Nhằm huy động tài chính xanh, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, việc tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia là cần thiết, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam.

Thực trạng thị trường tài chính xanh Việt Nam

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững. Do vậy, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030 tại COP26, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật gồm một số nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn của các bộ, ban, ngành về tài chính xanh từng bước được hoàn thiện, quy định về nhiều loại công cụ như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh..., qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế.

Nhờ chủ động triển khai, tài chính xanh tại Việt Nam đã có những bước chuyển tích cực, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. Các chính sách thuế, phí đã góp phần quan trọng trong việc định hướng, khuyến khích tổ chức, cá nhân cân nhắc trong việc lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội và tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường. Thuế tài nguyên trở thành công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên đối với phát triển kinh tế bền vững. Các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.

Huy động tài chính xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững:  Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Theo thống kê, từ năm 2019-2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình “xanh” như: thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời. Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán…

Về tín dụng xanh, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung của nền kinh tế. Phần lớn các ngân hàng đã có quy định về việc kiểm soát an toàn, bền vững khi tài trợ cho các dự án đầu tư, yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%). Các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng với hơn 1,1 triệu món vay.

Về trái phiếu xanh, cuối năm 2015, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh. Năm 2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương. Phần lớn các trái phiếu xanh được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương. Cụ thể, đến năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành khoảng 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án xanh thuộc các lĩnh vực quản lý nguồn nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và các công trình cơ sở hạ tầng bền vững…

Về cổ phiếu xanh, Một số hoạt động đã được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của cổ phiếu xanh. Uỷ ban chứng khoán Nhà nước phối hợp với IFC, tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), HNX và HOSE triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin ESG, công bố Sổ tay hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG cho các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, chỉ số phát triển bền vững (VNSI) chính thức được đưa vào vận hành cuối tháng 7/2017, hướng đến các mục tiêu xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết, hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính xanh để đầu tư, tăng cường xu hướng phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế, bổ sung thêm một công cụ đầu tư mới. Hiện nay, chỉ số VNSI bao gồm 20 doanh nghiệp có điểm phát triển bền vững tốt nhất được niêm yết trên HOSE thuộc Top VN100 và được tính theo thời gian thực 5 giây/lần.

Khó khăn, hạn chế trong phát triển và huy động tài chính xanh

Bên cạnh những thành tựu bước đầu, việc phát triển thị trường tài chính xanh cũng như huy động tài chính xanh hiện nay tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, tính thanh khoản trên thị trường tài chính xanh Việt Nam hiện nay còn khá thấp. Nhận thức về tài chính xanh của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế, chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các sản phẩm này. Bên cạnh đó, việc thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia trên tất cả các mảng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu xanh dẫn đến thị trường thiếu sự chuyên nghiệp và không hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Trong khi đó, nguồn cung của thị trường còn hạn chế do thiếu các dự án xanh và chưa có nhiều tổ chức phát hành. Hơn nữa, khi tính thanh khoản của thị trường thấp và các thông tin không sẵn có, những người mua tiềm năng trên thị trường khó có thể gặp được những người bán tiềm năng, dẫn đến sự kém hiệu quả của thị trường.

Thứ hai, việc triển khai tín dụng xanh trên thực tế đòi hỏi lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, quy trình thẩm định phức tạp trong khi hiệu quả tài chính chưa cao.

Thứ ba, chưa có chính sách ưu ái cho doanh nghiệp phát triển xanh cũng như thiếu vắng chi tiêu công xanh. Bên cạnh đó, nhận thức, thói quen tiêu dùng xanh của người dân còn hạn chế.

Kinh nghiệm quốc tế về huy động tài chính xanh hướng tới phát triển bền vững

Trung Quốc

Theo tính toán của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Trung Quốc cần đầu tư xanh khoảng 320 tỷ USD mỗi năm để bảo vệ môi trường của nước này. Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng 15% nhu cầu. Do đó, vào tháng 4/2015, Chương trình xanh hóa thị trường tài chính nhằm đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế xanh và phát triển bền vững đã ra đời. Chương trình xanh hóa hệ thống tài chính tập trung vào các trọng tâm như: (1) Hình thành cơ chế tài chính khuyến khích đầu tư xanh; (2) Xây dựng những định chế chuyên thực hiện các hoạt động đầu tư và cho vay xanh; (3) Cung cấp các sản phẩm và kênh tài trợ xanh; (4) Đảm bảo sử dụng tài chính công một cách có hiệu quả để khuyến khích dòng tài chính tư nhân; (5) Hình thành cơ sở hạ tầng thông tin hỗ trợ nhà đầu tư đánh giá tác động môi trường tới các khoản đầu tư (hệ thống chỉ số tín dụng xanh, các quy định công bố thông tin môi trường).

Đối với mỗi trọng tâm trong Chương trình xanh hóa hệ thống tài chính, Chính phủ Trung Quốc lại có những kế hoạch triển khai cụ thể, như: xây dựng cơ chế tài chính khuyến khích đầu tư xanh (sử dụng các nguồn vốn xanh huy động được để tài trợ cho các chính sách xanh của Nhà nước) với mục tiêu khuyến khích triển khai các sáng kiến và dự án về môi trường (liên quan tới việc điều chỉnh hoặc giảm bớt tác động tiêu cực tới môi trường). Chính sách xanh bao gồm cả khung luật pháp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tư nhân và thị trường tài chính có thể cấp vốn cho các khu vực xanh của nền kinh tế (như các chính sách thuế/phí môi trường, thuế/phí tài nguyên, các khoản hỗ trợ, miễn giảm, ưu đãi thuế/phí khuyến khích doanh nghiệp).

Để thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh, ngày 22/12/2015, PBoC đã cho phép các tổ chức tài chính phát hành “trái phiếu xanh” trên thị trường liên ngân hàng nhằm tăng nguồn vốn tài trợ cho các dự án “xanh”, hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Trong đó, các điều kiện để được phát hành trái phiếu xanh không phức tạp, thủ tục thực hiện ngắn gọn, từ đó, khuyến khích gia tăng quy mô thị trường. Quy định về trái phiếu xanh khá linh hoạt (được quyền mua lại, lãi suất theo thỏa thuận của các bên…). Lĩnh vực được phép đầu tư đa dạng với 31 tiểu lĩnh vực nằm trong 6 nhóm lĩnh vực chính: (1) Tiết kiệm năng lượng; (2) Khống chế và ngăn ngừa ô nhiễm; (3) Bảo tồn và tái chế tài; (4) Giao thông sạch; (5) Năng lượng sạch; (6) Bảo vệ hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhờ đó, khối lượng phát hành trái phiếu xanh của Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ từ mức trên 1 tỷ USD (năm 2015) đã lên tới 36 tỷ USD (2016). Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã phát hành thêm được 11,52 tỷ USD, chiếm hơn 20% lượng trái phiếu xanh toàn cầu. Đến cuối quý I/2019, Trung Quốc đã trở thành quốc gia phát hành trái phiếu xanh lớn nhất toàn cầu với tổng quy mô đạt trên 93 tỷ USD (chiếm 22% quy mô thị trường toàn cầu), trong đó 2/3 là trái phiếu xanh được phát hành bởi các ngân hàng thương mại. Theo cơ sở dữ liệu của CBI, khối lượng trái phiếu xanh tích lũy của Trung Quốc vào cuối năm 2022 đạt 289,6 tỷ USD, đứng thứ hai sau Mỹ với khối lượng trái phiếu xanh đạt 380 tỷ USD[1].

Anh

Chương trình tài chính xanh của Vương quốc Anh huy động nguồn tài chính từ các nhà đầu tư để tài trợ cho các khoản chi tiêu xanh, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, xây dựng lại hệ sinh thái tự nhiên và hỗ trợ việc làm trong các lĩnh vực xanh. Nguồn tài chính được huy động thông qua việc phát hành trái phiếu xanh GILTS[2] thông qua Văn phòng Quản lý Nợ (DMO) và bán trái phiếu tiết kiệm xanh của cơ quan Tiết kiệm và Đầu tư Quốc gia (NS&I).

Số tiền thu được từ trái phiếu xanh GILTS và trái phiếu tiết kiệm xanh bán lẻ của NS&I sẽ được dùng để tài trợ cho các chi tiêu xanh giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và các thách thức môi trường khác, đồng thời tạo việc làm xanh trên khắp Vương quốc Anh. Các chi tiêu có thể được đưa vào Chương trình gồm 6 loại: 1) Giao thông sạch; 2) Năng lượng tái tạo; 3) Hiệu suất năng lượng; 4) Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm; 5) Môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên; 6) Thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong năm tài chính 2021-2022, Chương trình Tài chính xanh của Vương quốc Anh đã huy động được 16,4 tỷ bảng Anh từ việc bán trái phiếu xanh GILTS và trái phiếu tiết kiệm xanh. Chương trình cũng xây dựng các tiêu chí để phân bổ nguồn kinh phí huy động này vào các dự án phù hợp. Báo cáo từ chương trình cho thấy, các khoản chi tiêu xanh này đang hỗ trợ lộ trình đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 của Vương quốc Anh, bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng khỏi tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng lại hệ sinh thái tự nhiên, kích thích phát triển thị trường tự duy trì cho công nghệ carbon thấp, hỗ trợ việc làm trong các lĩnh vực ít carbon và tiết kiệm năng lượng trên khắp Vương quốc Anh.

Tính đến ngày 28/9/2023, Chương trình đã huy động được hơn 31 tỷ bảng Anh từ việc bán trái phiếu xanh GILTS và trái phiếu tiết kiệm xanh của NS&I, kể từ khi ra mắt vào năm 2021.

Bài học cho Việt Nam

Kinh nghiệm từ một số quốc gia trong huy động tài chính xanh cho thấy, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, phát triển tài chính xanh vẫn cần Chính phủ là trọng tâm, đóng vai trò định hướng và dẫn dắt sự phát triển.

Phát triển hệ thống tài chính xanh cần lấy chính phủ và các định chế tài chính lớn làm trọng tâm nhằm mục tiêu lan tỏa xu hướng phát triển xanh và hỗ trợ nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế xanh đối với các tổ chức kinh tế của mỗi quốc gia. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy vai trò quan trọng của Nhà nước trong xây dựng nền tảng cho sự hình thành và phát triển của thị trường tài chính như xây dựng các cơ chế tài chính khuyến khích các hoạt động đầu tư “xanh”, khuyến khích các hoạt động huy động nguồn lực đầu tư tư nhân cho thị trường tài chính xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh.

Với quan điểm tiếp cận phát triển hệ thống tài chính xanh, tại Anh, Ngân hàng Đầu tư xanh (Green Investment Bank-GIB) đã thể hiện vai trò trong hoàn thiện khung chính sách và có những hỗ trợ tài chính cần thiết để giải quyết những thất bại của thị trường tự do, lo ngại rủi ro, chi phí giao dịch cao và thiếu vốn. Sự can thiệp của GIB giúp cho việc huy động các nguồn vốn từ thị trường vốn chủ sở hữu và thị trường nợ, tạo điều kiện cho việc định giá rủi ro trên thị trường tài chính thông qua việc nâng cao tính minh bạch và khơi thông dòng đầu tư vào những dự án phát triển bền vững. Cùng với việc tài trợ xanh, các sáng kiến của Chính phủ Anh cũng hướng tới việc tháo gỡ những rào cản đối với đầu tư xanh thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ quản trị rủi ro, phát triển kỹ năng và kinh nghiệm trong các dự án xanh.

Hương Vy

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Thị Thanh Tú (2023), Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh: Kinh nghiệm của một số nước và gợi ý cho Việt Nam, truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quan-triet-va-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/816408/view_content.

2. Trần Thị Thu Hương (2023), Phát triển tài chính xanh tại Việt Nam, truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-tai-chinh-xanh-tai-viet-nam-1070479.html.

3. Nguyễn Thị Ánh Ngọc (2023), Tín dụng xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị, truy cập tại https://tapchinganhang.gov.vn/tin-dung-xanh-tai-viet-nam-thuc-trang-va-mot-so-khuyen-nghi.htm

4. Trung Quốc phát hành trái phiếu xanh kỷ lục, truy cập tại https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-phat-hanh-trai-phieu-xanh-ky luc/#:~:text=Kh%E1%BB%91i%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20tr%C3%A1i%20phi%E1%BA%BFu%20xanh,xanh%20380%20t%E1%BB%89%20%C4%91%C3%B4%20la.


[1] https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-phat-hanh-trai-phieu-xanh-ky luc/#:~:text=Kh%E1%BB%91i%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20tr%C3%A1i%20phi%E1%BA%BFu%20xanh,xanh%20380%20t%E1%BB%89%20%C4%91%C3%B4%20la.

[2] Đây là trái phiếu do Chính phủ Anh phát hành để tài trợ cho các dự án có lợi ích môi trường được xác định rõ ràng.