Đến 2050, Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện
Ký thay Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1339/QĐ-TTg ngày 13/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, phạm vi lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang là toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính tỉnh Hà Giang với diện tích tự nhiên là 7.927,55 km2.
Phạm vi lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang là toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính tỉnh Hà Giang với diện tích tự nhiên là 7.927,55 km2. Ảnh: Internet |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8%/năm
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang là Tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái. Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, an toàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 22 - 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29,0%; dịch vụ chiếm khoảng 43 - 44%; Thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4 - 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng.
Về văn hóa - xã hội, chỉ số phát triển con người HDI đạt khoảng 0,8. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt trên 75%. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hàng năm bình quân đạt 4%/năm.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc
Quy hoạch đưa ra định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển kinh tế nông nghiệp đặc trưng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu.
Tỉnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, xanh và bền vững. Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc. Xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia; thành phố Hà Giang trở thành thành phố du lịch, trung tâm kết nối du lịch của Tỉnh
. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, gắn với các lợi thế của địa phương, như: Du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm; du lịch thương mại, biên giới.
Phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và văn hóa. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Phát triển hạ tầng đồng bộ tại các khu vực cửa khẩu song phương, lối mở khác nằm ngoài khu kinh tế; bảo đảm hài hòa không gian giữa sản xuất, đô thị và văn hóa; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá trong phát triển
Quy hoạch cũng đưa ra 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá trong phát triển của Tỉnh thời gian tới. Theo đó, Hà Giang sẽ ưu tiên phát triển 06 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng (Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; Phát triển du lịch; Phát triển kinh tế biên mậu; Ngành công nghiệp - xây dựng; Các ngành dịch vụ; Ngành giáo dục và đào tạo); Tập trung vào 04 trụ cột tăng trưởng (Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; Du lịch sinh thái và đẳng cấp; Hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; Đô thị bản sắc và hiện đại).
Tỉnh sẽ tập trung 03 khâu đột phá. Thứ nhất, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, quy mô quy hoạch 4 làn xe; xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang (đến địa phận huyện Bắc Quang), quy mô quy hoạch 4 làn xe. Thứ hai, phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp; phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị. Thứ ba, tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Về không gian phát triển, Quy hoạch xác định 4 cực phát triển, tăng trưởng (Thành phố Hà giang và huyện Vị Xuyên - phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, dịch vụ; Cao nguyên đá Đồng Văn - phát triển du lịch; huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình - phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp; huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần - phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch).
4 trục động lực tăng trưởng được đưa ra, gồm:
Trục động lực kinh tế đô thị (cấp tỉnh) - thương mại, dịch vụ - cửa khẩu quốc tế - du lịch: Liên kết phát triển toàn bộ khu vực động lực trung tâm tỉnh; kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ với các huyện Vị Xuyên, TP. Hà Giang, huyện Bắc Quang;
Trục động lực kinh tế biên mậu - du lịch - đô thị (cấp huyện): Liên kết phát triển các khu vực cửa khẩu, lối mở dọc tuyến biên giới; các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Tây và phía Bắc của tỉnh; Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu, cụm, điểm du lịch chính của tỉnh;
Trục động lực kinh tế đô thị - dịch vụ - công nghiệp: Liên kết phát triển phát triển các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Nam với các khu vực khai thác lâm sản, nông nghiệp, khoáng sản, công nghiệp;
Trục động lực kinh tế du lịch - dịch vụ: Liên kết phát triển các khu, cụm, điểm du lịch và các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Đông tỉnh).
Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn khẳng định, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hà Giang trong thời kỳ quy hoạch.
"Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2003, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang, đảm bảo nhanh và bền vững", ông Sơn nhấn mạnh./.
Bình luận