Đề tài, đề án, dự án sản xuất thử nghiệm phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất
Theo dự thảo Thông tư, đề tài, đề án, dự án sản xuất thử nghiệm phải có tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, tập trung các vấn đề trọng tâm của ngành, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; không trùng lặp về nội dung với các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện. Riêng đối với đề tài kế thừa, nêu rõ kết quả đã đạt được ở giai đoạn trước và những vấn đề còn tồn tại cần giải quyết tiếp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các công trình nghiên cứu trong ngành phải có tính thực tiễn
Từng đề tài phải có mục tiêu, sản phẩm rõ ràng; công nghệ hoặc sản phẩm khoa học công nghệ dự kiến: đảm bảo tính mới, tiên tiến so với sản phẩm khoa học công nghệ hiện có; có triển vọng tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả; được hoàn thành ở dạng mẫu để chuyển sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm; có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế, tiến bộ kỹ thuật, giải pháp hữu ích hoặc bằng bảo hộ; có địa chỉ tiếp nhận kết quả; có phương án khả thi để phát triển sản phẩm khoa học công nghệ.
Đối với dự án sản xuất thử nghiệm, công nghệ hoặc sản phẩm khoa học có xuất xứ từ kết quả nghiên cứu của đề tài đã được hội đồng khoa học công nghệ (cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh) đánh giá, nghiệm thu và kiến nghị triển khai áp dụng hoặc kết quả khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích; đảm bảo tính ổn định ở quy mô sản xuất nhỏ và có tính khả thi trong ứng dụng hoặc phát triển sản phẩm ở quy mô sản xuất lớn; có cam kết đảm bảo nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện dự án.
Đối với đề án sản xuất thử nghiệm, kết quả nghiên cứu là những đề xuất hoặc dự thảo cơ chế chính sách, quy trình, quy phạm, văn bản pháp luật có đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng đưa ra các điều kiện tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp chủ trì thực hiện đề tài, đề án, dự án sản xuất thử nghiệm. Cụ thể là:
Đối với tổ chức, phải có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của nhiệm vụ khoa học công nghệ. Đồng thời, không thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1- Đến thời điểm nộp hồ sơ chưa hoàn trả đầy đủ kinh phí thu hồi theo hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trước đây; 2- Không được tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời hạn 1 năm nếu nộp hồ sơ đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia chậm so với thời hạn kết thúc hợp đồng nghiên cứu trên 30 ngày mà không có ý kiến chấp thuận của Bộ khoa học công nghệ (đối với nhiệm vụ cấp quốc gia), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với nhiệm vụ cấp Bộ); 3- Không được tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời hạn 3 năm (từ thời điểm có kết luận của cơ quan có thẩm quyền) nếu có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ; không triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 4- Không được tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời hạn 2 năm nếu không thực hiện nghĩa vụ đăng ký, nộp lưu giữ các kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; không báo cáo ứng dụng kết quả của nhiệm vụ theo quy định.
Đối với cá nhân chủ nhiệm đề tài, đề án, dự án sản xuất thử nghiệm phải đáp ứng các điều kiện sau: Có trình độ đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp và đang hoạt động cùng lĩnh vực có liên quan đến đề tài, dự án trong 5 năm gần nhất, tính đến thời điểm nộp hồ sơ; là người chủ trì hoặc tham gia chính xây dựng thuyết minh đề tài, đề án, dự án sản xuất thử nghiệm; có đủ khả năng trực tiếp thực hiện hoặc tổ chức thực hiện và đảm bảo đủ thời gian để chủ trì thực hiện đề tài, đề án, dự án sản xuất thử nghiệm; đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ, đang làm chủ nhiệm không quá 1 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ hoặc cấp quốc gia.
Đồng thời, không thuộc một trong các trường hợp sau:
1- Không được tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 1 năm nếu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia bị dừng giữa chừng do nguyên nhân chủ quan của chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học công nghệ;
2- Không được tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 2 năm nếu nộp hồ sơ đánh giá nghiệm thu cấp bộ, cấp quốc gia chậm so với thời hạn kết thúc hợp đồng nghiên cứu trên 30 ngày mà không có ý kiến chấp thuận của Bộ khoa học công nghệ (đối với nhiệm vụ cấp quốc gia), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với nhiệm vụ cấp Bộ), không thực hiện nghĩa vụ đăng ký, lưu giữ kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được nghiệm thu;
3- Không được tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 3 năm nếu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia được đánh giá nghiệm thu ở mức “không đạt” kể từ thời điểm có kết luận của hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Bộ, cấp quốc gia;
4- Không được tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian 5 năm (tính từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền) nếu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia do mình làm chủ nhiệm có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện./.
Bình luận