Từ khóa: du lịch thông minh, điểm đến du lịch thông minh, tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch thông minh

Summary

Smart tourism destinations are a new research aspect in the context of increasing application of information and communication technology (ICT) in tourism destinations. This article uses secondary data collection methods along with comprehensive analysis of opinions and content with the aim of systematizing reputable domestic and foreign published research on smart tourism destinations. Analysis results show that research related to smart tourism destinations published recently focuses mainly on 4 main groups of issues including: (1) Concepts related to smart tourism destinations; (2) Conditions of the smart tourism destination; (3) Criteria for evaluating smart tourism destinations; (4) Factors affecting smart tourism destination development. On that basis, creating a gap and opening up many new research directions in the future.

Keywords: smart tourism, smart tourism destinations, criteria for evaluating smart tourism destinations

GIỚI THIỆU

Tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến DLTM, điểm đến DLTM cho thấy, đang còn khá nhiều vấn đề cần tiếp tục tranh luận và cũng đang để ngỏ khá nhiều khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu như khái niệm điểm đến DLTM là một khái niệm còn khá mới, hệ thống khái niệm và lý thuyết của vấn đề vẫn đang còn trong giai đoạn khám phá. Thêm vào đó, các điều kiện cần thiết của điểm đến thành điểm đến DLTM; các yếu tố ảnh hưởng, mối quan hệ giữa điểm đến DLTM với các điểm đến khác; vai trò của các chủ thể tham gia vào quản lý, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm… tại điểm đến DLTM; các tiêu chí đánh giá điểm đến DLTM đang rất cần được các nghiên cứu tiếp theo làm sáng tỏ hơn. Vì vậy, bài viết này nhằm mục đích hệ thống hóa và phân tích nội dung là các nghiên cứu về điểm đến DLTM đã được công bố trên các tạp chí uy tín, từ đó hệ thống hóa và củng cố nền tảng lý thuyết về điểm đến DLTM.

TỒNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ ĐIỂM ĐẾN DLTM

Các công trình nghiên cứu ngoài nước

Khái niệm về điểm đến DLTM

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về điểm đến DLTM. Với quan điểm nhấn mạnh đến công nghệ, theo Buhalis và Amaranggana (2014), Boes và cộng sự (2015), điểm đến DLTM là điểm đến dựa trên tri thức, trong đó CNTT&TT, internet vạn vật, điện toán đám mây và hệ thống dịch vụ internet được sử dụng để cung cấp các công cụ, nền tảng và hệ thống để tạo ra kiến thức và khả năng truy cập thông tin cho tất cả các bên liên quan một cách có hệ thống và hiệu quả và tạo các cơ chế sẵn có cho phép các bên liên quan tham gia càng nhiều càng tốt trong quá trình đổi mới sáng tạo.

Với quan điểm hướng đến quản lý điểm đến, Buhalis, D. và Inversini (2015) cho rằng, điểm đến DLTM là việc quản lý để tạo ra sự đổi mới và các nguyên tắc về tính bền vững, khả năng tiếp cận thông tin và tạo ra kiến thức và quản trị.

Jovicic (2017) cho rằng, điểm đến DLTM là một không gian địa lý nơi có sự đan xen giữa thực tế và kỹ thuật số trong đó tất cả các bên liên quan đều có thể tiếp cận kiến thức và thông tin, tạo điều kiện để thực hiện việc đổi mới liên tục về hiệu suất và hoạt động; cho phép cộng tác tốt hơn giữa các công ty du lịch và khách du lịch những người có thể trao đổi thông tin/kiến thức với trình độ hiểu biết và xã hội hóa cao hơn, làm tăng nhu cầu du lịch và tìm kiếm trải nghiệm cá nhân hóa.

Như vậy, dù có nhiều quan điểm khác nhau về điểm đến DLTM đã được nghiên cứu tìm hiểu và xác định nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng, điểm đến DLTM có thể được xác định bằng không gian du lịch với sự hỗ trợ của các ứng dụng CNTT&TT, các công nghệ nâng cao khác (internet vạn vật, điện toán đám mây và các hệ thống dịch vụ internet người dùng cuối…) nhằm cố gắng cải thiện trải nghiệm cho du khách khi tiếp cận điểm đến đó, đồng thời cung cấp chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân địa phương.

Các điều kiện của điểm đến DLTM

Để đảm bảo sự thành công của một điểm đến du lịch nói chung, Ritchie và Crouch (2005) nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực và sự đổi mới kết hợp với sự hợp tác, cộng tác ở cấp địa phương và khu vực.

Boes và cộng sự (2015); Buhalis và Amaranggana (2013) đặc biệt nhấn mạnh đến điều kiện về công nghệ thông tin tại các điểm đến DLTM. Công nghệ thông minh là nền tảng để hiện thực hóa DLTM, công nghệ thông minh được thêm vào như một yếu tố mới liên kết các nguồn lực cốt lõi và các yếu tố thu hút. Công nghệ thông minh có vai trò trung tâm trong việc xây dựng điểm đến thông minh, đồng thời nâng cao chất lượng của điểm đến thông minh.

Trong khi đó, Boes và cộng sự (2016) cho rằng, để trở thành một điểm đến DLTM đòi hỏi điều kiện về khả năng lãnh đạo, tầm nhìn và chiến lược của ban quản lý. Hiểu được điểm đến DLTM như một hệ sinh thái là điều cần thiết và một tầm nhìn với một bộ mục tiêu rõ ràng cho sự đổi mới là những động lực chính để phát triển các điểm đến du lịch với tư cách là sự tích hợp tập thể các nguồn lực để tất cả các bên cùng tạo ra giá trị trong hệ sinh thái điểm đến DLTM.

Buhalis và cộng sự (2015) cho rằng, để thực hiện thành công một điểm đến DLTM đòi hỏi phải có cam kết mở ra đổi mới và được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư vào con người và vốn xã hội, được duy trì bởi sự tham gia của ban quản lý để phát triển khả năng cạnh tranh tập thể của điểm đến du lịch và để tăng cường sự thịnh vượng về xã hội, kinh tế và môi trường cho tất cả các bên liên quan.

Tiêu chí đánh giá điểm đến DLTM

Gretzel và cộng sự (2015); Tran Ha My và cộng sự (2017) đã liệt kê một số tiêu chí được sử dụng để đánh giá điểm đến DLTM bao gồm:

- Điểm thu hút thông minh: “Thông minh” trong các điểm du lịch cần được tạo ra trên các điểm tham quan du lịch với vị trí địa lý và các công cụ hướng dẫn bằng âm thanh và hình ảnh, các điểm tham quan. Các điểm tham quan phải được triển khai trên phương tiện thiết bị thông minh nhằm cung cấp thông tin, các sự kiện đặc biệt cho khách du lịch. Ngoài ra, các địa điểm giải trí áp dụng khái niệm thông minh sẽ có tác động đến kinh nghiệm du lịch.

- Khả năng tiếp cận thông minh: Khả năng tiếp cận thông minh được chia thành 2 loại là: Khả năng tiếp cận truyền thống; Khả năng tiếp cận kỹ thuật số. Trong một điểm đến DLTM, sự sẵn có của phương tiện đi lại đối với khách du lịch là một tiêu chí không thể thiếu. Đặc biệt, sự đa dạng về các loại phương tiện dành cho từng đối tượng khách hàng cụ thể.

- Tiện ích thông minh: Điểm đến DLTM cần được đánh giá thông qua các tiện nghi được xây dựng thông minh bằng cách sử dụng hệ thống kiểm soát tốt, như là marketing hệ thống khách sạn từ khách sạn bình dân đến khách sạn 5 sao và nhà hàng cần được thực hiện thông qua công nghệ kỹ thuật số hoặc thông qua các trang web trực tuyến chp phép đặt chỗ, cộng tác với các nhà khai thác (Traveloka, RedDoorz…) và các chương trình khuyến mãi thông qua WhatsApp... để khách du lịch cùng tham gia và lựa chọn được dịch vụ hài lòng nhất tại điểm đến.

- Phụ trợ thông minh: Phụ trợ thông minh trong khái niệm điểm đến du lịch gồm một số khía cạnh thông minh liên quan đến các hệ thống phụ trợ, như: ngân hàng thông minh và ngân hàng dịch vụ di động tại điểm đến, hướng dẫn dịch vụ bưu chính cho khách du lịch thông qua các trang web du lịch hoặc ứng dụng điện thoại di động, dịch vụ y tế cung cấp thông tin vị trí địa lý về các hiệu thuốc, bệnh viện và các dịch vụ y tế lân cận khác trong 24 giờ với dịch vụ đa ngôn ngữ, sáng tạo và thân thiện với cộng đồng địa phương…

- Gói dịch vụ có sẵn thông minh: Trong khái niệm về điểm đến DLTM, các nghiên cứu đều khẳng định, gói dịch vụ thông minh cần có sẵn tại mỗi điểm đến. Ví dụ, điểm đến thông minh phải có sẵn gói dịch vụ về phương tiện giao thông và có thể được truy cập thông qua một ứng dụng di động để khách du lịch có thể làm đặt chỗ trực tuyến, các gói dịch vụ cung cấp các ứng dụng đa ngôn ngữ, gói đồng sáng tạo dưới dạng thẻ thông minh có thể được sử dụng cho các mục đích khác nhau và hợp tác quản lý gói.

- Hoạt động thông minh: Các nghiên cứu đều cho rằng, các hoạt động thông minh bao gồm một số chỉ số, cụ thể là quyền truy cập vào dữ liệu mở. Ví dụ, du khách có thể tiếp cận, tìm hiểu về các sự kiện, điểm tham quan, tài nguyên du lịch thông qua trang web và cả phương tiện truyền thông xã hội. Dữ liệu về du lịch có thể được lấy từ các bên liên quan, chẳng hạn du khách muốn biết sự đông đúc trong di chuyển có thể tìm dữ liệu về lượng khách du lịch thông qua việc vận chuyển đường bộ, thông qua vận chuyển hàng không qua sân bay địa phương...

Các công trình nghiên cứu trong nước

Khái niệm liên quan đến điểm đến DLTM

Nguyễn Thị Minh Nghĩa và cộng sự (2019) cho rằng, điểm đến DLTM là một khái niệm mới nổi trong bối cảnh phát triển và ứng dụng của CNTT&TT ngày càng gia tăng ở các điểm đến du lịch, khái niệm này đang dần tạo ra một cách tiếp cận mới về quản lý điểm đến. Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Minh Nghĩa và cộng sự (2019) cũng nhận định, điểm đến DLTM được lấy cảm hứng từ các điểm đến điện tử (eDestinations), trong khi các điểm đến điện tử nhấn mạnh việc sử dụng CNTT&TT để cung cấp thông tin và trở thành một phần công cụ của tất cả các giao dịch. Ngoài ra, trong nghiên cứu, các tác giả có trình bày một số quan điểm liên quan đến điểm đến du lịch, theo đó, các thành phố thông minh đã khởi xướng khái niệm về các điểm đến DLTM. Các thành phố phải đối phó với một số lượng lớn các tổ chức và công nghệ kết nối với nhau để phục vụ công dân và các bên liên quan khác ở quy mô lớn. Do đó, các thành phố trưởng thành hơn trong việc thực hiện sự thông minh và do đó cung cấp bối cảnh cho nghiên cứu về các điểm đến DLTM.

Nguyễn Mậu Hùng (2020) có bàn luận về mô hình đô thị di sản thông minh của Huế trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bằng các phương pháp định tính và định lượng, bài viết đã chứng minh rằng, Huế không chỉ là một trong những địa phương tiên phong, mà còn được đầu tư để trở thành một trong những đô thị thông minh hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Mô hình đô thị thông minh của Huế không chỉ đơn thuần dựa trên các thành tựu kỹ thuật và lợi thế công nghệ hiện đại, mà còn là một đô thị di sản với một nền tảng văn hóa đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc cũng như một hệ thống di tích lịch sử và giá trị truyền thống được cả thế giới công nhận thuộc hàng nhiều nhất Việt Nam bên cạnh một đô thị xanh - sạch - đẹp, mà không phải đô thị nào cũng có thể làm được. Các tiềm năng vốn có và lợi thế sẵn có đó chính là cơ sở để Huế có thể phát triển thành một đô thị di sản thông minh trọng điểm ở khu vực miền Trung theo mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Các công trình nghiên cứu liên quan CNTT&TT đối với điểm đến DLTM

Công nghệ là yếu tố không thể thiếu đối với các nghiên cứu về điểm đến DLTM, khái niệm về CNTT&TT nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà nghiên cứu. Kể từ khi ra đời trong môi trường đô thị, cách tiếp cận thông minh đã được áp dụng cho quản lý điểm đến du lịch và khái niệm điểm đến DLTM đã được đặt ra.

Liên quan đến công nghệ và chuyển đổi số, theo Lê Hữu Nghĩa và cộng sự (2021), điểm đến DLTM là điểm đến có chiến lược về công nghệ, đổi mới, tính bền vững, khả năng tiếp cận và tính toàn diện trong toàn bộ chu trình du lịch: trước, trong và sau chuyến đi.

Cùng nghiên cứu về công nghệ trong du lịch, Dương Thị Hồng Nhung (2022) đã tổng quan được một số khái niệm cơ bản về ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch như: Khái niệm công nghệ số và phát triển du lịch; Mục tiêu và vai trò của ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch; Nội dung của ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch và các yếu tố ảnh hưởng đến của ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch. Về mặt thực tiễn, Dương Thị Hồng Nhung (2022) đã sử dụng các thông tin và dữ liệu thu thập được để đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội trong thời gian qua.

Theo Lê Quang Đăng (2019), DLTM là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, nó không cụ thể cho mỗi hoạt động du lịch, mỗi loại hình du lịch, mỗi sản phẩm du lịch… Ở đâu, khi nào có sự ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại vào du lịch, thì ở đó, khi đó có DLTM. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ứng dụng công nghệ, làm tăng hiệu quả cho công tác quản lý, hình thành “quản lý DLTM”; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, làm tăng tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh, hình thành “doanh nghiệp DLTM”; khách du lịch ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho các hoạt động du lịch, hình thành “khách DLTM”; điểm đến du lịch ứng dụng công nghệ tiến, hình thành “điểm đến DLTM” và mức độ “thông minh” ở đây lệ thuộc vào quy mô, tính chất và trình độ công nghệ được ứng dụng.

KẾT LUẬN VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO

Qua phân tích, tổng hợp các tài liệu trong và ngoài nước, một số kết luận được rút ra như sau:

Một là, điểm đến thông minh vẫn là một chủ đề mới nổi trong nghiên cứu du lịch đòi hỏi sự tích hợp kiến thức từ một số lĩnh vực có liên quan như hệ thống thông tin, hành vi du lịch, marketing, quy hoạch đô thị, quản lý và điều hành điểm đến. Cho đến nay, khái niệm điểm đến DLTM vẫn là một khái niệm còn khá mới, hệ thống khái niệm và lý thuyết của vấn đề vẫn đang còn trong giai đoạn khám phá, do đó các nghiên cứu về điểm đến DLTM chủ yếu tập trung vào thực nghiệm, quan sát các điểm đến du lịch mới nổi với sự hỗ trợ của CNTT&TT và nghiên cứu hành vi, trải nghiệm của du khách tại các điểm đến này nhằm củng cố và xây dựng nền tảng lý thuyết. Đối với các nghiên cứu lý thuyết chủ yếu tập trung giải thích sự tiến hóa của khái niệm điểm đến DLTM, đồng thời đánh giá sự khác biệt giữa khái niệm điểm đến du lịch truyền thống và điểm đến DLTM mà chưa có sự thống nhất nào về định nghĩa điểm đến DLTM.

Hai là, sự khác biệt rộng rãi trong cách tiếp cận về các điều kiện của điểm đến DLTM khiến các địa phương đã gặp nhiều khó khăn trong khi khai thác điểm đến DLTM trong thực tiễn. Do đó, cần có nghiên cứu về các điều kiện cụ thể của điểm đến DLTM và kiểm định sự phù hợp với bối cảnh từng quốc gia, địa phương.

Ba là, địa bàn nghiên cứu của vấn đề điểm đến DLTM chủ yếu tập trung vào các điểm đến du lịch được cho là “thông minh” mới nổi ở khu vực châu Âu. Các điểm đến được lựa chọn nghiên cứu bao gồm: Amsterdam, Barcelona, Copenhagen, Helsinki, Manchester và Vienna… đây là các điểm đến lớn và được xếp vào danh sách các thành phố thông minh do Ủy ban châu Âu bình chọn. Nghiên cứu các điểm đến ở châu Á còn rất hạn chế. Đây thực sự là những khoảng trống mở ra những nghiên cứu trong thời gian tới.

Từ các kết luận trên, bài viết đề xuất một số hướng nghiên cứu chính cho các học giả và các nghiên cứu tiếp theo liên quan đến điểm đến DLTM tại Việt Nam bao gồm: (1) Phát triển điểm đến DLTM ở một số điểm đến; (2) Nghiên cứu các điều kiện phát triển điểm đến DLTM; (3) Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển điểm đến DLTM; (4) Nghiên cứu ứng dụng CNTT&TT đối với các điểm đến DLTM; (5) Nghiên cứu hành vi khách DLTM đối với các điểm đến DLTM; (6) Vai trò của các chủ thể du lịch trong phát triển điểm đến DLTM.../.

TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương, TS. Bùi Thị Quỳnh Trang

Khoa Khách sạn - Du lịch – Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 25, tháng 9 năm 2023)


Tài liệu tham khảo

1. Boes, K, Buhalis, D., Inversini, A. (2016), Smart tourism destinations: ecosystems for tourism destination competitiveness, International Journal of Tourism Cities, 2(2), 108–124.

2. Buhalis, D., Inversini, A. (2015), Conceptualising smart tourism destination dimensions. In I. Tussyadiah, & A. Inversini (Eds.), Information and communication technologies in tourism 2015, 391–403, Cham: Springer, doi:10.1016/S0160-7383(01)00012-3.

3. Buhalis, D., Amaranggana, A. (2014), Smart tourism destinations. In Z. Xiang, & I. Tussyadiah (Eds.), Information and communication technologies in tourism 2014, 553–564. Cham: Springer. doi:10.1007/978-3-319-03973-2.

4. Buhalis, D., Matloka, J. (2013), Technology-enabled tourism destination management and marketing. In C. Costa, E. Panyik, D. Buhalis (Eds.), Trends in European tourism planning and organisation, 339–350, Buffalo, NY: Channel View Publications.

5. Dương Thị Hồng Nhung (2022), Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số nhằm phát triển du lịch Hà Nội, Đề tài khoa học cấp trường, Trường Đại học Thương mại.

6. Gretzel, U., Sigala, M., Xiang, Z., Koo, C. (2015), Smart tourism: Foundations and developments, Electronic Markets, 25(3), 179-188, doi:10.1007/s12525-015-0196-8.

7. Jovicic, D. Z. (2019), From the traditional understanding of tourism destination to the smart tourism destination, Current Issues in Tourism, 22(3), 276–282.

8. Lê Hữu Nghĩa và cộng sự (2021), Chuyển đổi số trong ngành du lịch Việt Nam, truy cập từ https://digital.lib.ueh.edu.vn/viewer/services/view.php?doc=101246672573523287072610659691460762679&format=jpg&page=1&subfolder=10/12/46/

9. Lê Quang Đăng (2019). Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam, truy cập từ http://itdr.org.vn/nghien_cuu/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tien-trinh-phat-trien-du-lich-thongminh-tai-viet-nam/.

10. Nguyễn Mậu Hùng (2020), Bàn thêm về mô hình đô thị di sản thông minh của Huế trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(3).

11. Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Thúy Vân, Lê Văn Hòa (2019), Điểm đến du lịch thông minh: Khái niệm và các xu hướng nghiên cứu hiện nay, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, 128(5A).

12. Ritchie, J. R., Crouch, G. I. (2005), A model of destination competitiveness. Competitive destination: A sustainable tourism perspective (pp. 60–78), Wallingford: Cabi.

13. Tran Ha My, Assumpció Huertas, Antonio Moreno (2017), (SA)6: A new framework for the analysis of smart tourism destinations. A comparative case study of two Spanish destinations, In book: Congresos - Seminario Destinos Turisticos Inteligentes 2017 - Libro de Actas (pp.190-214), DOI:10.14198/Destinos-Turisticos-Inteligentes.2017.09.


* Bài viết thuộc nội dung nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ, MS: B2023-TMA-03