Khám phá đèo Ngoạn Mục - Đường đèo đẹp nhất Việt Nam
Trải qua nhiều thăng trầm từ những năm cuối thế kỷ 18, song đèo Ngoạn Mục vẫn giữ được cho mình nét đẹp thiên nhiên hoang dã của cỏ cây, mềm mại của những đường cong độc đáo.
Ngoạn Mục là con đường được hình thành trong vất vả, giữa lam sơn chướng khí và sự rình rập của thú dữ. Năm 1893, Yersin phát hiện ra Đà Lạt, thì bốn năm sau, trong kế hoạch xây dựng thành phố này, viên Toàn quyền Doumer đã phái một đoàn lên nghiên cứu thực địa, lập bản đồ mở tuyến đường từ Phan Rang lên Đà Lạt. Lộ trình ấy phác thảo một hướng đường bộ, tức đèo Ngoạn Mục ngày nay. Men theo những sườn núi dựng đứng nối thung lũng Krong Pha với cao nguyên Lang Biang, Đèo Ngoạn Mục đã mang trong mình nhiều huyền thoại gắn với cuộc hành trình khai mở thành phố Đà Lạt.
Với chiều dài 18,5 km từ độ cao 200 m ở điểm thấp nhất lên tới 980 m ở đỉnh, có độ dốc trung bình trên 9 độ, Ngoạn Mục là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam.
Nếu xuôi theo chiều từ Đà Lạt về Phan Rang thì đỉnh đèo Ngoạn Mục nằm ngay ở chặng đầu tiên, tiếp sau đó là 4 khúc cua “tay áo” rất gấp. Với địa thế khá hiểm trở, Đèo Ngoạn Mục trở thành đoạn đường thú vị cho một tour chinh phục bằng xe đạp, xe gắn máy trên đường từ phố núi Tây Nguyên về duyên hải miền Trung. Để lên tới đỉnh đèo cao 980 m, bạn dường như bị bất ngờ đối diện với con dốc ngược sau nhiều giờ vượt đường đèo thoai thoải.
Đứng trên đỉnh đèo, thu vào tầm mắt của du khách là bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ thấm đẫm chất thơ và tràn đầy nhựa sống. Đó màu xanh ngút ngàn của rừng cây hoa lá, thấp thoáng những con đường uốn lượn chạy quanh lưng núi tạo nét uyển chuyển, dịu dàng cho con đèo Ngoạn Mục.
Du khảo, khám phá đèo Ngoạn Mục, du khách còn được chiêm ngưỡng một công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam-Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 27-2-1962, đến tháng 12-1964, toàn bộ công trình được đưa vào sử dụng, với công suất 160 MW. Đến đây, bạn sẽ được mục sở thị hai ống nước màu trắng từ trên đỉnh núi đưa xuống. Đó là hai ống thủy áp dài hơn 2.000 m xuyên qua lòng núi nằm ngay dưới dãy đèo Ngoạn Mục, giúp đưa nước từ hồ Đa Nhim về đến nhà máy thủy điện ở chân đèo Sông Pha.
Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con đường đèo dốc lớn nhất miền Nam còn ấn tượng bởi sự thay đổi ngoạn mục của tiết trời. Nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng ven biển nam Trung Bộ và cao nguyên Đà Lạt, đèo Ngoạn Mục mang trong mình nhiều trạng thái khí hậu khác nhau. Nếu đi từ dưới lên, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi sương mây mù mịt. Nhưng khi đến lưng chừng thì bầu không khí trong lành mát dịu sẽ làm căng đầy lồng ngực bạn. Tới khi đến đỉnh bạn sẽ có cảm giác như với tay đến nắng mà vẫn mát rượi gió ngàn thu.
Nhưng nhiều lúc không khí đèo Ngoạn Mục cũng tỏ ra đỏng đảnh. Khi thì gắt gỏng nắng nóng như thời tiết đặc trưng của mảnh đất Ninh Thuận quanh năm nắng gió, khi lại đột ngột chuyển trời với những đợt gió lạnh cao nguyên giá buốt. Sự thay đổi này thường xuất hiện ở những khúc cua tay áo và điển hình nhất ở điểm phân định tại Eo Gió trên đèo. Chỉ gần 20 km đường đèo Ngoạn Mục, bạn sẽ được trải nghiệm hết 4 mùa đất nước trải dọc từ Bắc đến Nam.
Trong những năm trở lại đây, không riêng gì tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Lâm Đồng cũng đã kêu gọi, đầu tư và hình thành những loại hình du lịch lữ hành, khám phá như leo núi, cắm trại, dã ngoại, xây dựng các khu nhà nghỉ, khu văn hóa dân tộc, khu nuôi động vật bán hoang dã hay các khu vui chơi mạo hiểm gắn với suối- thác, thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia. Đèo Ngoạn Mục đang trở thành một điểm đến của du khách thập phương.
Một số hình ảnh đường đèo Ngoạn Mục
Bình luận