Kết cấu hạ tầng vùng Tây Bắc có những chuyển biển rõ rệt
Theo Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2010-2015 đã đầu tư hoàn thành khoảng 42 công trình, dự án đường bộ quan trọng, cấp bách phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung, trong đó có một số dự án quan trọng, như: cầu Cốc Lếu, cầu Phố Lu, cầu Ngọc Tháp, tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, nâng cấp các quốc lộ, như: Quốc lộ 4H đoạn Sipaphìn - Mường Nhé, Đường nối Quốc lộ 4C - Quốc lộ 4D đoạn Km190 - Km238... với tổng nguồn vốn huy động là 29.909,3 tỷ đồng; hoàn thành cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai với tổng số vốn huy động trong giai đoạn này là 3.372 tỷ đồng/tổng mức đầu tư 3.496 tỷ đồng, thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng, bảo đảm an toàn chạy tàu các tuyến đường sắt Đông Anh - Quán Triều; Kép - Lưu Xá; Kép - Hạ Long; hoàn thành thực hiện nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Tuyên Quang và cảng Việt Trì (sông Hồng) đạt 1,25 triệu tấn/năm với tổng số vốn huy động trong giai đoạn 2010-2015 là 100 tỷ đồng/tổng mức đầu tư 290,7 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và cứng hóa được khoảng 87.419 km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới và sửa chữa tổng số 1.609 cầu với tổng kinh phí đầu tư ước tính khoảng 43.642 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian từ năm 2010 đến hết tháng 06/2015, tổng khối lượng vận tải toàn Vùng đạt khoảng 404 triệu lượt khách và 506,5 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt 5,56%/năm đối với hành khách và 10,10%/năm đối với hàng hoá.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ dự kiến triển khai 19 dự án đường bộ với tổng mức đầu tư dự kiến là 47.948 tỷ đồng. Tiếp tục nghiên cứu, huy động các nguồn vốn để triển khai nâng cấp, xây dựng mới đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên theo quy hoạch được duyệt. Triển khai kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và có ngân sách nhà nước hỗ trợ 02 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 5.290 tỷ đồng, bao gồm: Nâng cấp tuyến sông Thao từ Việt Trì - Yên Bái và Yên Bái - Lào Cai. Triển khai 04 dự án xây dựng, nâng cấp, sửa chữa sân bay Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu và Lào Cai tiếp tục rà soát để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực vận tải. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Đề án, chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó, chú trọng triển khai quyết liệt việc Tái cơ cấu vận tải khu vực Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng và trong toàn ngành nói chung. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án kết nối các phương thức vận tải để giảm tải cho đường bộ nhằm đạt mục tiêu phải xây dựng được hành lang pháp lý minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, trong 5 năm tới, Bộ sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống đường kết nối giao thông các tỉnh với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tiếp tục thực hiện đề án xây dựng cầu treo dân sinh tại các xã miền núi cũng như thực hiện các dự án giao thông khác như kế hoạch đã đề ra bằng nhiều nguồn lực khác nhau.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành và các địa phương trong phát triển giao thông vận tải vùng Tây Bắc. Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới các địa phương cần chủ đông đưa ra danh mục các công trình giao thông cần đầu tư, từ đó chủ động chỉ đạo thực hiện đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục ưu tiên bố trí vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA để phát triển hạ tầng giao thông vùng, nhất là các tuyến huyết mạch, tuyến liên kết vùng. Đồng thời khai thác hiệu các phương thức vận tải trong vùng, phát triển số lượng, chủng loại phương tiện vận tải phù hợp với mục tiêu, điều kiện thực tiễn, cũng như quy hoạch mạng lưới bến xe liên tỉnh một cách phù hợp.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải bình đẳng, minh bạch , tiếp tục phát huy mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng và phát triển giao thông nông thôn, vận động nhân dân tham gia bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn giao thông./.
Bình luận