Dùng 1 luật sửa 8 luật để gỡ vướng cho thủ tục đầu tư, kinh doanh
Chỉ sửa những nội dung cấp bách
“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết tại Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thấu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, theo Văn phòng Quốc hội.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự án Luật chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, có sự đồng thuận cao. Ảnh: Quốc hội |
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thấu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (đưa 2 luật ra khỏi phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật này là Luật Hải quan, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). |
Theo ông Long, chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tăng cường phân quyền, đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực các Ủy ban cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý…
“Đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về: căn cứ của việc ban hành một Luật để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều luật; tính cấp thiết, cấp bách, có tác động ngay của từng nội dung sửa đổi, bổ sung, có thể thực hiện được ngay, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường của Quốc hội...”, ông Thanh cho biết.
Cần lưu ý 5 nội dung
“Đề nghị phần đánh giá tác động phải được thực hiện kỹ lưỡng, tăng tính thuyết phục đối với các nội dung đề xuất…”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề xuất.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những vấn đề chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao thì không đưa vào dự án Luật này. Ảnh: Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, đây là nội dung đặc biệt quan trọng liên quan đến tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nên cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo các nội dung đề xuất sửa đổi là cần thiết, cấp bách, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi khi ban hành. Cần lưu ý 5 nội dung.
Thứ nhất, dự án luật được xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn, nên chỉ xem xét những vấn đề cấp bách, cấp thiết và đã có đánh giá tương đối đầy đủ tác động.
Thứ hai, cần rà soát thật kỹ từng chính sách, từng luật cần sửa đổi, bổ sung; những vấn đề chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao thì không đưa vào dự án luật này.
Thứ ba, công tác chuẩn bị phải khẩn trương, khoa học và chặt chẽ; phải kỹ lưỡng, lưu ý từng câu, chữ, từ ngữ quy định trong dự thảo luật, đảm bảo tính rõ ràng, thống nhất.
Thứ tư, điều khoản chuyển tiếp phải rất chặt chẽ. Trong trường hợp có những vấn đề Chính phủ dự kiến phải có nội dung hướng dẫn chi tiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu 1 nghị định quy định chi tiết chung cho nhiều luật, không nên tách ra thành 8 nghị định hướng dẫn để đảm bảo khi luật sửa đổi, bổ sung được ban hành có thể thực thi được ngay.
Thứ năm, hồ sơ, trình tự tuy là rút gọn nhưng vẫn phải đúng quy trình, thủ tục được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết thúc nội dung thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định về dự án Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội theo thủ tục rút gọn.../.
Bình luận