Hà Nam: GRDP tăng 10,4% trong nửa đầu năm 2017
Thu hút thêm 40 dự án đầu tư
Theo báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Tỉnh Hà Nam cho thấy, tổng sản phẩm trong Tỉnh (giá SS2010) ước đạt 14.351,4 tỷ đồng, bằng 52,3% kế hoạch năm theo Nghị quyết 31/NQ-HĐND tỉnh, tăng 20,9% so với cùng kỳ.
Một góc TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Về GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 21,3 triệu đồng, bằng 38,9% kế hoạch năm theo Nghị quyết 31/NQ-HĐND tỉnh, bằng 97% so với cùng kỳ chưa điều chỉnh, bằng 45% kế hoạch điều chỉnh, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. Về cơ cấu kinh tế, nông, lâm nghiệp, thủy sản là 14,6%; Công nghiệp – xây dựng 57%, Dịch vụ là 28,4%; Về giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 4.525,4 tỷ đồng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,5% so với cùng kỳ, tính theo giá trị sản xuất, ước đạt 33.457,9 tỷ đồng, bằng 59,2% kế hoạch năm theo Nghị quyết 31/NQ-HĐND tỉnh, tăng 38,1% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 4.525,4 tỷ đồng, bằng 57,6% kế hoạch năm theo Nghị quyết 31/NQ-HĐND tỉnh, tăng 4,9% so với cùng kỳ (Bằng 56% kế hoạch điều chỉnh, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2017, Tỉnh đã thu hút được 40 dự án đầu tư. Trong đó, có 9 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 40,36 triệu USD; 31 dự án trong nước với 2.410,44 tỷ đồng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Tỉnh đã điều chỉnh 37 dự án, trong đó có 29 dự án FDI và 8 dự án trong nước với tổng vốn tăng 12,9 triệu USD và 242,16 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 674 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó có 195 dự án FDI và 479 dự án trong nước với vốn đăng ký 2.161,88 triệu USD và 83.050,90 tỷ đồng). Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có khoảng 248 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng vốn đăng ký lên 3.171 tỷ đồng.
Như vậy, theo ước tính, chỉ trong nửa đầu năm 2017, tổng sản phẩm trong tỉnh Hà Nam đạt mức tăng trưởng khá, khoảng 10,4%. Tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh cơ bản ổn định và phát triển so với cùng kỳ.
Cần tập trung triển khai 10 giải pháp trọng tâm
Trong sáu tháng cuối năm 2017, Tỉnh đề ra mục tiêu, tổng sản phẩm trong Tỉnh cả năm phải đạt 31.412,4 tỷ đồng, bằng 114,4% kế hoạch năm theo Nghị quyết 31/NQ-HĐND tỉnh, tăng 27% so với năm 2016; Về GDP bình quân đầu người cả năm đạt 47,3 triệu đồng, bằng 86,3% kế hoạch năm theo Nghị quyết 31/NQ-HĐND tỉnh, bằng 97,9 so với năm 2016…
Theo đó, muốn đạt được các mục tiêu trên, đòi hỏi Hà Nam cần tập trung triển khai thực hiện 10 giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tập trung thực hiện 5 Nghị quyết chuyên đề, trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh đến năm 2030. Xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII.
Thứ hai, hoàn thành gieo cấy lúa Mùa đúng thời vụ, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa, sản xuất rau, củ, quả sạch, cây trồng hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, tập trung... theo định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Hoàn thành Quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2025, định hướng 2035, Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì nghiêm 10 cam kết của Tỉnh với các nhà đầu tư gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh. Tập trung tạo mặt bằng sạch, có hạ tầng trong các Khu, cụm công nghiệp để sẵn sàng thu hút đầu tư. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc. Tập trung thu hút các doanh nghiệp trong các lĩnh vực theo định hướng đổi mới đầu tư phát triển của tỉnh, phù hợp Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Thứ tư, phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hoạt động các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trung tâm thương mại, Khu du lịch Tam Chúc, sân golf Kim Bảng, Khu đại học Nam Cao, Khu y tế chất lượng cao, cơ sở 2 Bệnh viện Lão khoa... Hoàn thiện các Quy hoạch phục vụ phát triển thương mại – dịch vụ- du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể Khu du lịch Tam Chúc. Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp - thương mại tỉnh Hà Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, triển khai Chương trình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn giai đoạn 2017-2020.
Thứ năm, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh gắn với xử lý nợ công. Tiếp tục thực hiện Đề án tư nhân hóa các dịch vụ công Nhà nước không cần nắm giữ chi phối. Thực hiện nghiêm các quy định mới của tỉnh về quản lý đầu tư và xây dựng. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm, dự án hoàn thành trong năm 2017, dự án đáp ứng nhu cầu bức thiết của Nhân dân.
Thứ sáu, nắm chắc nguồn thu, đối tượng thu, chống thất thu, hạn chế nợ đọng ngân sách, đặc biệt là các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh xăng dầu. Thực hiện nghiêm quy định trong chi tiêu ngân sách, sử dụng đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ bảy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, trật tự đô thị. Tập trung xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường Tây Đáy, hoàn thành xử lý vi phạm theo Chỉ thị 03-CT/UBND ngày 22/3/2017 của UBND Tỉnh, vi phạm trong sử dụng đất đa canh, các tồn tại trong thực hiện Kế hoạch số 566/KH-UB. Hoàn thành Quy hoạch tài nguyên nước, điều chỉnh Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.
Thứ tám, phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội. Tiếp tục thu hút các trường Đại học có chất lượng, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các Bệnh viện về đầu tư tại Tỉnh. Bên cạnh đó, chủ động phòng, chống dịch bệnh, làm tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (đặc biệt là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế) trên địa bàn Tỉnh.
Thứ chín, cần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tập trung phòng, chống tội phạm, kiềm chế tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy, cờ bạc, tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ mười, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công tỉnh và các huyện, thành phố. Đẩy mạnh thanh tra công vụ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính./.
Bình luận