Ban hành Hướng dẫn tiêu chí tiếp cận pháp luật trong đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới

Bộ Tư pháp đã ban hành hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Theo đó, tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm 5 chỉ tiêu tương ứng với 100 điểm tập trung vào một số nhiệm vụ thuộc chức năng, trách nhiệm của chính quyền huyện trong các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; triển khai công tác tiếp cận thông tin; phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể như sau:

- Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành pháp luật trên địa bàn.

- Công khai, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin.

- Ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật và hướng dẫn của cơ quan cấp trên.

- Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

- Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính.

Về điều kiện công nhận cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định dựa trên kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các đơn vị cấp xã trên địa bàn và kết quả thực hiện nội dung tiêu chí thuộc trách nhiệm của cấp huyện. Đồng thời, tương thích với điều kiện công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh cũng như xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, cấp huyện được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đáp ứng đủ 04 điều kiện:

(i) Có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

(ii) Tổng số điểm của các chỉ tiêu đạt từ 90 điểm trở lên.

(iii) Tổng số điểm của từng chỉ tiêu đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên.

(iv) Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về cách thức đánh giá. Số liệu phục vụ chấm điểm tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới nâng cao tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đánh giá.

Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao được thực hiện thống nhất trong quy trình chung về đánh giá địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao (đối với huyện, xã) và quy trình về đánh giá đạt chuẩn đô thị văn minh (đối với quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh) theo quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg và Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg mà không thiết kế thành quy trình riêng nhằm giảm thiểu công việc, không tạo áp lực, phù hợp với điều kiện tinh gọn bộ máy tổ chức, biên chế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp nghiên cứu, giải quyết.