Mô hình kinh tế thị trường đã được Việt Nam tiếp nhận khá cởi mở. Song, chúng ta chưa quan tâm tới chuyển đổi thể chế cho phù hợp với kinh tế thị trường. Toàn bộ thể chế quản lý kinh tế, trong đó có quản lý đất đai, chúng ta vẫn giữ gần nguyên như trong thời kỳ kinh tế bao cấp, nhất là trong tư duy. Qua bài "Đổi mới thể chế trong quản lý đất đai", tác giả Đặng Hùng Võ sẽ cho bạn đọc một cái nhìn sâu sắc về vấn đề này.

Việc phân bổ, sử dụng hợp lý đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực tiễn trong gần 30 năm qua, chính sách, pháp luật đất đai đã có nhiều đổi mới và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi cần "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý đất đai", đó cũng là nhan đề bài viết của tác giả Đào Trung Chính.

Nếu như bồi thường dựa trên nguyên tắc “ngang giá”, đảm bảo các quyền của người sử dụng đất, thì hỗ trợ phải hướng tới mục tiêu đảm bảo sinh kế cho người có đất bị thu hồi, bởi họ đã bị thay đổi căn bản về môi trường sống, cách thức tổ chức cuộc sống, phương thức sản xuất, kinh doanh. Qua bài "Hỗ trợ đối với người dân có đất thu hồi: Sao cho hiệu quả?", tác giả Bùi Văn Huyền đã nêu ra được một số vấn đề cần sớm giải quyết, đó cũng là để hướng tới mục tiêu ổn định xã hội.

Năm 2014, mặc dù Chính phủ đã phải dành một phần ngân sách không nhỏ để trả nợ, nhưng vẫn không đủ và buộc phải đi vay thêm để đảo nợ. Sức ép nợ công đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng chính sách quản lý nợ công hiệu quả, đảm bảo tính nghiêm ngặt trong chi tiêu và trân trọng từng đồng vốn vay. Tác giả Đỗ Thiên Anh Tuấn sẽ cho bạn đọc thấy rõ hơn các hạn chế trong quản lý nợ công hiện nay qua bài "Bàn về chính sách quản lý nợ công của Việt Nam". Còn tác giả Phùng Thị Phương Anh với bài "10 rủi ro chính của nợ công Việt Nam" sẽ giúp nhận diễn rõ hơn vấn đề để có hướng quản lý hiệu quả.

Hiến pháp và luật pháp Việt Nam luôn bảo vệ bình đẳng giới trong tiếp cận đất đai. Tuy nhiên, kết quả của một số cuộc điều tra và nghiên cứu gần đây lại cho thấy, phụ nữ chưa thực sự có cơ hội tiếp cận đất đai ngang với nam giới, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Bài viết "Bình đẳng giới trong tiếp cận đất đai ở nông thôn: Từ chính sách đến thực tiễn" của tác giả Nguyễn Quỳnh Hoa đã đưa ra một số khuyến nghị để khắc phục những hạn chế này.

Báo cáo Phát triển con người (HDR) được Liên hợp quốc công bố hàng năm nhằm chỉ ra và so sánh mức độ bình đẳng của các quốc gia trên thế giới cho thấy, tất cả các quốc gia vẫn còn tồn tại bất bình đẳng tùy từng mức độ. Vậy, Việt Nam ở mức nào? Câu trả lời sẽ rõ trong bài "Thành tựu bình đẳng của Việt Nam nhìn từ HDR 2014" của tác giả Nguyễn Quán.

Tạp chí số này còn nhiều bài viết về các khía cạnh kinh tế - xã hội của một số địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Long, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế... Số này cũng đề cập đến vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế tập thể qua bài "Một số chính sách về thanh niên và phát triển kinh tế nông thôn" của tác giả Thanh Loan và "Thanh niên là nòng cốt trong phát triển kinh tế hợp tác" của tác giả Thu Thủy./.