án, với tổng số vốn FDI đăng ký là 28.530 triệu USD. Số dự án so với cùng kỳ năm 2019 giảm 35%; tổng số vốn FDI đăng ký so với cùng kỳ năm 2019 giảm 25%. Tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.830 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,22 tỷ USD, giảm 43,8%. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5%. Trong 9 tháng năm 2021, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,28 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 3,91 tỷ USD chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ 3 đạt 3,27 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hà Lan, Hoa Kỳ… Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 9 tháng đầu năm 2021. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,64 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn. Hải Phòng đứng thứ 2 đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 12,2%. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với 2,35 tỷ USD, chiếm 10,6%. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Nội… Một số dự án lớn đầu tư trong 9 tháng năm 2021, như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD (trong đó điều chỉnh tăng 1,4 tỷ USD ngày 30/8/2021 và tăng 750 triệu USD ngày 04/02/2021); Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist (2020), Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19, các chỉ số tài chính ổn định. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút vốn FDI trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những điểm đến an toàn để thiết lập lại cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đây là những điểm sáng để Việt Nam thu hút FDI trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những năm qua, hoạt động thu hút FDI vẫn còn một số những hạn chế nhất định. Nhiều địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách… Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư cũng còn nhiều bất cập, vẫn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu trong khi chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án FDI mang lại.

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG THU HÚT VỐN FDI VÀO VIỆT NAM

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Bên cạnh việc chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, thì Nghị quyết số 50 cũng đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục bảo hộ các nhà đầu tư thông qua một loạt các thể chế, như: tiếp tục xây dựng, điều chỉnh các hiệp định bảo hộ đầu tư đối với các quốc gia, xây dựng cơ chế trọng tài, giải quyết khiếu nại đối với các nhà đầu tư… Đây là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Thứ hai, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để kiểm soát tốt dịch Covid-19. Trong năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời, có hiệu quả, được quốc tế đánh giá cao khi thực hiện được mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, dịch đã bùng phát trở lại ở nhiều địa phương với mức độ phức tạp hơn những lần trước. Do đó, Chính phủ nên cho doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài thấy rõ các kế hoạch chống dịch, biện pháp từng giai đoạn. Bởi, việc nhìn được kế hoạch chống dịch của Chính phủ sẽ hỗ trợ rất tốt về kế hoạch của doanh nghiệp. Hiện các chuỗi sản xuất đứt gãy đang ở trên bình diện thế giới, khu vực và rõ nhất đối với các nền sản xuất mở cửa. Vì vậy, lộ trình kế hoạch cần được đưa ra để cộng đồng hiểu được việc họ quay trở lại với sản xuất bình thường. Cùng với đó, Chính phủ, bộ, ban ngành và địa phương luôn phải chia sẻ, lắng nghe doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh. Đây là yếu tố giúp Việt Nam giữ được việc làm, giải quyết khó khăn sau dịch.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, các dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công để cải thiện các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư và thực hiện các dự án FDI.

Thứ tư, để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh, như: tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

Thứ năm, các cơ quan xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với nhà đầu tư nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để quảng bá cơ hội đầu tư, để trao đổi, giải đáp và kịp thời hỗ trợ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn mới tiến hành tìm hiểu cơ hội đầu tư hoặc làm thủ tục đầu tư. Về dài hạn, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chiến lược thu hút FDI cho phù hợp./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030

2. Tổng cục Thống kê (2021). Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 9 tháng năm 2021

3. Tổng cục Thống kê (2012-2021). Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2011 đến năm 2020, Nxb Thống kê

4. Trần Văn Dũng (2020). Thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam và những vấn đề đặt ra hiện nay, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1, tháng 9/2020

5. Nguyễn Bích Lâm (2021). Việt Nam cần làm gì để tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua giành FDI?, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Viet-Nam-can-lam-gi-de-tiep-tuc-dan-dau-trong-cuoc-dua-gianh-FDI/453062.vgp

TS. Triệu Văn Huấn

ThS. Nguyễn Thị Thanh Quý

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2021)