Giá xăng dầu có thể điều chỉnh theo ngày?
Liên bộ Công Thương – Tài chính đều ủng hộ phương án điều chỉnh hàng ngày
Trong thời gian gần đây, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tiếp giảm mạnh, nhưng giá xăng dầu trong nước giảm nhỏ giọt khiến người dân bức xúc. Lý giải về sự bất hợp lý này, các chuyên gia nhìn nhận bất cập lớn nhất của cơ chế điều hành giá xăng dầu là cứ phải đợi chu kỳ 15 ngày. Mặt khác, trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay, các khoản thuế phí đang chiếm tới 50% giá bán lẻ xăng dầu. Bên cạnh đó, chi phí định mức và lợi nhuận định mức cũng được tính vào giá xăng dầu.
Tại buổi gặp gỡ báo chí đầu năm 2016, diễn ra ngày 12/01/2016 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ đến lúc giá xăng dầu được điều chỉnh hàng ngày thay vì đợi 15 ngày điều chỉnh một lần như hiện tại.
Theo Thứ trưởng, trước đây giá xăng dầu được điều chỉnh theo các khung giờ khác nhau và bị dư luận than phiền là cơ quan điều hành chọn “giờ hiểm” như nửa đêm, giờ tan ca. Tuy nhiên, suốt một năm qua, Bộ Công Thương đã chọn thời điểm 15 giờ của ngày thứ 15 trong chu kỳ tính toán giá cơ sở để công bố mức giá điều hành.
“Bộ Công Thương công bố các số liệu giá nhập khẩu hằng ngày trên website, báo chí nên người dân có thể truy cập và dựa vào công thức có sẵn để tính toán, giám sát. Sắp tới, Bộ sẽ tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu hằng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay”, ông Hải nói.
Cũng theo thông tin mà Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra, rất có thể trong thời gian tới sẽ tính đến việc phải bỏ sử dụng quỹ bình ổn trong trường hợp giá tăng quá mạnh.
Mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh sát với diễn biến giá thị trường hơn, đồng thời cách điều hành 15 ngày cũng phản ánh tính linh hoạt theo giá dầu thô thế giới. Thế nhưng, nhiều băn khoăn vẫn đặt ra rằng, tại sao giá dầu thế giới giảm 40% trong năm 2015, trong khi giá xăng trong nước bán lẻ chỉ giảm 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%?
Một vấn đề cũng được đặt ra là trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay, các khoản thuế phí đang chiếm tới 50%. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho giá xăng dầu vẫn ở mức cao cho dù giá thế giới đã giảm sâu.
Theo bảng giá cơ sở được công bố bởi Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trong ngày 04/01/2016 vừa qua, khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 373 đồng/lít 16.403 đồng/lít về mức 16.030 đồng/lít thì giá CIF tính giá cơ sở là 7.520 đồng/lít; giá CIF tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là 7.514 đồng/lít.
Cũng theo bảng giá này, thuế nhập khẩu (20%) là 1.505 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) là 902 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng là 1.457 đồng/lít, tổng cộng các khoản thuế là 6.864 đồng, tương đương 42,8% giá bán lẻ xăng dầu.
Ngoài ra, 2 khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức cũng được tính vào giá xăng dầu là 1.350 đồng/lít. Các khoản thuế, phí kể trên lên đến 8.214 đồng/lít, tương đương 51,2% giá bán lẻ xăng dầu.
Bên cạnh đó, trao đổi với phóng viên báo chí vào dịp gặp gỡ cuối năm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, luôn ủng hộ phương án điều hành giá xăng dầu hàng ngày để đảm bảo tính thị trường.
Việc điều hành tốt hơn, chủ động hơn với phản ứng nhanh nhạy hơn và đỡ gây sốc cho nền kinh tế là chủ trương điều hành mà Bộ Tài chính đưa ra. Do đó, đối với điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cũng phải điều chỉnh lên xuống theo thị trường, đảm bảo tính minh bạch.
Chủ động, linh hoạt để người dân được hưởng lợi
Trên thực tế, nếu xét về góc độ pháp lý quy định tại Nghị định 83 thì việc điều chỉnh hàng ngày là hoàn toàn hợp lý. Cụ thể, Điểm c, Khoản 1, Điều 38, Nghị định 83 quy định "thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá".
Khoản 2 của Điều 38 này cũng nêu rõ, các thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng với biến động đầu vào và "không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá"
Như vậy, khung pháp lý cho việc "giảm giá theo ngày" là hoàn toàn đã đầy đủ. Giảm giá là có lợi cho người dân, cho cả nền kinh tế. Các doanh nghiệp có quyền chủ động hạ nhiệt giá xăng dầu bất kỳ thời gian nào. 15 ngày ở đây là được hiểu là thời hạn cuối cùng bắt buộc phải giảm giá. Sang ngày thứ 16 mới giảm giá, doanh nghiệp sẽ bị xử lý vi phạm.
Nghị định 83 hiện nay chỉ khống chế việc tăng giá liên tiếp tần suất dày và cách tối thiểu 15 ngày mới được tăng giá.
Tuy nhiên, thời gian qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính dường như đã đánh đồng con số 15 ngày là cùng một ý nghĩa đối với cả tình huống tăng và giảm giá.
Không chỉ vậy, ngoài việc phải kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ đương nhiên, Liên Bộ lại "ôm" luôn quyền điều hành giảm giá hàng ngày của các doanh nghiệp.
Theo cách thức hiện nay, sau khi Bộ Công Thương gửi công văn công bố giá cơ sở tới các doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới ra quyết định điều chỉnh giá và báo cáo Bộ. Tuy nhiên, Bộ thường công bố giá cơ sở này 15 ngày/lần nên đó cũng là lý do khiến doanh nghiệp đầu mối không chủ động gửi văn bản giảm giá sớm hơn 15 ngày.
Trên thực tế, Nghị định 83, Điều 39 mặc dù nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương phải công bố thông tin này nhưng không hề quy định, 15 ngày mới được công bố một lần.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Dự báo, PGS, TS. Ngô Trí Long cho rằng, nếu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thống nhất được cơ chế điều hành giá xăng dầu hàng ngày thì đây là bước đột phá đối với thị trường xăng dầu Việt Nam. Nó sẽ tạo ra luồng gió mới giúp người tiêu dùng tiếp cận được với giá đúng nghĩa.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, hiện nay, thị trường xăng dầu Việt Nam chưa cạnh tranh thực sự và buộc Nhà nước phải định giá cơ sở hay còn gọi là giá trần. Cụ thể, giá xăng dầu được điều chỉnh theo tần suất 15 ngày, tuy có bước tiến hơn so với trước kia, nhưng nếu so với giá thế giới vẫn còn một khoảng cách khá xa. Giá thế giới được cập nhật từng giờ hằng ngày, nếu giá trong nước áp dụng 15 ngày mới điều chỉnh sẽ không ăn nhịp với thế giới.
Chia sẻ về vấn đề này, dẫn lời TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế trên Báo Pháp luật điện tử đánh giá, với một quốc gia đang nhập khẩu tới 70% nguồn xăng dầu thành phẩm từ nước ngoài, Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa hoàn toàn mặt hàng này để đảm bảo tính thị trường của hàng hóa.
Tuy nhiên, điều mà ông Doanh băn khoăn là nếu điều hành theo cơ chế mới, giá bán lẻ được tính theo giá thế giới hay giá cơ sở trong nước với hàng loạt thuế, phí đi kèm? Cơ quan quản lý cần làm rõ chỗ này. Bên cạnh đó, điều hành giá thị trường hàng ngày cần dựa vào nguồn xăng dầu nhập để xem xét giá trần.
“Nguồn cung xăng dầu có đáp ứng được nhu cầu trong nước hay không? Nếu điều hành theo hàng ngày là bước tiến bộ, tránh được khoảng cách và độ trễ giá, vấn đề mà lâu nay người tiêu dùng đang gánh chịu” - vị này nêu quan điểm./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/285092/ai-cam-gia-xang-dau-giam-theo-ngay.html
http://phapluattp.vn/kinh-te/quan-ly-thi-truong/gia-xang-thay-doi-hang-ngay-dan-huong-loi-606867.html
Bình luận