Hiện nay, trong thế giới hội nhập, tùy thuộc lẫn nhau, thì độc lập, tự chủ kinh tế thực tế chỉ mang tính tương đối. Để làm rõ vấn đề này, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua bài “Đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc”.

Quan điểm về độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị của Việt Nam dựa trên tư duy mới về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Hợp tác và hội nhập quốc tế mạnh mẽ là một đường hướng đúng đắn trong chính sách đối ngoại và chính sách bảo vệ tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta. Vấn đề này được tác giả Lê Quốc Lý đi sâu phân tích qua bài viết “Độc lập tự chủ, bảo vệ Tổ quốc XHCN với hội nhập quốc tế hiện nay”.

Làm thế nào để Việt Nam nâng cao “tự chủ kinh tế” là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, đây là bài toán cần giải ở tầm tổng thể và đi từ gốc. Bài viết “Việt Nam làm gì trước thế cuộc mới?” của tác giả Ngô Doãn Vịnh tiếp cận theo hai nội dung chính là: xây dựng trụ cột kinh tế và chiến lược phân bố theo lãnh thổ, quản lý nhà nước về biển sẽ cho chúng ta thêm những giải pháp trong vấn đề “tự chủ”.

Nằm ngay cạnh nước láng giềng có dân số lớn gấp 15 lần, đáng lẽ ra Việt Nam phải trở nên giàu có nhờ thị trường khổng lồ của Trung Quốc, nhưng sự thể đã xảy ra ngược lại. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang có sự phụ thuộc rất lớn vào "người láng giềng khổng lồ" này. Bài viết “Tự chủ phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ với Trung Quốc” của tác giả Võ Tòng Xuân sẽ cho thấy rõ sự phụ thuộc này đang ở mức độ nào và do đâu lại xảy ra tình trạng này.

Cũng về đề tài về mối quan hệ kinh tế với "người láng giềng khổng lồ" này, tác giả Dương Lê Vân với bài viết “Nhìn lại quan hệ thương mại với Trung Quốc” sẽ cho thấy vì sao chúng ta đang thua thiệt trong cả xuất khẩu và nhập khẩu với Trung Quốc. Từ đó tác giả đã đưa ra một số giải pháp để giảm bớt sự lệ thuộc quá lớn vào một thị trường, tránh những rủi ro trong thương mại và đầu tư.

Nền sản xuất hiện nay bộc lộ hạn chế khi phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, trong khi đó, nhập khẩu phần lớn chỉ để phục vụ cho xuất khẩu và cuối cùng nền sản xuất đang dần trở thành “gia công toàn diện”. Những hạn chế, bất cập trong hoạt động nhập khẩu thời gian qua sẽ được tác giả Nguyễn Tường Lâm đi sâu phân tích trong bài “Nhập khẩu của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Tại Việt Nam, việc đánh thuế trên tài sản chủ yếu thông qua một số loại sắc thuế, song vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Do vậy, cần thiết phải tiến hành xây dựng một chính sách thuế đối với tài sản nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước lại phù hợp với xu thế hội nhập. Với bài viết “Chính sách thuế đối với tài sản ở Việt Nam”, tác giả Bùi Hồng Điệp sẽ cho thấy thực trạng trong đánh thuế tài sản của Việt Nam có những hạn chế gì.

Tạp chí số này còn nhiều bài viết hay về thương mại, thị trường xăng dầu, nông sản... Đặc biệt, “Chuyên trang Nghệ An” trong số này sẽ cho chúng ta thấy những kinh nghiệm, bài học quý báu trong con đường xây dựng Nông thôn mới của Tỉnh mà các địa phương khác có thể học tập./.