Dự án PPP được lựa chọn sơ bộ cần đáp ứng các tiêu chí nào?
Đó là một trong những nội dung của dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến đóng góp trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Cụ thể: dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, gồm: Lựa chọn sơ bộ dự án; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (dự án PPP); lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và chuyển đổi hình thức đầu tư dự án đầu tư công sang dự án PPP; hợp đồng dự án…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư hướng dấn một số điều của Nghị định 63/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến vấn đề rất cần góp ý cụ thể về khái niệm “vốn lưu động ban đầu để khai thác, vận hành dự án” quy định tại Khoản 5, Điều 3 dự thảo Thông tư.
Theo đó, cơ quan này đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Là chi phí dự kiến tối thiểu trong năm đầu tiên để đưa dự án vào vận hành, kinh doanh, khai thác (bao gồm chi phí vận hành, chạy thử; chi phí cho bộ máy quản lý, chi phí kinh doanh; chi phí vốn...); Phương án 2: Là chi phí dự kiến tối thiểu để đưa dự án vào vận hành, kinh doanh, khai thác (bao gồm chi phí vận hành, chạy thử; chi phí cho bộ máy quản lý, chi phí kinh doanh; chi phí vốn...) cho đến khi dự án bắt đầu có doanh thu.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan tổng hợp khó khăn, vướng mắc khác cần được hướng dẫn thêm tại Dự thảo Thông tư và đề xuất cụ thể phương án sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nêu rõ, việc lựa chọn sơ bộ dự án nhằm xác định đúng các công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công được nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP.
Dự án được lựa chọn sơ bộ phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau: Phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với lĩnh vực đầu tư quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 63/2018/NĐ-CP; không trùng lặp với các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; có khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư; có yếu tố thuận lợi để thực hiện đầu tư (dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng; công trình phụ trợ, đấu nối đã được xây dựng; nguyên nhiên vật liệu, máy móc công nghệ sẵn có trên thị trường)...
Đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư được giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 29 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, trên cơ sở hướng dẫn tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
Đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư được giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi gửi đơn vị thẩm định 04 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; đồng thời trình Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh 01 bộ hồ sơ.
Đơn vị thẩm định tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị có liên quan đối với báo cáo nghiên cứu khả thi theo phương thức lấy ý kiến bằng văn bản, trường hợp cần thiết có thể tổ chức họp thẩm định. Đơn vị thẩm định phải lấy ý kiến thẩm định về thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo pháp luật xây dựng đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với dự án không có cấu phần xây dựng.
Căn cứ hồ sơ trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của đơn vị chuẩn bị dự án hoặc nhà đầu tư và hồ sơ thẩm định của đơn vị thẩm định, cấp có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1, Điều 31, Nghị định 63/2018/NĐ-CP phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án./.
Bình luận