Giải pháp triển khai hiệu quả Nghị định số 35/2022/NĐ-CP
Toàn cảnh Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVIII |
Ngày 27/8/2022 tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc phối hợp với Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội tổ chức Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVIII với chủ đề “Trao đổi kinh nghiệm trong quá trình hoạt động và triển khai thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ”. Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Thành Quân tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện các Vụ đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vụ Quản lý các khu kinh tế, Vụ Thi đua, Khen thưởng và Truyền thông, Vụ Pháp chế; đại diện Bộ Nội vụ; Bộ Giao thông vận tải; 30 Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) và Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Nam (thuộc các địa phương: Cà Mau, Đồng Nai, Đà Nẵng, Ninh Thuận).
Tập trung thảo luận và đánh giá khách quan Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ
Ông Lê Quang Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN và Chế xuất thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quang Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN và Chế xuất thành phố Hà Nội bày tỏ tình cảm và sự vui mừng, phấn khởi được đón tiếp các đại biểu và các hội viên Câu lạc bộ đã đến chung vui và cổ vũ, động viên Hội nghị.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Quang Long chia sẻ với các Ban Quản lý KCN, KKT những khó khăn, thách thức mà các địa phương phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền các địa phương và cộng đồng các doanh nghiệp trong các KCN, KKT, do đó tình hình dịch bệnh tại các KCN, KKT phía Bắc được kiểm soát tốt; thích ứng linh hoạt đảm bảo chuỗi sản xuất không bị dứt gãy. Đến nay, tình hình hoạt động của các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc được duy trì ổn định, 6 tháng đầu năm 2022 một số KKN, KKT ở một số địa phương có giá trị sản xuất kinh doanh đạt tăng trưởng cao, vượt bậc so với kỳ vọng.
Theo Chủ nhiệm Lê Quang Long, thực hiện quy chế hoạt động của Câu lạc bộ Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc, Hội nghị lần này tập trung thảo luận một số nội dung xoay quanh Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT; kinh nghiệm trong quản lý KCN, KKT, cụ thể:
Thứ nhất, đánh giá tình hình hoạt động của Câu lạc bộ thời gian qua và trao đổi những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động, triển khai thực hiện cơ chế chính sách hiện nay; đặc biệt là việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 26/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý KCN, KKT.
Thứ hai, về tình hình phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố sau khi Nghị định 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực; một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đề nghị phân cấp, ủy quyền tại các địa phương; đề xuất, kiến nghị Bộ, ngành, Trung ương.
Thứ ba, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tại KCN, KKT tại địa phương; kế hoạch chuyển đổi mô hình các KCN sau khi hết thời gian thuê đất thực hiện dự án (nếu có).
“Thay mặt Ban Chủ nhiệm, tôi đề nghị các Ban Quản lý cùng nhau thảo luận; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc; mạnh dạn đề xuất, kiến nghị đến các Bộ ngành, Trung ương (các Cục, Vụ trong các Bộ chuyên ngành) và đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới”, Chủ nhiệm Lê Quang Long nhấn mạnh.
Cần chủ động, tích cực khẳng định vai trò quản lý nhà nước về KCN, KKT
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại Hội nghị |
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá cao những thành tựu mà các KCN, KKT đã đạt được trong hơn 30 năm qua. Theo đó, đến nay hệ thống các KCN, KKT trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 KCN, 18 KKT ven biển và 26 KKT cửa khẩu được thành lập, đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.
Vụ trưởng Lê Thành Quân tiếp tục cho biết, tại Việt Nam, bối cảnh phát triển các KCN, KKT cũng đã có những thay đổi với thuận lợi và khó khăn đan xen. Với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý nhà nước đối với KCN, KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KCN, KKT. Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 quy định về quản lý KCN, KKT.
Đến nay, các KCN, KKT cả nước đã thu hút được hơn 10 nghìn dự án DDI và gần 11 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD). Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp trong KCN, KKT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. |
Vụ trưởng Lê Thành Quân đánh giá cao vai trò quan trọng của các Ban Quản lý KCN, KKT trên cả nước thông qua sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các KCN, KKT đối với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Thẳng thắn nhìn nhận thực tế phát triển các KCN, KKT trong thời gian qua, Vụ trưởng cho rằng sự tham gia của các Ban Quản lý KCN, KKT trong công tác tham mưu, đề xuất ban hành các cơ chế chính sách đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động của các KCN, KKT còn chưa rõ ràng. Vụ trưởng Lê Thành Quân đề nghị các thành viên Câu lạc bộ Ban Quản lý KCN, KKT trong thời gian tới cần chủ động, tích cực, thể hiện vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động của các KCN, KKT tại địa phương. Trước mắt, cần thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
Một là, bám sát, triển khai các nội dung của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, chủ động nghiên cứu, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN triển khai một số mô hình KCN mới như KCN sinh thái, KCN hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các KCN và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Hai là, khẩn trương xây dựng phương án phát triển KCN, KKT để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trong đó ưu tiên quy hoạch các KCN, KKT thuộc hành lang phát triển, khu vực động lực phát triển hoặc khu vực có vai trò tương tự được xác định trong quy hoạch vùng.
Ba là, kiểm tra và có giải pháp hạn chế việc tăng giá, phí sử dụng hạ tầng, tiện ích công cộng đối với các doanh nghiệp trong KCN, KKT để giảm bớt áp lực về chi phí sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong KCN, KKT.
Bốn là, chỉ đạo thực hiện trách nhiệm giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, dự án đầu tư trong KCN, KKT theo đúng quy định của Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Các KCN, KKT phía Bắc tiếp tục giữ vững phong độ phát triển
Ông Hoàng Trung Kiên Phó chủ nhiệm thường trực các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc, Trưởng ban Ban Quản lý KKT Quảng Ninh (ngoài cùng tính từ trái sang phải) cùng lãnh đạo Vụ Quản lý các KKT và Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các Hội viên Câu lạc bộ |
Tại Hội nghị, ông Hoàng Trung Kiên, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ đã báo cáo một số kết quả chủ yếu mà các Hội viên Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc đạt được trong công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 . Thời gian qua các hội viên Câu lạc bộ đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN, KKT cũng như công tác quản lý dự án đầu tư sau khi cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Phó chủ nhiệm Hoàng Trung Kiên khẳng định, các dự án trong KCN, KKT duy trì hoạt động ổn định, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, tạo ra nhiều ngành nghề mới, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập trung bình khá, từng bước nâng cao trình độ quản lý, tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Một số kết quả chủ yếu của các KCN, KKT tại 30 tỉnh, thành phố phía Bắc đã đạt được cụ thể như sau:
Về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT: Hiện nay, số KCN theo quy hoạch được duyệt là 257 KCN với diện tích được quy hoạch là 1.089.680 ha. Trong đó: Số KCN đã đi vào hoạt động là 132 KCN (chiếm 52,2% số KCN đã đi vào hoạt động của cả nước), với diện tích theo quy hoạch là 65.680 ha (chiếm 40,8% tổng diện tích các KCN đã đi vào hoạt động của cả nước); Số KCN đang xây dựng hạ tầng là 61 KCN, với diện tích đất quy hoạch là 11.648,9 ha; Số KKT là 15 KKT (chiếm 52,9% tổng số KKT đã được thành lập của cả nước).
Kết quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư: Dự án cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 1.323 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1.473.570,92 tỷ đồng và 14.412,15 triệu USD, dự án điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 3.094 dự án với tổng số vốn tăng thêm là 757.872,64 tỷ đồng và 33430,11 triệu USD; Tổng số dự án đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lũy kế đến ngày 30/6/2022 là 8.307 dự án với tổng số vốn đăng ký là 23.105.905,43 triệu USD và 1.905.022,96 tỷ đồng; Vốn thực hiện của các dự án đầu tư thứ cấp là 6.844.980,82 triệu USD và 331.102,71 tỷ đồng.
Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN, KKT: Doanh thu đạt 274.521,82 triệu USD và 6.195.436,97 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 321.553,64 triệu USD và 30.156,77 tỷ đồng; Giá trị nhập khẩu đạt 212.580,47 triệu USD; Nộp ngân sách đạt 278.882,57 tỷ đồng; Tổng số lao động có mặt đến 30/6/2022 là 1.846.118 người.
Công tác quản lý dự án đầu tư sau khi cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên các lĩnh vực: Cải cách hành chính, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường, doanh nghiệp, lao động... đều được triển khai đồng bộ, hiệu quả, phát huy cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Phó chủ nhiệm Hoàng Trung Kiên chia sẻ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các doanh nghiệp KCN, KKT đã và đang gặp rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và các điều kiện thực tế khách quan tác động nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác đầu tư, phát triển KCN, đòi hỏi cần được được quan tâm, thực hiện kịp thời trong công tác: Quy hoạch, xây dựng, môi trường, đầu tư, doanh nghiệp, lao động và các lĩnh vực liên quan...; văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách dành cho xây dựng hạ tầng KCN; xây dựng các khu nhà ở cho công nhân lao động và các dịch vụ hỗ trợ; công tác quản lý, chống thất thu thuế, chống chuyển giá ...
Triển khai những giải pháp quan trọng để tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư
Về phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động quản lý nhà nước trong thời gian tới, Phó chủ nhiệm Hoàng Trung Kiên cho biết, các hội viên Câu lạc bộ tiếp tục phấn đấu triển khai những giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các KCN, cụ thể:
Một là, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
Hai là, tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và huy động các nguồn vốn khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng KCN, KKT và đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng tập trung triển khai xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt để tạo quỹ đất sạch phục vụ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư.
Ba là, chủ động đề xuất với UBND tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn cho sản xuất hoặc xử lý các dự án vi phạm quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động. Tăng cường các biện pháp trợ giúp pháp lý và đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Bốn là, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhất là quy định cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ từ doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, tác phong đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành.
Sáu là, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn KCN, KKT, nhất là trong năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm khi triển khai dự án, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP
Tại Hội nghị, các Hội viên Câu lạc bộ đã tham gia phát biểu sôi nổi đánh giá những thuận lợi, khó khăn tại địa phương trong quá trình hoạt động và triển khai thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN, KKT.
Bên cạnh những thuận lợi do Nghị định 35/2022/NĐ-CP mang lại, các đại biểu cho rằng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các KCN, KKT được quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ chưa phải là khung pháp lý cao nhất nên một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý KCN, KKT trong tình trạng bị một số Luật chuyên ngành khác chi phối, gây khó khăn, vướng mắc và chồng chéo giữa các Luật chuyên ngành.
Một số nhiệm vụ quản lý nhà nước tại tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP chưa được phân cấp, ủy quyền như: Môi trường, thanh tra, lao động, thương mại và xử phạt vi phạm hành chính... dẫn đến công tác quản lý quản lý nhà nước đối với KCN chưa được hiệu quả, chặt chẽ, chưa đáp ứng được mục tiêu thực hiện theo cơ chế "một cửa, một đầu mối" trong công tác quản lý nhà nước đối với các KCN. Do đó đã dẫn đến tình trạng như: Tiến độ đầu tư, xây dựng hạ tầng một số KCN và triển khai thực hiện dự án của một số nhà đầu tư thứ cấp còn chậm; công tác xúc tiến đầu tư của các chủ đầu tư hạ tầng chưa tích cực, hiệu quả, sản xuất kinh doanh bị ách tắc....Mặt khác, hệ thống pháp luật chuyên ngành liên quan đên KCN, KKT chưa đồng bộ, thường xuyên thay đổi...
Để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nêu trên, các Hội viên câu lạc bộ đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đó là:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm xây dựng Luật về KKT, KCN để khẳng định vị thế pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với KKT, KCN. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chồng chéo đối với hoạt động quản lý nhà nước hiện nay đã ban hành tại các luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...
Thứ hai, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các Ban Quản lý KCN, KKT ổn định bộ máy tổ chức, thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm có hướng dẫn về thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng dữ liệu chéo, dữ liệu liên thông về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt cho các tỉnh, thành phố khi triển khai lập Quy hoạch các KCN, KKT và thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KCX, khu chức năng trong KKT (nhằm hạn chế việc Thủ tướng Chính phủ phải cho ý kiến nhiều lần đối với cùng một nội dung).
Thứ ba, đề nghị Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng quy định, hướng dẫn áp dụng cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động KCN, KKT.
Thứ tư, đề nghị các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các chế tài đủ mạnh xử lý những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý sau đầu tư tại các KCN, KKT; hướng dẫn việc phân cấp, phân quyền cho Ban Quản lý các KCN, KKT và bố trí bổ sung nhân lực, biên chế đảm bảo phù hợp với chức năng nhiệm vụ đã được quy định trong các chính sách pháp luật đã ban hành và đang có hiệu lực.
Thứ năm, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch về triển khai thu hút lao động, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh; kế hoạch phát triển nhà ở công nhân, phát triển các dịch vụ hỗ trợ cơ bản cho người lao động tại các KCN, KKT gắn với quy hoạch của từng KCN, KKT; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho Ban Quản lý các KCN, KKT và bố trí bổ sung nhân lực, biên chế đảm bảo phù hợp với chức năng nhiệm vụ đã được quy định trong các chính sách pháp luật đã ban hành và đang có hiệu lực.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc Lê Quang Long trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu và các hội viên Câu lạc bộ đã tham dự Hội nghị và đóng góp những ý kiến hết sức quý báu, thiết thực để Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi đến các cơ quan cấp trên giải quyết. Đồng thời mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; Sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành đoàn thể và các địa phương; Tinh thần hợp tác, trao đổi kinh nghiệm của các Ban Quản lý các KCN, KKT và niềm tin, ủng hộ của cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong các KCN, KKT để các KCN, KKT phía Bắc tiếp tục trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển của hệ thống các KCN, KKT trên cả nước./.
Bình luận