Doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó trong tiếp cận các chương trình hỗ trợ pháp lý
“Những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Riêng trong năm 2022, qua tổng kết, ngành Tư pháp đã rà soát gần 28.000 văn bản, để từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản. Điều đó thể hiện rất lớn quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc rà soát các văn bản pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…”, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu, tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển", do Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay (ngày 20/12), theo chinhphu.vn.
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật nằm trong nỗ lực tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp (ảnh: VGP) |
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn, từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn… |
Trước thực trạng trên, ông Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn bàn sâu về môi trường thể chế, hành lang/khuôn khổ pháp lý, việc tiếp cận các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; nhận diện các vướng mắc, những vấn đề pháp lý đang là điểm nghẽn, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đánh giá nguyên nhân khách quan và chủ quan…, từ đó đề xuất nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách, quy định hiện hành cho phù hợp với tình hình mới.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, để xác định đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp, không chỉ ở hiện tại mà cả trong trung và dài hạn, cần có cả tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý và đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng trực tiếp của quá trình này.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh gợi mở Bộ Tư pháp nghiên cứu việc đưa Diễn đàn thành sự kiện thường niên (ảnh: VGP) |
“Bộ Tư pháp nghiên cứu việc đưa Diễn đàn thành sự kiện thường niên, với uy tín, chất lượng ngày càng được nâng cao và có sự tham gia ngày càng rộng rãi, thực sự trở thành kênh trao đổi hữu hiệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vấn đề liên quan đến pháp lý, đảm bảo sự hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải thực chất, hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ với các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước dành cho doanh nghiệp…”, Phó Thủ tướng Thường trực gợi ý.
Chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”, do Bộ Tư pháp tổ chức gần đây, Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp nêu thực trạng: "Hiện các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng còn ít mặn mà với hoạt động hỗ trợ pháp lý. Tôi chứng kiến tại một sự kiện có ông chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp, nhưng không biết có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều đó cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp về hỗ trợ pháp lý còn hạn chế…”.
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật nằm trong nỗ lực tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp đã được Bộ Tư pháp thực hiện trong suốt hơn 12 năm qua. Đây là kênh quan trọng giúp các bộ, ngành, địa phương nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng, cũng như các khó khăn, vướng mắc về pháp lý của doanh nghiệp; đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ hơn tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc bảo đảm ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của mình, hiểu rõ hơn vai trò của mình trong quá trình đóng góp xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật…/.
Bình luận