Hội nghị Bộ trưởng GMS: Đẩy mạnh hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng
Hội nghị Bộ trưởng của 6 nước Tiểu vùng Mê Công (GMS) là hội nghị được tổ chức thường niên, trong hội nghị lần này thu hút sự tham dự gia của 200 đại biểu quốc tế, bao gồm: Bộ trưởng, Trưởng đoàn 6 nước GMS; Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quan chức cao cấp các nước GMS; Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á và các cán bộ của ADB, các Đối tác phát triển quan tâm và hỗ trợ cho khu vực GMS, như: ADB, WB, JICA, NEDA, AFD, FAO, IOM, UNCDF, GIZ…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen Groff đồng chủ trì hội nghị.
Thảo luận nhiều vấn đề lớn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chương trình GMS là một sáng kiến nổi bật và thành công nhất trong số các sáng kiến về hợp tác và hội nhập khu vực.
Kể từ ngày khởi động cho đến nay, Chương trình GMS ngày càng phát triển mạnh mẽ, theo cả chiều rộng và chiều sâu, bao gồm các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các nước thành viên GMS. Chương trình đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ ở các lĩnh vực hợp tác; tạo ra sự kết nối sâu, rộng giữa các quốc gia thông qua các dự án kết nối hạ tầng giao thông, điện năng, du lịch, phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực…; củng cố rõ nét các kết nối cộng đồng và góp phần tăng cường đáng kể khả năng cạnh tranh của các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen Groff đồng chủ trì hội nghị
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá cao vai trò của ADB trong sự thành công chung của Chương trình hợp tác GMS. ADB Không chỉ là tổ chức khởi xướng sáng kiến, mà còn đóng vai trò điều phối, cố vấn, chất xúc tác hiệu quả trong quá trình thực hiện sáng kiến. Đồng thời là đối tác phát triển lớn nhất của các nước GMS trong việc cung cấp sự hỗ trợ tích cực, cả về kỹ thuật và tài chính, từng bước hiện thực hóa những nội dung liên kết trong sáng kiến hợp tác GMS.
Trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác GMS, nhiều văn kiện hợp tác quan trọng đã được thông qua: Hiệp định tạo thuận lợi cho hành khách và hàng hóa qua biên giới (CBTA), Khung chiến lược hợp tác 10 năm và Khung đầu tư tiểu vùng 10 năm giai đoạn 2012-2022; Kế hoạch thực hiện Khung đầu tư tiểu vùng giai đoạn 2014-2018; Khung hợp tác chiến lược cho phát triển nguồn nhân lực, môi trường, phát triển đô thị khu vực GMS…
Còn tại hội nghị lần này, các quốc gia là thành viên của GMS đã cùng nhau thảo luận nhiều đề lớn, gồm:
Thứ nhất, cùng nhau xem xét để đưa ra định hướng xây dựng và hoàn thiện Khung Kế hoạch hành động 5 năm, hay còn gọi là “Kế hoạch hành động Hà Nội”, một kế hoạch có vai trò rất quan trọng nhằm hiện thực hóa Khung chiến lược hợp tác GMS từ nay đến năm 2022. Kế hoạch hành động Hà Nội dự kiến sẽ được các nhà Lãnh đạo các nước GMS xem xét và thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh GSM lần 6 sẽ được tổ chức vào tháng 3/ 2018 tại Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị
Thứ hai, các nước GMS cũng đã rà soát Khung chiến lược và kế hoạch hành động về phát triển nguồn nhân lực GMS giai đoạn 2013-2017 bao gồm đề xuất thành lập Nhóm công tác về hợp tác y tế GMS.
Thứ ba, Hội nghị đã thảo luận và thông qua Khung đầu tư tiểu vùng giai đoạn 2018-2022 (RIF 2022), bao gồm danh mục khoảng 222 các chương trình, dự án đầu tư và Hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá khoảng 64 tỷ USD. Đây là danh mục để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng các đối tác phát triển và khu vực kinh tế tư nhân nhằm giúp các nước GMS hoàn thành các chương trình dự án, ưu tiên quốc gia trong giai đoạn 2018-2022.
Hội nghị cấp Bộ trưởng của 6 nước GMS, bao gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc (với hai tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây) đã tham gia chương trình này năm 1992, với sự hỗ trợ ADB để tăng cường các mối quan hệ kinh tế. |
Ngoài ra, Hội nghị các nước cũng đã thông qua Chiến lược ngành du lịch GMS giai đoạn 2016-2025. Đồng thời, các bộ trưởng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Chiến lược giao thông của 6 nước thuộc tiểu vùng Mê Kông mở rộng nhằm mục đích xây dựng một hệ thống giao thông liền mạch, hiệu quả, đáng tin cậy và bền vững. Từ đó, thúc đẩy giao thông xuyên biên giới, tăng cường kết nối giao thông liên phương thức và phát triển dịch vụ giao nhận hậu cần, đồng thời nâng cao an toàn giao thông đường bộ…
Thúc đẩy hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng
Tại hội nghị, theo đánh giá của các nước thành viên GMS, Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công sau 25 năm hoạt động, tất cả các nước thành viên GMS đã cố gắng, nỗ lực trong việc mở rộng và phát triển sự liên kết giữa các nền kinh tế; cùng nhau tận dụng các cơ hội nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng của từng quốc gia, góp phần thúc đẩy thịnh vượng chung và cải thiện sự ổn định trong khu vực; cùng nhau quản lý và chia sẻ những lợi ích mà dòng sông Mê Công đem lại cho mỗi quốc gia.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng ghi nhận và đánh cao vai trò hết sức quan trọng của ADB. ADB Không chỉ là tổ chức khởi xướng sáng kiến hợp tác GMS, ADB còn đóng vai trò là người điều phối, cố vấn, chất xúc tác hiệu quả trong quá trình thực hiện sáng kiến và là đối tác phát triển lớn nhất đối với các nước GMS trong việc cung cấp sự hỗ trợ tích cực, cả về kỹ thuật và tài chính, từng bước hiện thực hóa những nội dung liên kết trong sáng kiến hợp tác GMS.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đánh giá, dù khu vực có tốc độ phát triển năng động nhất trên thế giới, như hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội của các quốc gia GMS vẫn còn hạn chế. Do đó, thời gian tới, các quốc gia thành viên GMS cần đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực và các quốc gia thành viên…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam cam kết ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến Chương trình hợp tác kinh tế GMS. Hiện Việt Nam đang chủ động huy động nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế song phương và đa phương để thực hiện các dự án ưu tiên cao mà Việt Nam tham gia thông qua việc lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên của GMS vào các chương trình tài trợ của các nhà tài trợ nước ngoài. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước GMS, ADB và các đối tác phát triển khác, kể cả khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu của Chương trình hợp tác kinh tế GMS đã đề ra”.
Đại diện đoàn Campuchia cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, thì cần tăng cường hơn nữa các sáng kiến hợp tác, khuôn khổ, cơ chế hợp tác để đối phó với thách thức trước mắt; tận dụng cơ hội, làm thế nào để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Với sự kết nối ngày càng gia tăng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, phần cứng... thì các nước thành viên GMS cần chủ động xây dựng mạng lưới các chuỗi giá trị, xây dựng ý thức cộng đồng cùng đoàn kết nỗ lực giải quyết những vấn đề mà toàn Tiểu vùng quan tâm, cũng như đạt được sự phát triển thịnh vượng, khu vực.
Đặc biệt, tại hội nghị, ngài trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng GMS Trung hoa XU Hongcai đã đưa ra 3 đề nghị nhằm đẩy hơn nữa hợp tác hợp tác kinh tế GMS trong thời gian tới. Trong đó:
Một là, cần tận dụng lợi thế về hợp tác kinh tế, coi đó là đòn bẩy để xây dựng sức mạnh tổng hợp giữa các chương trình hợp tác của GMS và giữa các sáng kiến hợp tác trong khu vực lẫn khu vực khác.
Trưởng đoàn 6 nước GMS cùng Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á chụp ảnh lưu niệm
Hai là, phải thiết lập một mạng lưới tài chính, cung cấp tài chính trong khu vực để bảo đảm hiệu quả việc tài trợ cho các dự án phát triển trong khu vực. Thời gian qua, các quốc gia thành viên GMS đã cùng nhau xây dựng công cụ về cung cấp và hỗ trợ tài chính, do đó cần phải xây dựng cơ chế cung cấp tài chính, làm thế nào cho hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với các dự án đường sắt, đường bộ, kết nối đường sắt, đường bộ…
Ba là, cần xây dựng mô hình sáng tạo cho hợp tác công nghiệp, thúc đẩy hơn nữa hợp tác công nghiệp cũng như xây dựng năng lực công nghiệp cho các nước thàn viên của GMS. Phát triển công nghiệp đóng vai trò quan trọng, cũng như thúc đẩy hơn nữa trong phát triển công nghiệp, hợp tác công nghiệp để giúp các thành viên GMS thu hút được nhiều hơn đầu tư từ bên ngoài, các nước GMS có thể đạt được hợp tác cùng có lợi, thông qua hợp tác sáng tạo trong lĩnh vực này.
Còn theo Phó Chủ tịch ADB Stephen Groff, GMS cần đạt được kết quả cụ thể trong bối cảnh hợp tác toàn cầu. Chính vì vậy, mục tiêu hợp tác GMS cần điều chỉnh và cũng xây dựng chương trình hành động mới.
Cụ thể, những mục tiêu hợp tác trong thời gian tới cần lưu ý, như: Mở rộng hành lang hợp tác trong GMS, biến hành lang giao thông thành hàng lang kinh tế, xây dựng hành lang kinh tế đặc biệt ở dọc biên giới nhằm phát triển mạng lưới hành lang kinh tế. Bên cạnh đó, phải tìm kiếm các nguồn lực mới trong thực hiện các chương trình hợp tác. Cần tính đến huy động nguồn vốn khu vực tư nhân bên cạnh của chính phủ và tổ chức quốc tế.
Phó Chủ tịch ADB Stephen Groff cũng nhấn mạnh, ADB với tư cách là Ban Thư ký GMS sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và hợp tác với các nước thành viên để hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công đạt được hiệu quả tốt hơn nữa./.
Bình luận