GRDP tăng 13,9% so với cùng kỳ

Theo Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2016 của UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 cơ bản giữ được ổn định và phát triển so với cùng kỳ năm 2015.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh (theo giá so sánh 2010) vẫn duy trì được tốc độ tăng khá, ước tăng 11,62%; Tổng sản phẩm trong nước (GRDP) năm 2016 ước đạt 48,3 triệu đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ.

Hà Nam “lọt” vào tốp 10 Tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút FDI trong năm 2016

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.250 triệu USD, tăng 21,1% so với năm ngoái. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2015. Đặc biệt, vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 23.500 tỷ đồng, tăng tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, nhưng riêng chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi lợn phát triển mạnh, góp phần quan trọng tạo nên tốc độ tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 94.826,6 tấn, tăng 16,2%; trong đó thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 75.314,2 tấn, tăng 19,6% so với năm 2015.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,8% (theo giá trị sản xuất: tăng 16,4% so với năm 2015). Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng, trong đó một số sản phẩm tăng khá, như: Nước giải khát 37,3%; Bộ dây điện ô tô 19,5%; thiết bị điện, điện tử 24,5%; sữa các loại 17,3%; bia các loại 9,4%. Xuất khẩu tăng khá, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.250 triệu USD, tăng 21,1% so với năm 2016.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2015. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm đối với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong các dịp lễ, Tết. 11 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 2.471 lượt/vụ; xử lý 2.206 vụ với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 2.378 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Cũng trong năm 2016 này, Hà Nam có khoảng 915.000 lượt khách du lịch về địa bàn tỉnh, tăng 18,8% so với năm trước mang lại doanh thu du lịch ước đạt 205 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2015.

Đặc biệt, năm 2016, nhờ có sự nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Hà Nam đã có những kết quả tích cực, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, tăng so với cùng kỳ cả về số dự án và tổng mức đầu tư. Cụ thể, chỉ riêng 11 tháng đầu năm, Hà Nam đã thu hút 91 dự án (28 dự án FDI và 63 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư 607,01 triệu USD và 30.404,8 tỷ đồng; điều chỉnh vốn đầu tư 99 dự án (77 dự án FDI và 22 dự án trong nước) với tổng vốn tăng 105,23 triệu USD và 1.090,8 tỷ đồng; đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Luỹ kế đến ngày 30/11/2016 trên địa bàn tỉnh có 626 dự án đầu tư còn hiệu lực (183 dự án FDI và 443 dự án trong nước) với vốn đăng ký 2.091,1 triệu USD và 79.585 tỷ đồng. Khởi công xây dựng Khu công nghiệp Đồng Văn IV, nhà máy Hoa Sen Hà Nam, nhà máy xi măng Thành Thắng giai đoạn II …

Đồng thời, Hà Nam cũng tập trung làm tốt công tác quy hoạch. Hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Phủ Lý; Quy hoạch vị trí xây dựng các cảng hàng hóa trên sông Đáy, sông Hồng đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Nam; Quy hoạch chung xây dựng các đô thị; Điều chỉnh quy hoạch các Khu công nghiệp.

9 nhiệm vụ trọng tâm trọng năm 2017

Một là, tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới định hướng đầu tư phát triển của tỉnh giai đoạn đến 2020 và những năm tiếp theo, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực. Tập trung triển khai các Đề án, Kế hoạch để thực hiện 5 Nghị quyết chuyên đề trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Hai là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc; mở rộng thu hút đầu tư các nước Châu Âu, Bắc Mỹ.

Xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, thất thoát, lãng phí. Ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng của tỉnh, các công trình dở dang cần hoàn thành năm 2017 để phát huy hiệu quả đầu tư, các dự án đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ. Đề nghị HĐND tỉnh chấp thuận vay 200 tỷ từ nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư và đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm.

Ba là, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, đặc biệt là đối với các dự án mới hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh, các dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh. Thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh và các thỏa thuận hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp lớn. Rà soát để phân loại, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc chấm dứt chủ trương đầu tư, ưu đãi đầu tư, thu hồi đất dự án vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Bốn là, tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp. Xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các đề án, mô hình có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp gắn với công tác bảo vệ môi trường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm là, tăng cường quản lý thu, quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, chống thất thu, chuyển giá, hạn chế nợ đọng ngân sách; thường xuyên rà soát các cơ sở, căn cứ thu để điều chỉnh kịp thời, phù hợp; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2017. Điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả. Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu tín dụng phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, quy hoạch, bảo hiểm xã hội. Nâng cao chất lượng và trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020; tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Nhân dân; đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công của tỉnh và một số huyện, thành phố; tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bảy là, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Tám là, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, bảo đảm môi trường sống an toàn, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh.

Chín là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.