Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cá tra của nước ta năm 2016 ước tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015 với tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,67 tỷ USD. Năm 2016 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc với tổng giá trị xuất khẩu tăng gần 90%.

Mỹ tiếp tục là thị trường lớn đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm khoảng 20% trên tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mặc dù xuất khẩu tăng, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu cá tra chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của ngành hàng này, bởi còn nhiều thách thức đã và đang đặt ra đối với ngành cá tra hiện nay. Đáng chú ý là những rào cản khắt khe từ Mỹ, nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh yếu tố thị trường, là vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu, do khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra hiện nay vẫn chưa gắn kết được với nhau.

Tại hội nghị tổng kết “Sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển bền vững” được tổ chức ngày 14/12/2016 mới đây, ông Vũ Như Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, cá tra nước ta có lợi thế rất lớn, năng suất đạt 500 – 600 tấn/ha, chưa nơi nào trên thế giới đạt như thế. Tuy nhiên, giá trị mang lại gần 1,67 tỷ USD/năm là chưa tương xứng. Ông cho rằng, nguyên nhân chính là do thiếu liên kết, doanh nghiệp chưa quan tâm nghiên cứu giống. Đồng thời, sản phẩm chế biến đơn điệu, đa số là phi lê; chưa kết nối được với khách hàng, người tiêu dùng và thiếu chiến lược marketing.

Năm 2016, xuất khẩu cá tra tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015 với tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,67 tỷ USD

Chủ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam, ông Dương Nghĩa Quốc cho rằng, khó khăn nhất chính là chất lượng giống thoái hóa, gây hao hụt, tăng chi phí. Hơn nữa, các chính sách của nhà nước chưa đi vào cuộc sống, nông dân chưa tiếp cận được nhiều. Ngoài ra, việc liên kết lỏng lẻo dẫn đến sản xuất tiêu thụ khó bền vững, năng lực quản trị và vốn cho doanh nghiệp khó khăn (Hòa Hội, 2016).

Bên cạnh đó, một số loại hình liên kết nuôi cá, như: Liên kết giữa hộ và doanh nghiệp nuôi cá với cơ sở cung ứng thức ăn; Liên kết giữa hộ nuôi cá với doanh nghiệp chế biến trong tiêu thụ và cung ứng thức ăn; Liên kết nuôi gia công giữa hộ nuôi cá và doanh nghiệp chế biến; Liên kết thuê ao nuôi cá giữa hộ nuôi cá và doanh nghiệp chế biến, tuy nhiên, hiện nay sự liên kết này chưa được bền chặt. Nhiều hợp đồng liên kết cung cấp và thu mua sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân nuôi cá được ký kết nhưng không được thực hiện nghiêm túc. Các vụ việc phá vỡ hoàn toàn hợp đồng, trì hoãn thanh toán tiền, hạ cấp sản phẩm một cách tùy tiện đã gây nhiều khó khăn cho phía người nuôi cá, nhất là những người nuôi cá theo mô hình hộ gia đình. Bên cạnh đó, trong tổ chức sản xuất của các hộ gia đình nuôi cá tra hiện nay, vai trò của Hội và Hiệp hội Thủy sản ở các địa phương còn khá mờ nhạt.

Để ngành cá tra phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề quan trọng để ngành hàng cá tra phát triển bền vững là tổ chức lại việc sản xuất và tiêu thụ cá tra theo hướng liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau nhằm quản lý chặt về sản lượng nuôi, thời vụ thu hoạch, thời điểm xuất khẩu… có như vậy mới tránh được tình trạng lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu và giá cả lên xuống thất thường gây thiệt cho người nuôi.

Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cũng như các mô hình dự báo cầu thị trường cá tra, từ đó đưa ra chính sách quản lý, điều tiết, quy hoạch lại sản xuất.

Tại hội nghị tổng kết “Sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển bền vững” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, vấn đề cấp bách hiện nay là phải sớm có được một khung pháp lý để thống nhất, đầu tư, quản lý và phát triển ngành hàng cá tra.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đồng bằng sông Cửu Long phải khẩn trương đầu tư khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng từ con giống đến sản phẩm xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Ưu tiên những mặt hàng giá trị gia tăng để xây dựng bằng được thương hiệu cá tra Việt Nam. Nếu làm được điều này, giá trị xuất khẩu cá tra sẽ không dừng lại con số dưới 2 tỷ USD như hiện nay (Huỳnh Tâm, 2016).

Bên cạnh đó, ngành Cá tra cần phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện việc cấp mã số ao nuôi, áp dụng đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi và xác nhận hợp đồng xuất khẩu nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với thị trường.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, trước những cơ hội và thách thức của ngành hàng cá tra hiện nay, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Do vậy, tái cấu trúc ngành hàng cá tra ở các khâu: thị trường, sản phẩm, chất lượng, quản trị doanh nghiệp… Đồng thời, thúc đẩy môi trường cạnh tranh ở tất cả các phân khúc từ hộ nuôi, khu vực giống, chế biến và các ngành dịch vụ hỗ trợ. Nhà nước cần hỗ trợ ở những khâu doanh nghiệp chưa làm được như: nghiên cứu về giống, bảo vệ gen, nghiên cứu công nghệ - kỹ thuật…(Thành Công, 2016).

Đồng thời, ngành Cá tra cần tổ chức các cơ sở chế biến, tiêu thụ gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu và nhu cầu của từng thị trường. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp chế biến là trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị.

Tài liệu tham khảo

Thúy An (2016). Hướng đi nào cho cá tra Việt Nam, truy cập từ http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/huong-di-nao-cho-ca-tra-viet-nam-471835

Hòa Hội (2016). Cá tra, bảy nổi ba chìm, truy cập từ http://www.tienphong.vn/kinh-te/ca-tra-bay-noi-ba-chim-1083934.tpo

Huỳnh Tâm (2016). Giải pháp bền vững cho ngành cá tra, truy cập từ http://vtv.vn/kinh-te/giai-phap-ben-vung-cho-nganh-ca-tra-20161214194807072.htm

Thành Công (2016). Xuất khẩu cá tra: kỳ vọng bứt phát dịp cuối năm, truy cập từ http://www.kinhtenongthon.com.vn/Xuat-khau-ca-tra-Ky-vong-but-pha-dip-cuoi-nam-106-64170.html