TỔNG QUAN VỀ EVFTA

EVFTA có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và 28 nước châu Âu, hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh, đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ EU thâm nhập vào thị trường nước nhà. Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý – thể chế.

EVFTA: Cơ hội, thách thức và những giải pháp cho Việt Nam trong thời gian tới
EVFTA mang đến các cơ hội song hành cùng những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

Về mức độ mở cửa thị trường, EVFTA có mức độ mở cửa thị trường cao hơn trong WTO đối với một số ngành, như: dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phân phối, vận tải.Về thương mại hàng hóa, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (thời gian 7 năm). Đối với Việt Nam, lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu các mặt hàng từ EU kéo dài hơn 10 năm với khoảng 99% số dòng thuế của nước đối tác (Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương 2021).

Về đối xử ưu đãi cho Việt Nam: EU ghi nhận sự khác biệt về trình độ phát triển giữa EU và Việt Nam. EU nhất trí không áp dụng nguyên tắc ”nghĩa vụ tương đương”, trong đó bao gồm cả linh hoạt về thời gian thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ. Về công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ: Hai bên sẽ nỗ lực thảo luận về vấn đề này nhằm đảm bảo Việt Nam sẽ đáp ứng tất cả các tiêu chế về kinh tế thị trường.

Ngoài ra, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) cũng được ký kết và có hiệu lực, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của Bên kia, cũng như đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài.

Về phạm vi cam kết, EVFTA không chỉ đề cập đến thương mại trực tiếp, mà còn đề cập đến các vấn đề về môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực. Lộ trình của Hiệp định cũng được thực hiện trong thời gian ngắn hơn so với các FTA truyền thống, đi kèm với đó hệ cơ chế giám sát mang tính chặt chẽ hơn trong quá trình thực thi.

NHỮNG CƠ HỘI CỦA VIỆT NAM KHI THỰC THI EVFTA

(1) Cơ hội giúp Việt Nam phục hồi và phát triển nền kinh tế trong đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động nặng nề tới nền kinh tế của các quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài số đó, rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học phải tạm dừng hoạt động để ưu tiên công tác chống dịch, đồng nghĩa với đó là sự ảnh hưởng tới nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, việc EVFTA được đưa vào thực thi có ý nghĩa rất to lớn trong việc bù đắp sự suy giảm, và phục hồi nền kinh tế Việt Nam. Từ phía doanh nghiệp, đây chính là cơ hội quý báu giúp doanh nghiệp lấy lại tăng trưởng sau dịch bệnh nhằm vươn tới thị trường đa dạng hơn.

Trước khi ký kết Hiệp định, các doanh nghiệp trong nước thường gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ quốc tế khác, đặc biệt là Trung Quốc. Giá thành sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10%-20% so với nước bạn. Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng có lợi thế, như: dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ… là đáng kể. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này mang đến những cơ hội cho Việt Nam khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Tròn 1 năm đi vào thực thi EVFTA, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng xuất khẩu tăng 18,3%. Bất chấp nhiều trở ngại do dịch Covid-19 gây ra, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt tỷ lệ tận dụng mẫu C/O EUR1 là 29,09% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn về đầu tư, tính đến tháng 6/2021, Việt Nam đã tiếp nhận nguồn vốn có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học - công nghệ tiên tiến từ 2.221 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,2 tỷ USD [2].

(2) Cơ hội giúp Việt Nam phát triển an sinh xã hội, tăng cơ hội cạnh tranh cho người lao động

EVFTA cũng mở ra những cơ hội cạnh tranh cho người lao động Việt Nam khi xuất khẩu tăng, các hoạt động sản xuất được mở rộng, dẫn đến những cơ hội việc làm được tạo ra tăng theo. EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.

Thị trường lao động xuất khẩu cũng sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới, tập trung vào các lĩnh vực lao động có tay nghề cao, tập trung ở các thị trường thu hút người Việt Nam, như: Đức, Malta, Italy. Đồng thời, yếu tố cạnh tranh của người lao động cũng gia tăng khi lượng lao động từ nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng theo, chủ yếu từ các khu vực châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan), tiếp theo là châu Âu (Anh, Pháp…) và các nước khác.

EVFTA không chỉ mang đến cơ hội cho người lao động mà còn có khả năng tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa về tiền lương của các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, EVFTA bao gồm các cam kết về bảo vệ môi trường, nên tiến trình tự do thương mại, thu hút đầu tư sẽ gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

(3) Cơ hội thu hút các nhà đầu tư EU vào thị trường Việt Nam

EVFTA được thực thi giúp Việt Nam mở rộng cửa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài từ EU, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận thuận lợi cho thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực, như: dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến.

Bằng việc tham gia EVFTA, Việt Nam sẽ góp phần gia tăng phúc lợi kinh tế, chuyển hướng nhập khẩu hàng hóa từ thị trường châu Á và các nước trong khu vực sang thị trường châu Âu. Người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực, như: dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng… Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU, nhất là nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước sẽ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.

(4) Cơ hội giúp Việt Nam xây dựng và hoàn thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch

EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam xây dựng, cải cách các thể chế pháp luật để xây dựng môi trường chính sách, pháp luật và kinh doanh theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi hơn với thông lệ quốc tế và đây là tiền đề quan trọng đưa Việt Nam tăng tốc độ phát triển lên một tầm cao mới

(5) Cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, khẳng định vị thế trên trường quốc tế

Hiệp định EVFTA có những tác động đáng kể trong quan hệ quốc tế của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là 28 quốc gia châu Âu, giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận tới các thị trường ưu đãi của EU. Cũng thông qua EVFTA, Việt Nam có cơ hội được khẳng định vị thế trên trường quốc tế, là quốc gia phát triển đầu tiên tại châu Á ký kết một Hiệp định đầy tham vọng với châu Âu, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chứng tỏ năng lực và khả năng cạnh tranh ở trên thị trường quốc tế.

THÁCH THỨC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Sau 1 năm thực hiện EVFTA, các thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam càng được khẳng định, đó là:

Những thách thức chính

- Doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước do hàng hóa chất lượng cao từ Âu được mở rộng vào thị trường Việt Nam. Hàng hóa của EU sẽ giảm giá mạnh do không phải chịu thuế nhập khẩu, dẫn đến những cạnh tranh về giá sản phẩm ngay trên thị trường nước nhà. Về chất lượng sản phẩm, sản phẩm của EU tuân thủ những nguyên tắc xuất khẩu khắt khe và hơn nữa, nên chất lượng sẽ đảm bảo tới tay người tiêu dùng nội địa. Với những ấn tượng tốt về thị trường đã phát triển, người Việt Nam sẽ dễ dàng bị thu hút về sản phẩm từ EU hơn sản phẩm của nội địa.

- Về nền tảng, các doanh nghiệp từ EU có thể dễ dàng thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động ở Việt Nam và tham gia vào các lĩnh vực hiện nay Việt Nam chưa có thế mạnh, hoặc đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.

- Về tiến bộ khoa học, kỹ thuật: EVFTA là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, không đủ sức để thay đổi công nghệ trong một sớm một chiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI từ châu Âu có công nghệ sản xuất tiên tiến từ lâu đời, nguồn vốn lớn, tập trung đầu tư cho công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất và quy trình.

- Về quy tắc xuất xứ, nguyên liệu: Doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc đảm bảo quy tắc xuất xứ của EVFTA. EU có thu nhập đầu người cao, mức sống cao, nên thị trường này hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn của các quốc gia EU, thì mới tận dụng được các thời cơ của EVFTA. Các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi về thuế quan, thì nguyên liệu phải đáp ứng một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

- Doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận biết sâu rộng về EVFTA. Doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tìm hiểu kỹ càng và chuẩn bị để chuyển đổi phù hợp nhằm tận dụng các cơ hội từ EVFTA. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp những khó khăn trong việc thay đổi, cải thiện điều kiện lao động, đầu tư vào công nghệ mới, khó đáp ứng các yêu cầu về nội địa hóa.

- Nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, điều này cũng khiến cho Việt Nam sẽ có thể lúng túng về mặt pháp lý.

- Nguy cơ về nhận diện thương hiệu: Các mặt hàng của Việt Nam có sức quảng bá kém, độ nhận diện thương hiệu không cao, hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến thương mại chưa cao nên đây cũng là một thách thức không hề nhỏ.

Tuy nhiên, cần nhận định rằng cơ cấu kinh tế của EU và của Việt Nam mang tính bổ sung cho nhau, không đối đầu trực tiếp và cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam có lộ trình, do đó, sức ép cạnh tranh này là cạnh tranh lành mạnh, hợp lý, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Cạnh tranh sẽ mang tính hai mặt. Một mặt, cạnh tranh sẽ là tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, có công nghệ sản xuất kinh doanh lạc hậu, dựa vào sự bao cấp của Nhà nước. Mặt khác, cạnh tranh chính là yếu tố thúc đẩy để doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Một số thách thức khác

- Về sở hữu trí tuệ: Đây là yêu cầu đặt lên hàng đầu từ phía EU. Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới những quy tắc về sở hữu trí tuệ trong EVFTA để có thể khai thác được lợi ích từ hiệp định này.

- Về sử dụng lao động: Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại vướng mắc khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động. Những vướng mắc phổ biến: người lao động làm thêm quá số giờ quy định, quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ, môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động, quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ...

- Về bảo vệ môi trường: Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong vấn đề thực hiện các nghĩa vụ về môi trường trong khuôn khổ các ràng buộc và điều chỉnh thương mại. Thực trạng này đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam.

Bên cạnh những quy định về xuất xứ, lao động và môi trường, thâm nhập vào thị trường EU vẫn còn khó khăn từ các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường EU.

NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Khi bước vào một sân chơi lớn với sự cạnh tranh khốc liệt bởi các đối thủ quốc tế, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện những giải pháp cần thiết để tận dụng cơ hội hiện có và biến thách thức thành cơ hội, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.

Về góc độ quốc gia:

Chính phủ cần xây dựng lộ trình chiến lược tổng thể để đưa ra những định hướng, kế hoạch, lộ trình cho các bộ, ngành, và địa phương nhằm triển khai đầy đủ, kịp thời các cam kết của EVFTA, giúp hiện thực hóa lợi ích của Hiệp định này cho người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các thông tin về EVFTA và thị trường các nước EU với các kênh thông tin đa dạng, hướng tới nhiều đối tượng người dân và doanh nghiệp, như: trang thông tin điện tử, báo đài, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, triển khai các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết và các công việc để thực thi hiệu quả EVFTA.

Chính phủ cần rà soát pháp luật trong thực thi Hiệp định, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đúng với lộ trình đã quy định của EVFTA, đồng thời xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý, hình thức xử phạt để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch hơn, thuận lợi hơn với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, công tác xây dựng những cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển cũng cần được Nhà nước quan tâm chú trọng. Việc tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ các ngành hàng, các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ những ngành hàng chịu sức ép cạnh tranh lớn khi thực thi Hiệp định là điều rất cần thiết. Ngoài ra, Chính phủ cần có những đánh giá và xác định những ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn để đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp về các phương diện.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng những chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.

Về góc độ doanh nghiệp:

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu về hướng dẫn của Hiệp định, nghiên cứu kỹ càng, đánh giá các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU. Các yêu cầu từ thị trường này rất khắt khe và khó đáp ứng, vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu thị trường, đánh giá các yếu tố của thị trường kinh doanh của EU, xây dựng mục tiêu và chiến lược kinh doanh toàn diện.

Từ mục tiêu và chiến lược tổng thể, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn. Doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp để đối phó với tình hình dịch bệnh, đồng thời phát triển các hình thức thương mại trên nền tảng trực tuyến để đảm bảo việc phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh.

Doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trên trường quốc tế về các yếu tố: nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ và minh bạch thông tin.

Việc nâng cao chất lượng sản phẩm là tiêu chuẩn cốt lõi để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU. Để tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định, các doanh nghiệp cần phải chịu những chi phí nhất định, như: nhằm đảm bảo quy tắc xuất xứ, yêu cầu về hàm lượng nội địa, doanh nghiệp cần thay đổi về nguồn nguyên liệu, thay vì mua hàng hóa nước ngoài, có thể thu mua tại thị trường nội địa để đảm bảo những lợi thế khi cam kết trong Hiệp định.

Doanh nghiệp cần cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động vận hành theo cơ chế thị trường, cần linh hoạt để thay đổi, cải thiện các điều kiện lao động, đầu tư và công nghệ mới. Việc tập trung thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng chuyển đổi số ngày nay đang trở thành mục tiêu cấp bách để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch như hiện nay./.

Tài liệu tham khảo

1. Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương (2021). Báo cáo tại Hội thảo "Hành trình một năm Hiệp định EVFTA", Hà Nội, ngày 30/7/2021

2. Nguyễn Tuấn Việt và Ngô Văn Vũ (2019). Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Tác động đến doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 9

3. Ngọc Hân (2021). Một năm thu quả ngọt từ Hiệp định EVFTA, truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/mot-nam-hai-qua-ngot-tu-hiep-dinh-evfta.html

4. Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương (2020). Những điều cần biết về Hiệp định EVFTA, truy cập từ https://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nhung-%C4%91ieu-can-biet-ve-hiep-%C4%91inh-evfta-19434-22.html

Nguyễn Thanh Nga, Lê Thị Bích Ngọc

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22, tháng 8/2021)