Việc đánh giá đã tính đến tất cả các mức thuế hiện hành và đề xuất đối với hàng hóa Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ, cũng như các tác động xấu mà căng thẳng thương mại gây ra đối với niềm tin của nhà đầu tư và thị trường tài chính. Tuy nhiên, Changyong Rhee, Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của IMF cho rằng, phần lớn tác động đó dự kiến sẽ được bù đắp bởi các chính sách của chính phủ Trung Quốc để kích thích nền kinh tế.

Căng thẳng thương mại đang diễn ra có thể làm giảm 1,6 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong hai năm đầu tiên

Phân tích này được công bố vào thứ Sáu (12/10) trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực của IMF tập trung vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Ông Rhee nói với các phóng viên rằng, tác động trực tiếp đến kinh tế từ cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự là không quá lớn. Điều bất lợi hơn cả là sự ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, điều này đã làm rung chuyển thị trường tài chính và có khả năng sẽ kéo dài trong một thời gian, ông nói.

"Đây là một trong những lý do tại sao chúng ta cảm thấy rằng những ảnh hưởng xấu có thể kéo dài hơn", ông Rhee nói. "Tôi không biết kết thúc sẽ như thế nào ... nhưng tôi nghĩ rằng, bài học mà chúng ta rút ra là thị trường tài chính toàn cầu và nền kinh tế thực sự được kết nối với nhau rất ăn ý, không một thành phần nào có thể thoát khỏi những ảnh hưởng xấu đó".

"Cuối cùng, sẽ không có ai là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại toàn cầu", ông nói ở Bali, Indonesia, nơi IMF và Ngân hàng Thế giới đang tổ chức các cuộc họp thường niên của họ.

Mỹ đã thực hiện các mức thuế bổ sung trị giá khoảng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập cảnh vào biên giới của mình và đáp lại, Trung Quốc đã trả đũa bằng khoản thuế bổ sung khoảng 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố, thuế quan của họ sẽ còn nhắm tới 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đây gần như là toàn bộ số hàng hóa nhập khẩu còn lại từ quốc gia châu Á khổng lồ này.

Những đòn tấn công thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Tuần này, những lo ngại mới về nền kinh tế toàn cầu - bị đè nặng bởi căng thẳng thương mại - dẫn đến việc bán tháo trong các thị trường toàn cầu. Chứng khoán Trung Quốc là một trong những thị trường chịu tác động tồi tệ nhất, đã giảm hơn 20% trong năm nay.

Đầu tuần này, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới. Trung Quốc cũng không nằm ngoài việc cắt giảm đó.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay - duy trì dự báo trước đó, nhưng tăng trưởng ước tính trong năm tới đã giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 6,2%, theo báo cáo. Nếu không có các động thái gần đây của các nhà chức trách Trung Quốc, thì triển vọng tăng trưởng của gã khổng lồ châu Á có thể thậm chí còn thấp hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ, IMF cho biết trong báo cáo.

Ngân hàng trung ương của Trung Quốc đã cắt giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng Trung Quốc lần thứ tư trong năm nay. Động thái này đã giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Nhưng làm như vậy có thể trì hoãn cải cách cơ cấu của Trung Quốc, IMF lưu ý trong báo cáo.

"Các chính sách vĩ mô ở Trung Quốc đã tập trung vào giải quyết các lỗ hổng tài chính đáng kể và lâu dài của nền kinh tế, nhưng sự chuyển dịch theo hướng ổn định tăng trưởng có thể dẫn tới tiến trình chậm hơn trong việc giảm nợ công và làm tăng nguy cơ trung hạn cho Trung Quốc và toàn khu vực”, báo cáo cho biết.

Dịch từ nguồn:

https://www.cnbc.com/2018/10/12/international-monetary-fund-on-impact-of-trade-war-on-china-economy.html