Grab mua Uber: Rất khó xác định có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không?
Grab và Uber phải xin phép tất cả các cơ quan cạnh tranh của các nước Đông Nam Á
Quyết định rút lui của Uber tại Đông Nam Á đã thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào ứng dụng gọi xe công nghệ. Điển hình là mới đây, doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD vào ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu.
Ngày 26/03/2018, Grab Việt Nam chính thức phát đi thông cáo tới người sử dụng cho biết, đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Grab thu mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á và tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính hàng đầu của Grab.
Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab. Đồng thời với thỏa thuận này, CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
Trước vấn đề này, trong công văn gửi GrabTaxi ngày 27/03/2018, Cục Quản lý Cạnh tranh yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp các thông tin cũng như toàn bộ tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber. Đồng thời, phía Gbab cần cung cấp đầy đủ hợp đồng mà hãng mua lại Uber tại khu vực Đông Nam Á.
Công văn của Cục Quản lý cạnh tranh được căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh tại khoản 2, Điều 7, Luật Cạnh tranh. Trong đó, Bộ Công Thương có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tạp trung kinh tế diễn ra trên thị trường.
Cục Quản lý Cạnh tranh yêu cầu phía Grab gửi toàn bộ tài liệu cũng như hợp đồng mua bán với Uber trước ngày 03/04/2018.
Dẫn nguồn tin của Báo điện tử Dân trí, tuy nhiên, đến hết ngày 03/04/2018, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chưa nhận được báo cáo. Theo đó, phía Grab xin lùi thời hạn nộp tài liệu này tới ngày 06/04/2018.
Grab thông báo tới người sử dụng đã hoàn tất thương vụ mua bán Uber
Theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2017, những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) mà có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế. Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, thì theo quy định, Grab - Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán để cơ quan này xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.
Nếu Cục Quản lý cạnh tranh thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.
Và để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép tất cả các cơ quan cạnh tranh của tất cả các nước Đông Nam Á mà có quy định này.
Theo Điều 22 của Luật Cạnh tranh, trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ về việc có thuộc trường hợp bị cấm hay không, lý do cấm phải nêu rõ.
Trong trường hợp giao dịch mua bán, sáp nhập vi phạm Luật Cạnh tranh, hậu quả pháp lý khá nghiêm trọng, mức tiền phạt tối đa lên tới 10%tổng doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi tập trung kinh tế vi phạm.
Trong một số trường hợp, bên cạnh việc phạt tiền, cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn có thể áp dụng các biện pháp phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả khác, như: thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp, hoặc buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua...
Ảnh hưởng ra sao tới thị trường vận tải ứng dụng hợp đồng điện tử?
Bên lề buổi Họp báo Thường kỳ Chính phủ tháng 03/2018, chia sẻ với phóng viên Dân trí về việc Grab mua lại Uber đang khiến thị trường xe hợp đồng điện tử cực kỳ xáo động, hàng nghìn lái xe Uber hoang mang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho biết: Mặc dù Grab và Uber thực hiện việc mua - bán ở nước ngoài, nhưng hoạt động tại Việt Nam đã chuyển đổi hoàn toàn, Bộ Công Thương đang yêu cầu Grab và Uber báo cáo.
Thứ trưởng Hải cho biết: Theo quy định, văn phòng ở nước ngoài nhưng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Còn nếu một hãng, doanh nghiệp mua 50% thị phần, theo pháp luật Việt Nam điều này không được phép. Bộ Công Thương đang chờ báo cáo.
"Sau khi nhận được báo cáo của Grab, Bộ Công Thương sẽ có cơ sở đánh giá quá trình mua bán này ở mức độ nào, có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh hay không? Việc mua bán có được phép hay không?", Thứ trướng Bộ Công Thương nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, dù việc mua - bán của Grab và Uber như thế nào thì các bên cũng phải đảm bảo quyền lợi cho lái xe
Tại buổi họp báo quý 1 của Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 29/03/2018, liên quan đến việc Grab mua lại Uber, có nhiều ý kiến loại hình gọi xe công nghệ của Grab sẽ độc quyền vì mất đi tính cạnh tranh, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc này đúng một phần vì giảm sự canh tranh khi chỉ còn lại một hãng.
Tuy nhiên, theo ông, chỉ 1 năm qua đã có thêm hàng chục đơn vị trong nước sử dụng phần mềm để kết nối kinh doanh vận tải. Vì thế, việc cạnh tranh của hai đơn vị Uber, Grab không còn, nhưng cạnh tranh với đơn vị cung cấp công nghệ trong nước vẫn còn.
Cũng theo Thứ trưởng, việc sáp nhập giữa 2 hãng này với nhau là hoạt động của DN, chiếu theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 trong quy định của Việt Nam và thế giới đều có thể thực hiện.
Khi được hỏi, Bộ Giao thông Vận tải quản lý Uber, Grab như thế nào, Thứ trưởng cho hay, quan điểm của Bộ là quản lý đơn vị vận tải sử dụng ứng dụng. Dự thảo nghị định 86 sửa đổi tới đây, Bộ đã đưa điều khoản quản lý loại hình vận tải sử dụng vào quản lý.
“Bộ Giao thông Vận tải không ấn định số lượng xe nhưng quản lý về cơ chế giá. Thực tế, Việt Nam chưa làm được vấn đề này”, lời Thứ trưởng.
Liên quan đến việc lái xe “kêu cứu” vì Uber sau khi sát nhập thì quyền lợi của tài xế khó đảm bảo, Thứ trưởng thẳng thắn, Bộ Giao thông Vận tải sẵn sàng tiếp xúc và giao Vụ Vận tải giải đáp các thắc mắc.
Tuy nhiên, chủ xe khi đầu tư xe kinh doanh chưa xem xét chặt chẽ để đảm bảo tính pháp lý nên khó tránh rủi ro. Trong khi Nhà nước không thể làm thay chủ xe được.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, về mặt quản lý nhà nước đối với Uber và Grab, hiện các bộ, ngành đều thực hiện đầy đủ các quy định liên quan. Việc giải quyết cạnh tranh hay độc quyền được thực hiện theo luật Cạnh tranh của Bộ Công Thương.
Về việc xe ôm công nghệ Uber, Grab hiện nay chưa được quản lý, ông Ngọc cho biết, theo quy định, Bộ Giao thông Vận tải giao cho UBND cấp tỉnh quản lý.
Bộ sẽ theo dõi và thời gian tới sẽ đánh giá tổng kết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2018 về quản lý xe 2 bánh của địa phương để từ đó tham mưu Chính phủ đưa ra các điều kiện kinh doanh đảm bảo thuận lợi cho người dân, an toàn hành khách.
Thứ trưởng Đông thông tin thêm, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu để cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý loại hình xe 2 bánh chạy ứng dụng công nghệ đảm bảo an toàn cho hành khách, doanh nghiệp và lái xe.
Đứng ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, nếu xét ở góc độ pháp lý về mua bán - cạnh tranh, thương vụ này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Luật Cạnh tranh yêu cầu những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) mà có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế. Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, thì theo quy định, Grab - Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán để cơ quan này xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.
Nếu Cục Quản lý cạnh tranh thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.
Và để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép tất cả các cơ quan cạnh tranh của tất cả các nước Đông Nam Á mà có quy định này./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/grab-thau-tom-uber-bo-cong-thuong-doi-het-han-se-xu-ly-vu-viec-20180402195914588.htm
Bình luận