“Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp có nhiều đổi mới rõ rệt như: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND các cấp đều tham gia cấp ủy địa phương; chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được chú trọng; nhiều tỉnh đã ban hành Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp…”,. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, khi trình bày Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc, tại Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hôm nay (ngày 21/2), theo Văn phòng Quốc hội.

Hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa cao
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Cũng theo bà Thanh, hoạt động của HĐND ngày càng chủ động, thực chất trên cơ sở bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, phát huy trí tuệ của tập thể, sự đóng góp của các chuyên gia; tăng cường sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các mặt công tác; áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức “kỳ họp, phiên họp không giấy” từ năm 2019, có địa phương đã chỉ đạo thực hiện tới cấp huyện như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... Hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã bảo đảm công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống...

Hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa cao
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Quốc hội
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo từ các địa phương, hoạt động của HĐND cấp tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong công tác chuẩn bị kỳ họp, vẫn còn tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo, nghị quyết do UBND chuẩn bị đến Thường trực và các Ban của HĐND chậm, làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban. Có địa phương tổ chức kỳ họp chuyên đề ban hành nghị quyết quá nhiều, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của nghị quyết…”, bà Thanh cho biết.

Cũng theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm, chủ yếu là chuyển đơn; công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện. Mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội – Thường trực HĐND – UBND – Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố có nơi, có việc chưa thật gắn kết trách nhiệm, hiệu quả chưa cao.

Để khắc phục những bất cập trong hoạt động của HĐND các cấp thời gian qua và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2022, theo bà Thanh, HĐND các cấp cần tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Cùng với đó, HĐND các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động 5 năm, hằng năm, nhất là định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND trong nhiệm kỳ, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết và giám sát hằng năm; đề xuất với cấp ủy các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần quyết định vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh trong nhiệm kỳ và nhiều năm tiếp theo, khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò của HĐND trong thực tiễn.../.