Nhiều bộ, ngành vào tầm giám sát

“Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết số 76/KH-ĐGS ngày 24/10/2021. Căn cứ kế hoạch chi tiết, Đoàn giám sát sẽ tiến hành giám sát tại một số bộ, ngành, địa phương nhằm tìm hiểu thực tế, thu thập thêm thông tin và một số nội dung cần làm rõ thêm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật...”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, tại phiên họp thứ ba Đoàn giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, diễn ra hôm nay (18/3), theo Văn phòng Quốc hội.

Giám sát về giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần đi sâu vào vấn đề “nóng”
Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, Đoàn sẽ giám sát việc bố trí cán bộ, công chức thực hiện tiếp công dân. Ảnh: Quốc hội

Cũng theo ông Công, đối tượng giám sát dự kiến sẽ gồm các bộ, ngành: Thanh tra Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lào Cai.

“Đoàn sẽ giám sát việc công khai lịch tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu; việc phân loại, ghi sổ tiếp công dân theo quy định; công tác phối hợp tiếp công dân giữa các cơ quan hữu quan với các tổ chức, đoàn thể, luật sư, hội luật gia; việc thông báo kết quả tiếp công dân…”, ông Công cho hay.

Đặc biệt, Đoàn giám sát còn tập trung đánh giá kết quả thực hiện việc rà soát đối với các khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người; đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Cần giám sát có trọng điểm

“Cần giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào các vấn đề nóng, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận ở từng bộ, ngành, đặc biệt là các khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề đất đai…”, nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương đề xuất.

Giám sát về giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần đi sâu vào vấn đề “nóng”
Theo nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương, cần giám sát có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào các vấn đề nóng... Ảnh: Quốc hội

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo ở các bộ, ngành, địa phương, đồng thời cần làm rõ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, để có giải pháp khắc phục, lộ trình cải thiện rõ ràng…

“Cùng với cần có sự phối hợp giữa việc nghiên cứu hồ sơ, giám sát văn bản với giám sát thực tế tổ chức thực hiện tại địa phương, cần có sự phân công trách nhiệm, phân bố thời gian cụ thể và hợp lý cho phù hợp với đặc thù và các vấn đề của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình giám sát…” Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt đề xuất.

Giám sát về giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần đi sâu vào vấn đề “nóng”
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thiện kế hoạch chi tiết các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương. Ảnh: Quốc hội

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Trần Quang Phương cho biết, các thành viên Đoàn giám sát cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết tại một số bộ, ngành, địa phương. Đề nghị Vụ Dân nguyện tiếp thu ý kiến của các đại biểu, thành viên Đoàn giám sát, chuẩn bị ban hành kết luận bằng văn bản.

“Đề nghị các thành viên Đoàn giám sát cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, có định hướng, trọng tâm, trọng điểm trong giám sát, làm việc chủ động, tích cực với tinh thần trách nhiệm cao để việc giám sát đạt được kết quả cao nhất…”, ông Phương lưu ý./.