Gỡ khó để ngành điều phát triển bền vững
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng hạt điều xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 đạt 150 nghìn tấn với giá trị đạt 1,08 tỷ USD, tăng 14% về khối lượng và tăng 28,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 39,98%, 13,12% và 10,89% tổng giá trị xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết: với tình hình này, cả năm 2015 có thể xuất khẩu 300 ngàn tấn nhân điều với giá trị 2,2 tỷ USD, ít nhất cũng bằng năm 2014. Nếu tính luôn những sản phẩm từ hạt điều như sản phẩm chế biến sâu tạo giá trị gia tăng hay dầu hạt điều thì kim ngạch xuất khẩu cả ngành điều khoảng 2,5 tỷ USD (Công Phiên, 2015).
Tuy vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, thị trường tiêu thụ nhân hạt điều chủ yếu là các nước phát triển, nơi yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao, thì ngành chế biến điều đang đứng trước những thách thức về vấn đề này, khi thời gian gần đây, không ít container nhân điều xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do nhiễm vi khuẩn Salmonella hay E.coli trong quá trình sản xuất hoặc chế biến. Gần đây, Bộ Công Thương vừa phát đi cảnh báo từ Saudi Arabia về nhiều loại nông sản, thực phẩm Việt Nam không đạt chất lượng, quy định vào thị trường này, theo đó, họ khẳng định một số sản phẩm hạt điều của Việt Nam vẫn chứa vi khuẩn còn sống (Ngọc Anh, 2015).
Tại Hội nghị đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, trong số 256 doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều, chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn như HACCP, ISO 9001, ISO 1400, ISO 2200… có đến 119 cơ sở, doanh nghiệp - tương đương 45%, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (xếp loại C).
Hầu hết các cơ sở chế biến chưa công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-08:2009/BNNPTNT: Cơ sở chế biến điều – Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình với 5-7 lao động và thường không được đầu tư máy móc, thiết bị nên không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này đang đòi hỏi ngành điều cần tập trung xử lý.
Theo Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối, cứ sau mỗi năm, số doanh nghiệp xuất khẩu điều lại tăng lên. Năm 2014, có 345 doanh nghiệp xuất khẩu nhưng trong số này, có đến 73% có kim ngạch xuất khẩu chưa đến 5 triệu USD. Từ đó, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều, gây thiệt hại chung cho toàn ngành.
Về xuất khẩu, tuy hiện nay hạt điều của Việt
Theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, muốn xây dựng được thương hiệu mạnh và ổn định phải xuất phát từ chất lượng sản phẩm.
Cũng tại Hội nghị trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đang xây dựng đề án xây dựng thương hiệu điều Việt Nam, để từ đó nâng cao giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
Đề án sẽ tập trung giải quyết các vấn đề, như: xây dựng thương hiệu điều quốc gia, xây dựng chỉ dẫn địa lý điều cho các địa phương trồng điều trọng điểm. Quan trọng nhất, tất cả những điều trên là để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Có như vậy mới giúp ngành điều giải quyết bài toán “quá phụ thuộc” vào xuất khẩu nhân điều đóng gói như hiện nay.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, trong thời gian tới Vinacas kiến nghị giảm dần các cơ sở chế biến điều nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp chế biến tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán qua nhiều khâu trung gian.
Đối với doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, nâng cao năng lực, tập huấn kiến thức về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, nhất là thực hiện hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn – HACCP. Có như vậy, các cơ sở chế biến hạt điều mới đạt về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần không ngừng nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm hạt điều./.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Hội nghị đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ điều, ngày 02/7, TP. Hồ Chí Minh
2. Công Phiên (2015). Phát triển ngành điều: Tránh lặp lại vết xe đổ, truy cập từ http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2015/7/389010/
3. Ngọc Anh (2015). Nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt
Bình luận