Dự kiến bỏ hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức được tuyển dụng mới
Ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với CBCCVC đã nghỉ hưu
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật đã bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu tại khoản 16 điều 1 sửa đổi, bổ sung điều 84 của Luật Cán bộ công chức về áp dụng quy định của luật này đối với các đối tượng khác.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, quy định như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, đúng với tính chất của đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu là "đối tượng khác" so với cán bộ, công chức.
Do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở nghị định.
Theo đó, dự thảo luật sửa đổi quy định:
" Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.".
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết phải bổ sung trong dự thảo luật quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác để thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết Trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Tuy nhiên, để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị tách nội dung này (hiện đang được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Điều 84) thành điều riêng quy định theo hướng: cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, tương ứng với từng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm cần quy định hình thức kỷ luật phù hợp bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cụ thể mà cán bộ, công chức, viên chức đó được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu. Đồng thời, cần quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh nội dung trên, lần sửa đổi này Chính phủ đề nghị bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức" đối với công chức tại khoản 1 điều 79 của Luật Cán bộ, công chức và theo đó bỏ quy định liên quan đối với hình thức này. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật "giáng chức" đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua hình thức kỷ luật này cũng đã được áp dụng.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật "giáng chức" trong luật.
Thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới
Về vấn đề này, trong Tờ trình Chính phủ đề xuất 2 phương án.
Phương án 1 là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn và Dự thảo Luật Chính phủ trình đang thể hiện theo Phương án này.
Phương án 2 là viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 1, vì quy định này bảo đảm thể chế, bám sát yêu cầu của Nghị quyết Trung ương, tạo được sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm.
Đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày dự thảo Luật này có hiệu lực.
Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành phương án 2, vì cho rằng quy định này tạo tạo tâm lý yên tâm cho người lao động là viên chức (hợp đồng làm việc), bảo đảm thống nhất với Bộ luật Lao động, bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong quản lý viên chức, đồng thời có thay đổi một phần, tạo cơ chế sàng lọc bước đầu.
Về chế độ hợp đồng với viên chức tuyển dụng mới, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Một số ý kiến đề nghị sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc thêm để tránh tạo ra sự phân biệt giữa các đối tượng viên chức được tuyển dụng trước khi luật này có hiệu lực với người được tuyển dụng sau khi luật có hiệu lực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với việc cần phải có chính sách để phát hiện và thu hút đối với người có tài năng, thông qua tuyển dụng, đãi ngộ để phục vụ cho đất nước; đồng thời đề nghị làm rõ khái niệm người có tài trong luật, quy định nguyên tắc tạo cơ sở cho Chính phủ, các bộ ngành quy định chi tiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức, trừ đối tượng là lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về nội dung ngạch công chức, phân loại cán bộ, công chức, thi tuyển xét tuyển, phân cấp trong tuyển dụng gắn với trách nhiệm của đơn vị được phân cấp, sát hạch đầu vào; hình thức kỷ luật cán bộ công chức, viên chức; phân công công việc và bổ nhiệm trở lại đối với đối tượng sau thời gian kỷ luật./.
Theo Bộ Nội vụ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức sẽ được thông quatại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019); Còn dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019)./.
Bình luận