Doanh nghiệp còn “lạnh nhạt” với hỗ trợ pháp lý
“Có ông chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp không biết có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…”
“Hiện các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng còn ít mặn mà với hoạt động hỗ trợ pháp lý. Tôi chứng kiến tại một sự kiện có ông chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp, nhưng không biết có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều đó cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp về hỗ trợ pháp lý còn hạn chế…”, Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp nêu thực trạng, tại Hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”, do Bộ Tư pháp tổ chức hôm nay (ngày 22/11).
Theo Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, mức độ quan tâm của doanh nghiệp về hỗ trợ pháp lý còn hạn chế |
“Đúng là nếu không nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, thì chúng ta có muốn hỗ trợ pháp lý cho họ cũng khó. Nhà nước cũng như các bên liên quan nỗ lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhưng họ thờ ơ thì khó hiệu quả. Có thực tế là doanh nghiệp chỉ cử những cán bộ không quan trọng đến dự các sự kiện về hỗ trợ pháp lý. Cán bộ này đến dự lại không phát biểu ý kiến, không đề cập vấn đề doanh nghiệp đang vướng mắc là gì. Điều này cho thấy sự thờ ơ của doanh nghiệp…”, ông Cao Đăng Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành chủ trì Hội thảo chia sẻ.
Cũng theo ông Vinh, tình trạng doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến sử dụng pháp luật trong kinh doanh, kể cả ngay từ khi thành lập doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp không tốt, xảy ra hiện tượng doanh nghiệp “ma”...
Cung cấp điều doanh nghiệp thực sự cần
Để khắc phục tình trạng doanh nghiệp còn “lạnh nhạt” với dịch vụ hỗ trợ pháp lý, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp lẫn các bên cung cấp dịch vụ và hỗ trợ pháp lý.
Muốn hỗ trợ pháp lý hiệu quả cho doanh nghiệp, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cần khảo sát, phân loại doanh nghiệp theo vùng, địa phương để xác định rõ nhu cầu của họ, từ đó thực hiện tư vấn pháp lý, lựa chọn nhóm vấn đề mà doanh nghiệp ở địa phương đó thực sự cần. Cũng cần xác định trọng tâm, trọng điểm trong việc tư vấn pháp lý và dành nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp với những nội dung trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Nên chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
Đại diện Bộ Xây dựng đề nghị, Đề án cần bổ sung mục tiêu cụ thể là việc hỗ trợ pháp lý phải hỗ trợ đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho họ trong hoạt động. Cùng với đó, Đề án cần giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận với các hoạt động tư vấn và hỗ trợ pháp lý, để hỗ trợ họ phòng ngừa các rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, Đề án cần giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận với các hoạt động tư vấn và hỗ trợ pháp lý |
“Việc xã hội hóa kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng Đề án cần nêu giải pháp cụ thể thông qua các mô hình hiệu quả trên thực tế. Cũng cần làm rõ hoạt động hỗ trợ pháp lý sẽ cung cấp các gói sản phẩm hỗ trợ nào, giá dịch vụ là bao nhiêu, để doanh nghiệp lựa chọn. Họ sẵn sàng trả chi phí để được cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý hiệu quả…”, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đề xuất.
Trước đó, Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” để trình Thủ tướng Chính phủ. Triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án này, Bộ Tư pháp (Thường trực Tổ soạn thảo Đề án phối hợp với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và các cơ quan, tổ chức có liên quan) đã xây dựng dự thảo Đề án. Theo ông Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành, cố gắng hoàn thiện Đề án vào cuối tháng 11 này, để tháng 12/2022 trình Chính phủ xem xét ban hành, trên cơ sở đó áp dụng từ đầu năm 2023.../.
Bình luận