Gắn kết nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với phát triển kinh tế, xã hội
Ông Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định tham quan mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại tỉnh Nam Định |
Hội nhập kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động của đại dịch Covid 19 đến các mặt kinh tế - xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nhìn nhận lại cách tiếp cận và định hướng phát triển cho phù hợp, phát huy được thế mạnh và tiềm năng của mình. Trong bối cảnh đó, khoa học và công nghệ (KH&CN) với vai trò vừa là công cụ, động lực, vừa là cơ sở, nền tảng để phát triển nền kinh tế tri thức, nhưng đồng thời cũng là đối tượng chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn này là phải gắn kết các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã khẳng định mục tiêu “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế...”. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng đã đề ra, khoa học và công nghệ thực hiện đổi mới, đột phá ở những điểm sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ
Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ và tổ chức sản xuất liên kết tại tỉnh Nam Định. |
Xã hội hóa hoạt động KH&CN là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN của Tỉnh; là một quá trình vừa cấp bách vừa lâu dài bao hàm nhiều nội dung, trong đó tập trung vào quá trình mở rộng các thành phần xã hội tham gia hoạt động KH&CN. Trọng tâm trong thời gian tới cần giải quyết một số nội dung trọng tâm cơ bản là:
Tăng cường thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi cho các hoạt động thu hút vốn về tỉnh. Tăng cường sự gắn kết khoa học với thực tiễn; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội cho KH&CN.
Từng bước hình thành thị trường dịch vụ KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đẩy mạnh thương mại hoá, xã hội hóa việc ứng dụng các kết quả KH&CN vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ, đồng thời góp phần hình thành và phát triển thị trường mua bán công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ hình thành các tổ chức đánh giá, thẩm định, định giá công nghệ, tư vấn lựa chọn công nghệ, môi giới công nghệ và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động của sàn giao dịch công nghệ, thiết bị. Huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Tỉnh, trong đó tập trung vào hỗ trợ thành lập và phát triển các tổ chức trung gian kiểu mới như tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, câu lạc bộ khởi nghiệp, các sự kiện kết nối khởi nghiệp với nhà đầu tư, đối tác, nhân lực và các kênh truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là cơ sở để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế
Sản phẩm rau được xây dựng theo quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và tổ chức sản xuất liên kết tại tỉnh Nam Định. |
Cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Đây là quá trình phát triển tất yếu trên toàn cầu và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài lộ trình ấy.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Tại Nam Định, ngày 10/6/2020, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch số 50/KH-UBND để thực hiện Chương trình hành động, theo đó xác định nhiệm vụ cho ngành KH&CN cần phải tham mưu “Cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp của Tỉnh thực hiện đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Trung tâm đổi mới sáng tạo phải từ doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng chủ lực của địa phương trong việc chuyển đổi số. Cần phải hiểu chuyển đổi số là hoạt động đổi mới sáng tạo của một tổ chức, doanh nghiệp hay nói ngắn gọn chuyển đổi số chính là hoạt động đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ số.
Thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Tỉnh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, gắn kết các nhiệm vụ KH&CN với các nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh Nam Định
Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới trong các lĩnh vực:
Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững, trong đó KH&CN tập trung hỗ trợ ở các khâu then chốt như nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sinh học trong chọn tạo giống có năng suất chất lượng và sạch bệnh, giống thích ứng biến đổi khí hậu; Ứng dụng công nghệ gen, kỹ thuật DNA trong công tác bảo tồn, phục tráng chính xác các loại cây trồng bản địa, đặc sản mang đầy đủ các đặc tính của giống gốc hạn chế thấp nhất sự thoái hoá giống... Ứng dụng phân bón vi sinh đa chủng đa chức năng trong canh tác lúa, hoa màu như phân bón vi sinh cố định đạm, hòa tan lân, tổng hợp IAA… nhằm giảm lượng phân bón vô cơ, giảm ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu sản xuất, ứng dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch giúp nông - thủy - hải sản đảm bảo chất lượng và gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trước mắt tập trung hỗ trợ cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, tôm, ngao, lạc, khoai tây...
Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề... nâng cao năng suất chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa nhằm đảm bảo sự minh bạch thông tin của sản phẩm, phục vụ cho người tiêu dùng yên tâm có cơ sở thông tin để lựa chọn hàng hóa chính hãng và phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, trong quá trình quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.
Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó tập trung cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm góp phần quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong hoạt động bảo vệ, cải thiện môi trường đặc biệt sử dụng chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ, góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn, nâng cao năng suất cây trồng; sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi để xử lý mùi; sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý ao đầm nuôi thủy hải sản; tiếp nhận chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải và chất thải y tế đảm bảo môi trường và xử lý mầm bệnh.
Tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của Tỉnh; phát triển công nghệ mới trong ngành hậu cần nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy hải sản có giá trị kinh tế cao cao.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là của tất cả các ngành, các cấp. Do đó, rất cần sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học…
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững./.
Bình luận