IMF: Tăng trưởng Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023

Ông Francois Painchaud nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi làn sóng Omicron và cuộc chiến Ukraine

Tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng ngày 12/5, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đã dự báo tác động của tình hình thế giới đối với việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam.

TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG TOÀN CẦU U ÁM

Ông Francois Painchaud khẳng định, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi làn sóng Omicron và cuộc chiến Ukraine.

Có thể thấy, làn sóng Omicron đã tấn công nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Hầu hết ở các nước châu Á, số ca bệnh đã vượt qua mức đỉnh. Tuy một số quốc gia đang hướng tới việc coi COVID-19 như bệnh đặc hữu, thì ở Trung Quốc, các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt đang được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus.

IMF: Tăng trưởng Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam

Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến giá hàng hóa nguyên liệu thô, bao gồm lương thực, dầu mỏ và kim loại tăng vọt. Trước chiến tranh, lạm phát đã tăng cao ở nhiều nền kinh tế do giá hàng hóa nguyên liệu thô tăng vọt và sự mất cân bằng cung cầu do đại dịch gây ra. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung do chiến tranh sẽ làm tăng áp lực đó lên nhiều. Mặc dù dự kiến sự tắc nghẽn cuối cùng sẽ giảm bớt do việc sản xuất ở những nơi khác sẽ đáp ứng với giá cả cao hơn, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong một số lĩnh vực dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2023.

Do vây, lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn nhiều so với dự báo trước đây của IMF. Ở một số nền kinh tế tiên tiến, bao gồm Hoa Kỳ và một số nước châu Âu, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong hơn 40 năm, trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt. Rủi ro tăng lên là việc có thể không neo được kỳ vọng lạm phát nữa, dẫn đến việc các ngân hàng trung ương phản ứng chính sách thắt chặt mạnh hơn. Tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, việc tăng giá lương thực và nhiên liệu cũng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bất ổn xã hội.

Điều này cho thấy những khó khăn nhất định cho nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF công bố hôm 5/4/2022, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 là 6,1%, dự báo giảm còn 3,6% năm 2022 và 2023.

IMF: Tăng trưởng Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF ngày 5/4/2022

VIỆT NAM ĐANG TRÊN ĐÀ PHỤC HỒI, NHƯNG CHƯA ĐỒNG ĐỀU

Liên quan đến Việt Nam, hiện đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, giúp cho việc chuyển hướng chiến lược sang sống chung với COVID. Kể từ khi nới lỏng các hạn chế, việc di chuyển đã được cải thiện và sự phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp diễn, được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng.

Theo đánh giá của IMF, mặc dù có cú sốc lớn, nhưng Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính.

Trong suốt đại dịch, Việt Nam đã ban hành các chính sách kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa đã hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua việc giảm, giãn thuế và phí, đồng thời tăng chi thường xuyên và chi đầu tư. Ngân hàng Nhà nước duy trì thanh khoản, giảm lãi suất chính sách, yêu cầu các ngân hàng giảm hoặc miễn lãi suất, đồng thời cho phép tái cơ cấu lại nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng, đây là yếu tố cần thiết để giúp các ngân hàng vượt qua khủng hoảng một cách an toàn và ngăn thắt chặt tín dụng.

Đặc biệt, việc ban hành Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Kích thích tài khóa trong khuôn khổ chương trình này trong năm 2022-2023 giúp tăng cường phục hồi, chữa lành các vết sẹo do đại dịch gây ra, đồng thời giúp tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Tuy nhiên, sự phục hồi của Việt Nam diễn ra không đồng đều. Kể từ khi nới lỏng các hạn chế, sự phục hồi kinh tế phần lớn được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng. Tăng trưởng trong Quý 4/2021 và Quý 1 năm 2022 ở mức khoảng 5% vẫn thấp hơn mức trước đại dịch do cầu trong nước và hoạt động dịch vụ còn yếu, mặc dù đang cải thiện trong thời gian gần đây.

Sự tham gia của lực lượng lao động và việc làm đang dần phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Trong khi tình trạng thiếu lao động hầu như đã được cải thiện nhiều, thì tình trạng thiếu việc làm vẫn ở mức cao.

IMF: Tăng trưởng Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023
Tình trạng thiếu việc làm vẫn ở mức cao

Mặc dù các biện pháp hỗ trợ chính sách đáng được hoan nghênh, song các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi bảng cân đối của các hộ gia đình có thu nhập cao hơn và các doanh nghiệp lớn hơn vẫn có khả năng chống chịu tốt, việc này có khả năng làm tăng thêm sự khác biệt giữa khu vực kinh tế trong nước và FDI, giữa các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, cũng như bất bình đẳng thu nhập.

TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE ĐỐI VỚI TRIỂN VỌNG KINH TẾ CỦA VIỆT NAM

IMF: Tăng trưởng Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023
Toàn cảnh sự kiện Diễn đàn

Đại diện IMF cũng nhận định một số tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam. Theo ông Francois Painchaud, tác động trực tiếp đến thương mại và tài chính là hạn chế, bởi Việt Nam chỉ có 1% tổng kim ngạch xuất khẩu ngoài dầu mỏ với Nga và chưa đến 1% tổng kim ngạch nhập khẩu ngoài dầu mỏ đến từ Nga; Nga chiếm chưa đến 1% nhập khẩu năng lượng của Việt Nam; Nga chiếm chưa đến 3% tổng dòng vốn FDI vào Việt Nam, chủ yếu vào ngành dầu khí…

Tuy nhiên, tác động rõ nhất và ngay lập tức của cuộc xung đột là giá hàng hóa tăng. Xung đột Nga-Ukraine có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát thông qua việc tăng giá các mặt hàng liên quan đến dầu mỏ, năng lượng và thực phẩm, cũng như tác động vòng hai đối với nhiều ngành công nghiệp hơn do chi phí vận tải và điện cao hơn.

Ngoài ra, theo IMF, tác động vòng hai do cầu trên toàn cầu chậm lại và gián đoạn các chuỗi cung ứng có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam. Cầu từ châu Âu chậm lại có thể tác động đáng kể đến thương mại của Việt Nam, vì đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (chiếm 13% trong năm 2021). Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian lớn nhất cho Việt Nam (chiếm 40%). Nguy cơ Trung Quốc và các nhà cung cấp châu Á khác bị ảnh hưởng bởi hậu quả của cuộc xung đột có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch, tăng chi phí vận chuyển và làm suy giảm thương mại.

CẦN NHỮNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ MẠNH MẼ

Tăng trưởng Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%.

Vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về phía tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về phía tăng lạm phát.

Trong ngắn hạn, rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát do cầu bên ngoài yếu hơn, giá hàng hóa cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài. Tăng trưởng chậm lại đáng kể ở Trung Quốc có thể làm điều này nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, còn các rủi ro khác liên quan đến những biến thể của Covid-19, việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước…

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn và những rủi ro làm suy giảm tăng trưởng còn hiện hữu, cần có hỗ trợ chính sách để giúp đảm bảo phục hồi mạnh mẽ.

Ông Francois Painchaud gợi ý, trong ngắn hạn, Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Nếu rủi ro tăng trưởng chậm lại trở thành hiện thực khi Việt Nam phải đối phó với áp lực lạm phát, chính sách tài khóa nên đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên mà không cần đến sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ.

“Cho đến nay, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ một cách thích hợp nhưng cần phải ngày càng cảnh giác với rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát kéo dài xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ của mình và truyền thông rõ ràng những biện pháp giúp kiềm chế lạm phát”, đại diện IMF đề xuất.

Đồng thời, cần tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng để hỗ trợ cho tăng trưởng trong trung hạn một cách bền vững. Không nên gia hạn quy định cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ sau tháng tháng 6 năm 2022, vì sẽ trì hoãn việc ghi nhận các tài sản có vấn đề và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ sai tín dụng và chấp nhận rủi ro quá mức. Cần tăng cường quản lý và giám sát tài chính để đối phó với những rủi ro mới nổi và xây dựng một hệ thống ngân hàng linh hoạt hơn. Khuôn khổ an toàn vĩ mô có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bảo vệ sự ổn định tài chính.

Khi kinh tế phục hồi vững chắc, cần chú trọng việc đạt được tăng trưởng bền vững, bao trùm. Theo đó, cần tăng cường huy động nguồn thu ngân sách để xây dựng lại các đệm tài khóa và tài trợ cho cải thiện an sinh xã hội, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đối phó với áp lực già hóa dân số. Cần chuyển những kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ về thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thành hành động, bao gồm cả tính toán chi phí cho những kế hoach này trong ngân sách.

Đồng thời, hiện đại hóa hơn nữa khuôn khổ chính sách tiền tệ để tăng cường hiệu quả của chính sách lãi suất. Những quy định về lãi suất huy động và cho vay nên được nới lỏng để cải thiện việc xác định lãi suất tiền gửi và cho vay dựa trên thị trường và cải thiện phân bổ tín dụng. Cần bỏ dần mức trần tăng trưởng tín dụng tổng thể và trần đối với từng tổ chức tín dụng. Việc này cùng với sự linh hoạt hơn về tỷ giá hối đoái theo hai chiều sẽ cải thiện phân bổ tín dụng và củng cố cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ.

Nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng cũng là một việc làm cần thiết. Việc áp dụng Basel II là chìa khóa để nâng cao năng lực quản lý rủi ro và khả năng xử lý thua lỗ. Có thể cần phải tăng vốn cho các ngân hàhn do chất lượng tài sản giảm sút kể từ đầu đại dịch. Để tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch tăng vốn, cần cân nhắc các đợt phát hành vốn cổ phần, bao gồm cả nâng giới hạn sở hữu nước ngoài và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các Ngân hàng Thương mại nhà nước.

Ngoài ra, cần cải cách cơ cấu một cách quyết liệt để đạt được khát vọng của chính phủ về tăng trưởng bền vững, bao trùm. Cần cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo một sân chơi bình đẳng trong việc tiếp cận tài chính và đất đai, đồng thời giảm bớt gánh nặng pháp lý, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp non trẻ. Cần có những nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng lực lượng lao động và giảm tình trạng không đạt yêu cầu về kỹ năng lao động./.

Kỷ yếu Diễn đàn truy cập tại đây: