KCN sinh thái hướng đến mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam
Cầu cảng hàng lỏng KCN DEEP C- Một trong các KCN thí điểm của Dự án |
Lan tỏa mô hình KCN sinh thái trên phạm vi cả nước
Hội thảo trực tuyến “Giới thiệu mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam” có mục tiêu giới thiệu và cập nhật khung pháp lý về mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có 30 Ban Quản lý các KCN, khu kinh tế (KKT); 80 công ty Phát triển hạ tầng các KCN, KKT và các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư trong các KCN, KKT tại các tỉnh, thành phố phía Nam; đại diện các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội và các cơ quan báo chí, truyền thông ở trong và ngoài nước.
Ông Trần Quốc Trung-Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại Hội thảo trực tuyến |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Quốc Trung-Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã khẳng định vai trò mũi nhọn của các KCN, KKT trong phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được của các KCN, KKT trong 30 năm xây dựng và phát triển, các KCN, KKT cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục, trong đó ô nhiễm môi trường đang là một trong các thách thức lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi cần nhanh chóng có các giải pháp hữu hiệu để giải quyết trong thời gian sớm.
Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực. Trên cơ sở kết quả đạt được, mô hình, định hướng và cơ chế chính sách cho KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. |
Ông Quốc Trung cho biết, ở quy mô toàn cầu, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), hạ thấp tiêu chuẩn xã hội và môi trường không còn đem lại lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong các ngành công nghiệp. Do đó, các quốc gia sẽ chuyển đổi và định hướng phát triển bền vững các KCN thông qua mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung; hình thành cụm liên kết ngành (cluster) để tối ưu hóa yếu tố sản xuất và thị trường; kết hợp hài hòa, cân đối giữa khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn.
Ông Quốc Trung khẳng định, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" với mục tiêu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan, là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua với các KCN đã được thí điểm tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, và tiếp tục phát triển mạnh mô hình này Hải Phòng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến nhân rộng trên cả nước thời gian tới”- Vụ phó Quốc Trung nhấn mạnh.
Tăng cường nâng cao nhận thức cho các bên liên quan
ông Alessandro Flammini-Chuyên gia Dự án của UNIDO phát biểu tại Hội thảo trực tuyến |
Tại Hội thảo, ông Alessandro Flammini-Chuyên gia dự án của UNIDO và ông Dick Van Beers- Chuyên gia Quốc tế về KCN sinh thái đã phát biểu giới thiệu một số nội dung chính về tổng quan KCN sinh thái; các ví dụ điển hình về một số KCN sinh thái tiêu biểu trên thế giới.
Theo đó, KCN sinh thái là việc tạo ra các KCN hiệu quả hơn về tài nguyên và chi phí, có tính cạnh tranh cao hơn, hấp dẫn đầu tư hơn và có khả năng chống chịu rủi ro cao hơn.
Mô hình KCN sinh thái đích thực được xác định dựa trên các tiêu chí: Mô hình KCN sinh thái theo khung khổ quốc tế; Quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái; khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP); khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp.
Lợi ích của KCN sinh thái có liên quan đến 04 đối tượng chính: Các doanh nghiệp trong các KCN sinh thái; cộng đồng địa phương; môi trường xung quanh KCN sinh thái; cấp các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các Ban Quản lý KCN sinh thái.
Các cấu phần chính của KCN sinh thái bao gồm 05 cấu phần, bao gồm: Ban Quản lý và dịch vụ tại các KCN; Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn; Cộng sinh công nghiệp và cơ sở hạ tầng; Hiệp lực đô thị và lực lượng lao động xung quanh; Quy hoạch và phân vùng không gian.
Đánh giá KCN sinh thái và các cơ hội cho KCN sinh thái phát triển dựa trên các tiêu chí về: Đánh giá hiệu quả hoạt động của KCN theo khung khổ quốc tế về KCN sinh thái; xác định và ưu tiên các cơ hội về KCN sinh thái; kế hoạch hành động và thực hiện các cơ hội về KCN sinh thái; kết quả đánh giá KCN sinh thái ở Việt Nam và quốc tế.
Các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh, các mô hình KCN sinh thái đem lại lợi ích to lớn cho từng quốc gia, được thể hiện ở văn bản pháp luật trong nước để các doanh nghiệp tuân thủ và có điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thực tế.
Đối với các KCN truyền thống tại Việt Nam đang chuyển đổi sang KCN sinh thái (ví dụ như KCN DEEP C, KCN Hiệp Phước, KCN Trà Nóc…), để xác định chính xác và thực tế, Dự án sẽ điều chỉnh phương án chuyển đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, từ đó xây dựng cơ hội ưu tiên cho các KCN, xem xét tác động để triển khai kế hoạch thực hiện.
Ông Dick Van Beers- Chuyên gia quốc tế về KCN sinh tháiphát biểu tại Hội thảo trực tuyến |
“Việc chuyển đổi sang KCN sinh thái là cả một quá trình, cần làm từng bước một để có một kế hoạch hành động hiệu quả nhất” - Ông Dick Van Beers nhấn mạnh.
Về các nội dung liên quan đến cộng sinh công nghiệp, các chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái và UNIDO cho rằng, mục đích cụ thể của cộng sinh công nghiệp là tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty; cộng sinh giữa các công ty giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Đồng thời các chuyên gia dẫn chứng một số ví dụ KCN sinh thái điển hình trên thế giới đã làm tốt vai trò cộng sinh công nghiệp, đó là KCN Kwinana (Úc); KCN Map Ta Phut (Thái Lan); cộng sinh công nghiệp- đô thị ở Kalundborg (Đan Mạch), KCN Đông Âu Luân Đôn (Nam Phi)…
Rảo cản chính trong cộng sinh công nghiệp, theo các chuyên gia quốc tế đó là giữa các doanh nghiệp trong cùng một KCN không có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, không có sự trao đổi, chia sẻ và giao lưu với nhau. Vì vậy vai trò của các Ban Quản lý KCN là rất quan trọng, họ sẽ giúp các doanh nghiệp kết nối với nhau để tìm ra các mối quan hệ tương tác, cùng hiệp đồng cộng sinh công nghiệp.
Các chuyên gia cho biết, các KCN trên thế giới hình thành các Trung tâm KCN, từ đấy các Trung tâm này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư KCN chuyển đổi sang KCN sinh thái và cộng sinh công nghiệp.
Bà Nguyễn Trâm Anh- Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án phát biểu tại Hội thảo trực tuyến |
Giới thiệu về dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu", bà Nguyễn Trâm Anh- Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án đã giới thiệu tổng quan kết quả về quá trình triển khai Dự án ‘Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” và các hoạt động trong thời gian tới.
Theo đó, Dự án đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác của Dự án là các Bộ, ngành liên quan; chính quyền địa phương, Ban quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hồ Chí Minh; các KCN thí điểm lựa chọn là: KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Ngoài ra, Dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) và cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của Dự án. Kinh nghiệm thực hiện tại các KCN này sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng và phát triển mô hình KCN sinh thái trên cả nước.
Thời gian thực hiện của Dự án là 03 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023). Theo đó, mục tiêu của Dự án là cải thiện hiệu quả môi trường kinh tế, xã hội của các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận KCN sinh thái tại các KCN thí điểm được lựa chọn và nâng cao vai trò của các KCN sinh thái trong các chính sách về môi trường, công nghiệp và các ngành khác ở cấp quốc gia.
Bà Bùi Hồng Phương, chuyên gia UNIDO, Ban Quản lý Dự án phát biểu đánh giá về nhu cầu đào tạo KCN sinh thái tại Hội thảo trực tuyến |
Hiện nay Dự án đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các KCN trong khuôn khổ Dự án và thực hiện các giải pháp chuyển đổi KCN sinh thái thông qua đào tạo tập huấn, thực hiện giải pháp về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp; hỗ trợ tiếp cận các nguồn pháp tài chính cho việc chuyển đổi. Hoạt động đào tạo, tập huấn này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp trong Dự án mà còn lan tỏa đển các KCN ngoài Dự án để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với mô hình này, và dựa trên tình hình thực tế cuả doanh nghiệp mình để có thể áp dụng kỹ thuật vào thực tế sản xuất sạch hơn, qua đó tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, vật tư, kinh phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp.
Bà Trâm Anh cho biết thêm, khung quốc tế về phát triển KCN sinh thái theo hướng tuần hoàn dựa trên 04 trụ cột chính là: Chỉ số về quản lý KCN, phát triển kinh tế, xã hội môi trường. Hiện nay Dự án đang xây dựng bộ chỉ số về KCN sinh thái dựa trên 04 cấu phần này. Các bộ chỉ số này dựa trên 02 tiêu chí quan trọng là Nghị định 82 sửa đổi và khung quốc tế về KCN sinh thái. Bộ chỉ số này sau khi được xây dựng sẽ áp dụng tại các KCN tham gia dự án, Ban Quản lý dự kiến nếu áp dụng thành công bộ chỉ số này sẽ đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang quản lý đối với các KCN để thúc đẩy chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái. Dự án cũng đang nghiên cứu rà soát các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho các dự án chuyển đổi sang KCN sinh thái. Trong khuân khổ của Dự án, Ban Quản lý Dự án đã nghiên cứu rà soát ra các cơ chế cho vay từ các cơ chế quốc gia và quốc tế như: Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam, VDB, Quỹ môi trường địa phương, Quỹ Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, IFC, ADB, VB…
Đánh giá tiềm năng của các KCN chuyển đổi sang KCN sinh thái được áp dụng cho các KCN tham gia Dự án. Theo đó, Dự án đã xác định 03 KCN tiềm năng đang tham gia Dự án (KCN Amata, Hiệp Phước và Đình Vũ). Các KCN này sẽ được định kỳ đánh giá theo tiêu chí quy định của KCN sinh thái và khung quốc tế để đo lường mức độ chuyển đổi, mức độ hiệu quả của các doanh nghiệp và các KCN sau khi tham gia Dự án.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, các KCN sau khi tham gia vào Dự án, Ban Quản lý Dự án chủ yếu tập huấn các hoạt động về tăng cường nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hạ tầng và thứ cấp, cụ thể như cung cấp tài liệu, tổ chức các hội thảo về KCN sinh thái và định hướng chuyển đổi sang KCN sinh thái.
Hiện nay các KCN thí điểm chuyển đổi sang KCN sinh thái đang thực hiện hiệu quả mạng lưới cộng sinh công nghiệp và áp dụng các kỹ thuật để chuyển đổi sang KCN sinh thái, tập huấn tích cực về Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP), cộng sinh công nghiệp, an toàn hóa chất, phòng ngừa ứng phó với các sự cố môi trường…
Ông Võ Đình Hưng- Chuyên viên Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Điều phối viên Dự án |
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến, ông Võ Đình Hưng- Chuyên viên Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Điều phối viên Dự án cho biết khung pháp lý hỗ trợ chuyển đổi KCN sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn được quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP (tiêu chí KCN sinh thái, chính sách hỗ trợ phát triển KCN sinh thái...) và và sắp tới sẽ được tiếp tục sửa đổi, thay thế một số nội dung của Nghị định 82 về KCN sinh thái cũng như các tiêu chí chuyển đổi..Ngoài ra còn phụ thuộc vào các quy định của pháp luật liên quan đến tái sử dụng chất thải, cộng sinh công nghiệp, thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các KCN, KKT.
Kết thúc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Quốc Trung đã đánh giá cao chất lượng những thông tin Hội thảo đem lại cho các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp hạ tầng, từ đó có cơ sở để nghiên cứu, thí điểm và áp dụng cho việc chuyển đổi sang KCN sinh thái. Đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục gửi câu hỏi cho các chuyên gia KCN sinh thái, UBIDO, Ban Quản lý Dự án để trả lời, giải đáp những nội dung về KCN sinh thái. Qua đó Ban Quản lý Dự án sẽ nắm bắt được mối quan tâm và kỳ vọng chính của các Ban Quản lý các KCN, công ty phát triển hạ tầng KCN trong quá trình chuyển đổi KCN sinh thái để xây dựng các chương trình đào tạo tiếp theo./.
Bình luận