Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 ước đạt trên 1.190 nghìn tỷ đồng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, sau dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng của người dân quay trở lại trạng thái bình thường, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 3/2024 ước đạt 509,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 16%; may mặc tăng 10,1%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,8%; du lịch lữ hành tăng 66,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 ước đạt 1.190,3 nghìn tỷ đồng |
Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 ước đạt 1.190,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 15%; may mặc tăng 8%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 17,7%; riêng nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 4,9%; nhóm hàng ô tô giảm 27,8%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 9,8%; Hải Phòng tăng 9,7%; Khánh Hòa và Long An cùng tăng 9,1%; Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ cùng tăng 7%; Đà Nẵng tăng 5,9%; TP. Hồ Chí Minh tăng 5,8%; Hà Nội tăng 4,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2024 ước đạt 174,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng mức và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng cao, như sau: Quảng Ninh tăng 23,2%; Đà Nẵng tăng 19,8%; Hải Phòng tăng 13,5%; Hà Nội tăng 12,7%; TP. Hồ Chí Minh tăng 12,2%; Cần Thơ tăng 9,1%.
Doanh thu du lịch lữ hành quý I/2024 ước đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý I/2024 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sau: Đà Nẵng tăng 69%; TP. Hồ Chí Minh tăng 59%; Cần Thơ tăng 57,7%; Hà Nội tăng 47,6%; Quảng Ninh tăng 18,5%; Lâm Đồng tăng 13,3%.
Về vận tải hành khách và hàng hóa, hoạt động vận tải trong tháng 3/2024 giảm về sản lượng vận tải hành khách so với tháng trước do nhu cầu đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng vận tải hàng hóa vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất tăng và tháng 3 có số ngày làm việc nhiều hơn tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, vận tải hành khách tăng 9,4% về vận chuyển và tăng 10,3% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 13,3% về vận chuyển và tăng 5,9% về luân chuyển.
Tính chung quý I/2024, vận chuyển hành khách tăng 8,5% và luân chuyển tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 13% và luân chuyển tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tại buổi họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024 của Bộ Công Thương vào ngày 29/3/2024, Bộ này đề xuất, nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước (như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…).
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá; phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng; phối hợp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại (tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021-2025; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm…)./.
Bình luận