Đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT tỉnh Nghệ An
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2022 Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Ban Quản lý) đã không ngừng nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước và phát triển KKT, các KCN trên địa bàn; tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quan trọng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe cho người lao động, ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh và tăng tốc phát triển các KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh. Một số hoạt động cụ thể như sau:

Về công tác xây dựng chương trình, đề án, năm 2022, Ban Quản lý đã tham mưu UBND Tỉnh phê duyệt Đề cương mở rộng KKT Đông Nam và đổi tên thành KKT Nghệ An, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng KKT Đông Nam vào năm 2023; tham mưu UBND Tỉnh không đề xuất KKT Đông Nam vào nhóm các KKT ven biển tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư công; rà soát, đánh giá việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận đầu tư của tỉnh Nghệ An với các nhà đầu tư hạ tầng.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại KCN, KKT được tiếp tục triển khai thích ứng, an toàn, linh hoạt, hiệu quả tại 132 doanh nghiệp, 49 nhà thầu xây dựng; tổ chức tiêm vắc xin cho gần 35.000 lao động; thành lập 1 cơ sở thu dung điều trị tại KCN VSIP; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp/nhà đầu tư phục hồi hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT tỉnh Nghệ An
Một góc KCN WHA Nghệ An

Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, doanh nghiệp, lao động, đầu tư… trong KKT, KCN được quan tâm chú trọng và triển khai hiệu quả, đảm bảo các KCN tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Công tác phát triển các KCN được triển khai tăng tốc và đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu về cung cấp quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư. Năm 2022, Ban Quản lý đã giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 247,3ha, trong đó cho thuê đất để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN là 230,7ha. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trong KKT, KCN bàn giao đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án, nhất là các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt được như sau: KCN, đô thị và dịch vụ VSIP đạt 95%; KCN WHA giai đoạn 1 đạt 100%, giai đoạn 2 đạt 81%; KCN Hoàng Mai 1 đạt 93%.

Mặt khác, Ban Quản lý đã tham mưu UBND Tỉnh trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 2 KCN với quy mô 834,79ha (bao gồm KCN Thọ Lộc giai đoạn 1: 600ha; KCN Hoàng Mai II: 334,79ha), nâng tổng diện tích đất KCN phục vụ thu hút đầu tư lên 2.388,2ha (trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê xây dựng nhà máy khoảng 1.026ha); đến nay tỷ lệ lấp đầy bình quân của 05 KCN đã hoạt động đạt 61,52%.

Đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT tỉnh Nghệ An
Nhà đầu tư thứ cấp đang khẩn trương triển khai xây dựng dự án trong KCN WHA

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được Ban Quản lý tiếp tục tăng cường đẩy mạnh; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…Một số kết quả cụ thể:

Năm 2022, Ban Quản lý đã rà soát công bố mới 10 thủ tục hành chính, bổ sung 2 thủ tục hành chính, bãi bỏ 5 thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường, lĩnh vực lao động; tiếp nhận 545 hồ sơ trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Tỉnh, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,4%.

Tham mưu UBND Tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn Tỉnh (Quyết định số 37/2022/QĐ-UBND ngày 30/6/2022); ủy quyền cấp giấy phép môi trường (Quyết định số 920/QĐ-UBND ngày 12/4/2022).

Triển khai đề tài khoa học công nghệ “Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý tại Ban quản lý KKT Đông Nam” theo Quyết định số 1785/QĐ-UBND ngày 23/6/2022 của UBND Tỉnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số: Hệ thống văn thư lưu trữ, quản lý văn bản đi, đến được triển khai trên Hệ thống quản lý văn bản điện tử VNPT-Ioffice. Năm 2022, có 9.297 văn bản đến được chuyển trên hệ thống, 3.690 văn bản đi được ký số 100%. Việc tiếp nhận, trả lời đơn thư, phản ánh, kiến nghị của cử tri, người dân, doanh nghiệp KCN, KKT được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, đúng thời hạn.

Đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT tỉnh Nghệ An
Toàn cảnh KCN VSIP Nghệ An

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư

Xác định công tác thu hút đầu tư sẽ tạo động lực phát triển nhanh và mạnh mẽ KKT và các KCN trên địa bàn Tỉnh, Ban Quản lý đã tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, đồng thời tập trung hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm để tạo “lực kéo” quan trọng vào các KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai (I, II), Thọ Lộc; cảng nước sâu Cửa Lò; các dự án đầu tư thứ cấp của Everwin, Ju Teng, Hoa Lợi, Youngjin…

Năm 2022, Ban Quản lý đã chủ trì tham mưu UBND Tỉnh làm việc với các nhà đầu tư Đài Loan tại Hà Nội, làm việc với các Tập đoàn Goertek Vina, Luxshare ICT, Ju Teng, Compal, Foxcon; tổ chức Đoàn công tác của Tỉnh xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Hàn Quốc; phối hợp với các Công ty hạ tầng VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt hỗ trợ các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào KCN.

Đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT tỉnh Nghệ An
UBND tỉnh Nghệ An ký kết thỏa thuận đầu tư với các nhà đầu tư vào các KCN, KKT, tháng 4/2022

Với những cố gắng lớn của Ban Quản lý KKT Đông Nam và các nhà đầu tư hạ tầng KCN, kết quả thu hút đầu tư vào KKT và các KCN Tỉnh trong năm 2022 đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.

Trong năm 2022, KKT Đông Nam và các KCN trong Tỉnh đã thu hút được 34 dự án đầu tư ở trong và ngoài nước và 14 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 30.355,4 tỷ đồng, tương đương 1,31 tỷ USD (kế hoạch là 15.000-20.000 tỷ đồng), vượt 102% so với kế hoạch và tăng 232% so với năm trước. Trong đó, cấp mới 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 478,118 triệu USD.

Năm 2022, tổng số vốn FDI cấp mới và điều chỉnh tăng thêm vào các KCN, KKT của Tỉnh là 901,294 triệu USD (kế hoạch là 400 triệu USD), vượt 125% so với kế hoạch và tăng 198% so với năm trước.

Lũy kế đến ngày 31/12/2022, KKT Đông Nam và các KCN Tỉnh có 285 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 104.994 tỷ đồng (tương đương 4,54 tỷ USD). Trong đó, có 215 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 53.756,72 tỷ đồng và 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,246 tỷ USD.

Một số dự án có quy mô lớn cấp mới, điều chỉnh trong năm 2022 như: Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử Goerteck 1-2 (điều chỉnh tăng 400 triệu USD); nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare-ICT 2 (150 triệu USD); nhà máy khoa học kỹ thuật kim loại Tân Việt (125 triệu USD); 2 nhà máy giày dép xuất khẩu Hoa Lợi (99 triệu USD)...

Bên cạnh đó, với những nỗ lực quyết tâm cao của Ban Quản lý, các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp trong KKT và các KCN của Tỉnh, năm 2022 các KCN đã chứng kiến khởi công dự án JuTeng (tại KCN Hoàng Mai 1, ngày 20/9), dự án Everwin Precision (tại KCN VSIP, ngày 20/10); khánh thành nhà máy may mặc Nakano, Nhật Bản (tại KCN WHA), nhà máy thức ăn chăn nuôi Thành Đô (tại KCN Thọ Lộc)...

Các KCN, điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư

Tỉnh Nghệ An có 5 KCN đang hoạt động đầu tư khá hiệu quả (KCN VSIP I, II; KCN WHA và KCN Hoàng Mai I, II). Trong các KCN đã và đang hoạt động thành công tại Nghệ An, không thể không kể đến hai nhà đầu tư ngoại với dự án KCN VSIP Nghệ An và KCN WHA Industrial Zone 1-Nghệ An. Điểm tương đồng của hai KCN này đều là các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, có uy tín và kinh nghiệm trên thương trường, nên chỉ trong một thời gian ngắn đầu tư tại Nghệ An, các nhà đầu tư đã xây dựng được các KCN sinh thái thông minh với kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đến nay đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trong năm 2022, mặc dù có những bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và tác động tiêu cực của dịch Covid-19, song tình hình thu hút đầu tư vào hai KCN này vẫn tiếp tục đạt được kết quả khởi sắc. Điều đó đã chứng tỏ sức thu hút đầu tư của hai KCN này trên "bản đồ thị trường” các KCN tại Việt Nam.

Đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT tỉnh Nghệ An
Đại diện KCN VSIP Nghệ An báo cáo với Đoàn công tác của Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình đầu tư hạ tầng KCNVSIP Nghệ An

KCN VSIP Nghệ An nằm tại xã Hưng Tây, Hưng Đạo, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên và xã Hưng Chính, TP. Vinh. Tính đến tháng 1/2023, KCN VSIP Nghệ An đã thu hút 38 nhà đầu tư (39 dự án) với tổng vốn đầu tư là 17.118 tỷ đồng (tương đương 743,6 triệu USD), trong đó có 19 nhà đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký là 681,06 triệu USD; diện tích đất cho thuê trong KCN là 232.03ha (trên tổng diện tích đất xây dựng nhà máy 263,23ha), đạt tỷ lệ lấp đầy 88%, dự kiến sẽ thu hút khoảng hơn 40.000 lao động địa phương. Trong đó có 23 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm bước đầu cho hơn 13.000 lao động địa phương; 5 nhà đầu tư khác đang xây dựng nhà máy và 8 nhà đầu tư còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư, thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng nhà máy.

Các khách hàng FDI lớn trong KCN VSIP Nghệ An có thể kể đến như: Luxshare-ICT (vốn đầu tư 290 triệu USD, diện tích 56ha); Everwin Precision (vốn đầu tư 200 triệu USD, diện tích 40ha); Merry & Luxshare, Great longview, Tai Hing và Gift story là những nhà đầu tư đến từ Hongkong, Đài Loan; Matsuoka (vốn đầu tư 51,5 triệu USD với diện tích 10ha) và Biomass đến từ Nhật Bản; Woosin Vina, IMS và Sangwoo đến từ Hàn Quốc; Công ty Becker đến từ Thụy Điển…

Lãnh đạo KCN VSIP Nghệ An cho biết, hiện nay, KCN VSIP Nghệ An đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư dự án KCN Thọ Lộc (VSIP Nghệ An 2) với diện tích 500ha, theo đó VSIP Nghệ An đang gấp rút tiến hành các công tác chuẩn bị để thực hiện Lễ Khởi công Dự án dự kiến vào tháng 5/2023.

Đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT tỉnh Nghệ An
Lãnh đạo KCN VSIP Nghệ An giới thiệu với Đoàn công tác của Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào KCN VSIP

KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An KCN nằm tại KKT Đông Nam, tỉnh Nghệ An. KCN có tổng diện tích 498ha (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) với tổng vốn đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng (tương đương 728,29 triệu USD). Đến nay, KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An đã thu hút được 18 nhà đầu tư, trong đó có 14 nhà đầu tư FDI với diện tích đất cho thuê 85,05ha, dự kiến thu hút khoảng hơn 46.060 lao động địa phương. Trong đó có 4 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm bước đầu cho hơn 2.700 lao động địa phương; 5 nhà đầu tư khác đang xây dựng nhà máy và 9 nhà đầu tư còn lại đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang thực hiện thủ tục quy hoạch để triển khai xây dựng.

Trong 4 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An, đặc biệt có dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek với tổng mức 500 triệu USD. Đây là dự án FDI có tổng mức đầu tư lớn nhất của tỉnh Nghệ An. Dự án này sẽ là “lực kéo” để thu hút nhiều nhà đầu tư vệ tinh khác quan tâm, nghiên cứu đầu tư vào tỉnh Nghệ An, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Công ty cổ phần KCN WHA cho biết, đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai giai đoạn 2 của dự án với diện tích 354,5ha, hiện đã giải phóng mặt bằng được hơn 81% diện tích đất trong KCN.

Đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT tỉnh Nghệ An
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KCN WHA Nghệ An báo cáo với Đoàn công tác của Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào KCN WHA Nghệ An

Thời gian qua, các KCN, KKT Nghệ An đã thu hút thành công 4 tập đoàn lớn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất điện tử, thiết bị công nghệ và tiếp tục mở rộng các dự án như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư 1,23 tỷ USD, dự kiến các dự án này sẽ tạo việc làm cho 65.000 - 68.000 cho người lao động.

Những kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN của Tỉnh trong thời gian gần đây đã góp phần quan trọng tạo động lực để Nghệ An đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư vào Tỉnh. Nhờ vậy, năm 2022 Nghệ An ghi dấu ấn đặc biệt- năm đầu tiên Tỉnh thu hút vốn FDI đạt gần 1 tỷ USD, đồng thời cũng là lần đầu tiên Tỉnh lọt vào danh sách 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Lũy kế đến nay, Nghệ An đã thu hút được 115 dự án FDI còn hiệu lực thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đăng ký trên 2,5 tỷ USD.

Với sức hút đầu tư mạnh mẽ của các KCN, KKT tỉnh Nghệ An trong thời gian gần đây, cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở “Mở rộng cửa đón nhà đầu tư” của tỉnh Nghệ An và sự đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Ban Quản lý KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An, thời gian tới các KCN, KKT Nghệ An sẽ tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư tin cậy và hấp dẫn của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, có thương hiệu toàn cầu, tiến tới tương lai gần đưa Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước./.

Đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT tỉnh Nghệ An
Toàn cảnh các dự án đang đầu tư xây dựng trong KCN WHA