Cần thiết ban hành cơ chế

Tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, các quy định về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu gọi tắt là quy định GloBE được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2024.

Không áp thuế tối thiểu, vừa thất thu thuế, vừa làm mất dòng đầu tư vào Việt Nam
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, hiện nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024

Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế thuế tối thiểu toàn, thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%.

“Vì vậy, để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí cần ban hành văn bản pháp lý để tạo cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của GloBE có thể kê khai nộp thuế TNDN bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam.”, ông Mạnh nói.

Thảo luận nội dung này, các ý kiến đồng tình cao với Tờ tình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Có ý kiến lưu ý việc ban hành Nghị quyết cần giữ ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam, vì các doanh nghiệp đang được hưởng chính sách thuế thấp hơn 15%. Vì vậy, cần có chính sách bù trừ vào khoản thuế này, để không làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang và sẽ đầu tư ở Việt Nam.

Đa số ý kiến tại Phiên họp cũng thống nhất với Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 theo quy trình thủ tục rút gọn trong một kỳ họp, bởi các nội dung dự thảo Nghị quyết tương đối rõ, bảo đảm các quy định cụ thể và chi tiết.

Nhất trí ban hành nghị quyết theo thủ tục rút gọn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, nhằm thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam đối với thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD có chủ tương; nếu không đánh thuế với những đối tượng doanh nghiệp theo quy định của OECD sẽ làm mất quyền của mình. Khi đó các doanh nghiệp sẽ nộp về công ty mẹ, nơi đặt trụ sở chính, như vậy vừa thất thu thuế, vừa làm mất dòng đầu tư vào Việt Nam.

Không áp thuế tối thiểu, vừa thất thu thuế, vừa làm mất dòng đầu tư vào Việt Nam
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết, đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan liên quan, người dân, doanh nghiệp và sẽ xin ý kiến của UBTVQH trước khi ban hành (dự kiến tháng 12/2023)

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, UBTVQH thống nhất thẩm quyền ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, giao Chính phủ tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra; bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá quy trình triển khai theo trình tự thủ tục rút gọn trong một kỳ họp…/.