Tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp

Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong năm 2017, dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp với 183.287 ca mắc (trong đó có 154.552 nhập viện); 30 ca tử vong. Số mắc tăng từ đầu tháng 05/2017 cuối tháng 08/2017, từ đầu tháng 9 đến nay số ca mắc giảm ở các tỉnh, thành phố. Mặc dù, dịch sốt xuất huyết ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố trong năm 2017 nhưng số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và miền Bắc.

Cả nước ghi nhận 169 ca mắc liên cầu lợn, cao hơn năm 2016 tới 65 ca. Đa số các ca bệnh đều có tiền sử ăn tiết canh, đồ sống hoặc giết mổ gia súc không phòng hộ. Cũng trong năm 2017, có 38.898 ca mắc thủy đậu, tăng 45,9% so với năm 2016. Bệnh tay chân miệng năm 2017 là 105.953 ca mắc (48.404 nhập viện), 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện giảm 0,9%.

Cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân năm 2018

Ngoài ra, các dịch bệnh khác đều giảm hoặc tăng nhẹ, như: sởi chỉ có 431 ca phát ban nghi sởi, 0 tử vong, giảm 29,2% so với năm 2016 (609 ca mắc). Bệnh ho gà tăng nhẹ, ghi nhận 571 mắc, trong đó 353 trường hợp dương tính, 3 tử vong; số mắc tăng so với năm 2016. Trong 353 dương tính với virus ho gà thì có 133 ca (37,7%) dưới 2 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 111 ca (31,4%) không tiêm chủng, 25 ca (7,1%) không rõ tiền sử tiêm chủng, 84 ca (23,8%) trường hợp có tiêm vắc xin. Năm 2017 cũng giảm được 30% các ca tử vong do bệnh dại so với năm 2016 (91 ca). Theo kết quả giám sát cúm, trên người ghi nhận chủ yếu là cúm A (H3N2) (37,2%), A(H1N1) (34,7%), B (28,1%), không ghi nhận cúm A(H7N9), A(H5N1). Tuy nhiên các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn rải rác xảy ra tại một số địa phương….

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đắc Phu nhận định, năm 2017 nước ta không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh lưu hành khác được khống chế, không có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan quốc tế. Các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập, như: Cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng, dịch hạch … và bùng phát nếu không có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân năm 2018

Theo ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, trong mùa Đông Xuân, mùa lễ hội có thời tiết ẩm lạnh, tập trung đông người, gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella…; tỷ lệ tiêm chủng chưa bao phủ được hơn 95% quy mô xã phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có di dân biến động lớn; nguy cơ bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2018. Chính vì vậy, cần phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, xử lý các ổ dịch tại cộng đồng hiệu quả, kịp thời. Ngoài việc tăng cường công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh, chúng ta cần nâng cao tỷ lệ tiêm chủng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Phát biểu tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân 2018, Hà Nội đặc biệt lưu ý đến bệnh sởi và ho gà. Ghi nhận từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 83 trường hợp mắc sởi, 1 trường hợp tử vong. Trong đó 71/83 trường hợp mắc chưa được tiêm vacccine phòng sởi. Về bệnh ho gà, đến nay, toàn Hà Nội cũng đã ghi nhận 125 ca mắc, 1 ca tử vong, 91,2% ca mắc chưa được tiêm đầy đủ 3 mũi vaccine phòng bệnh.

Chỉ ra nguyên nhân khiến Hà Nội dễ bùng phát các dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, Hà Nội là nơi đông dân cư, mật độ dân số lớn, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, di dân còn nhiều vấn đề nên rất dễ bùng phát các dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt. Để phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân 2018, Thành Phố đã xây dựng 10 biện pháp phòng dịch cụ thể, có công văn gửi các Sở, ngành, UBND các quận huyện, thị xã phân công rõ nhiệm vụ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu toàn ngành cần có kế hoạch cụ thể, sẵn sàng nhân lực, thuốc men, trang thiết bị y tế trong phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân, các dịch bệnh chưa xâm nhập vào Việt Nam, các bệnh chưa phát sinh thành dịch lớn. Bộ trưởng nhấn mạnh việc phát huy vai trò của y tế cơ sở, trạm y tế tuyến xã, phường trong phòng chống, giám sát dịch bệnh theo phương châm “rà từng ngõ, gõ từng nhà”./.