Đó là những chia sẻ rất chân tình nhưng cũng rất cương quyết của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại cuộc gặp mặt báo chí và chia sẻ tầm nhìn diễn ra sáng 12/2/2018.

Toàn cảnh cuộc gặp mặt/ Ảnh: Minh Trang

Vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày càng quan trọng và rõ nét

PGS, TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, tại Đại hội Đảng 12 năm 2016, trong đường lối có 5 báo cáo của 5 tiểu ban, trong đó có báo cáo chính trị và báo cáo phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng nhất, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 1 trong bộ ngành được giao tham gia làm 2 báo cáo này.

“Thời gian tới, Đại hội Đảng 13 sẽ có tổng kết 10 năm chiến lược 2011-2020 và xây dựng Chiến lược 2021-2030, thì Bộ tiếp tục được giao thực hiện các báo cáo này trên cơ sở nghiên cứu cơ sở khoa học”, ông Thắng cho biết.

Bên cạnh đó, song hành với hệ thống văn bản chính thức tại Đại hội Đảng lần thứ 12, năm 2016 có dấu ấn đặc biệt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của WB, đã nghiên cứu thành công Báo cáo Việt Nam 2035. Nhiều tư tưởng của báo cáo đã được sử dụng trong tư tưởng của Đại hội.

Cụ thể, Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ rõ: Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Trước đó, chúng ta đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, thì nước công nghiệp chí ít cũng thành nước có thu nhập trung bình cao, trong khi khoảng cách của ta đến đó còn xa. Vì vậy không nên đặt mục tiêu đến 2020, mà chỉ ghi sớm trở thành nước công nghiệp, tương thích với bao cáo 2035, khoảng 10.000 USD (Chuẩn chung các nước OECD là 12.000 USD trở lên).

“Cương lĩnh sửa đổi 2011 thì giữa thế kỷ này nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. Dự tính thì khoảng 2040 Việt Nam sẽ đạt được, thích hợp với tư duy cương linh của Đảng”, PGS, TS. Bùi Tất Thắng nói.

Một điểm quan trọng nữa là trong 2035, nhấn mạnh tư tưởng về phát triển bền vững. Chính với tư tưởng này, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động, và đưa tư tưởng này vào chính sách.

Cùng với những tư tưởng phát triển bền vững của PGS, TS. Bùi Tất Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch ông Vũ Quang Các cũng cho biết, nhiều tư tưởng mới, đột phá đã được đưa vào trong quá trình làm Luật Quy hoạch.

Ông Các cho biết, có nhiều thách thức khi Luật này được thông qua. Đó là áp lực về thời gian ngắn, trước khi Luật được làm, thì có 5 năm để làm quy hoạch, nhưng 2017 mới được thông qua. Như vậy, chỉ còn 3 năm để làm lại quy hoạch.

Thách thức lớn khi làm lại quy hoạch cho 39 ngành, 63 tỉnh thành cho 2021-2030 và các quy hoạch biển… với phương pháp quy hoạch có sự thay đổi.

Để khắc phục các khó khăn, thách thức, ông Các cho rằng, cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, bộ ngành, đến các địa phương đơn vị về quy hoạch và định hướng nhiệm vụ phát triển cho 2021-2030. Thời gian nghiên cứu ngắn, nhưng lại phát triển cho giai đoạn dài.

“Luật mới tạo ra sân chơi chung, cơ chế phối hợp chung, cùng ngồi nhìn 1 hướng. đòi hỏi sự phối hợp với quyết tâm cao. Chúng tôi cho rằng 2018-2020 có thể là những năm tập trung vào công tác chỉ đạo xây dựng quy hoạch cho 2021”, ông Các đề xuất.

Dòng tư duy cải cách, đột phát trong tư vấn định hướng xây dựng cơ chế, chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn thể hiện qua dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật đặc khu).

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng vụ quản lý các khu kinh tế cho biết, xây dựng luật với mong muốn tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút, cạnh tranh với nước ngoài trong khi đang hội nhập sâu rộng với 20 FTA, mở khá nhiều, điều kiện kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Đông cũng cho biết, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu thì đa số đều đánh giá cao 3 nội dung: cơ chế chính sách KTXH; Tổ chức chính quyền địa phương, đảm bảo bộ máy đổi mới và lựa chọn trưởng đặc khu và các cơ quan chuyển môn, đảm bảo tinh gọn, giải quyết nhanh chóng yêu câu của doanh nghiệp, ng dân. Trao 126 thảm quyền cho trưởng đặc khu, cơ chế giám sát để tránh lạm quyền của trưởng đặc khu; Và cuối cùng là ngay cả cơ quan tư pháp cũng có đổi mới, Giải quyết tranh chấp đc phân quyền cho toà án tương đưỡng cấp huyện nhưng lq tới giải quyết dân sự, thương mại… đều phân quyền cho đặc khu thông qua thẩm phán cao cấp để xử lý.

Về đầu tư công, một mảng nội dung lớn trong công tác quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng vụ tổng hợp kinh tế quốc dân, cho biết, 2017 là năm vất vả của đầu tư công. Vì thực hiện đồng thời nhiều việc vì vừa kế hoạch trung hạn, hàng năm và định hướng hướng dẫn các bộ ngành địa phương thực hiện cái mới.

Cụ thể, công tác phối hợp với bộ ngành địa phương tổng hợp và giao kế hoạch đã đc cải thiện. thời gian tổng hợp và giao kế hoạch rút ngắn. Năm 2017, Trung tâm Tin học của Bộ đã có sự nỗ lực lớn, xây dựng hệ thống quản lý đầu tư công để hướng tới công khai minh bạch. Tuy nhiên, hệ thống mới chỉ sử dụng trong bộ phận, cơ quan trực tiếp liên quan, chưa thể công bố công khai. Trong đánh giá dài hạn, 1 trong nguy cơ là tấn công mạng.

Về thể chế đầu tư công, ông Phương cũng cho biết, đã có sự đổi mới và hoàn thiện. Bộ trình Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 136, 77 và 161. Bộ đã tham mưu sửa đổi điều khoản với định hướng tháo gỡ khó khăn, nhưng quản lý chặt chẽ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ quyết tâm đi đầu trong công tác đổi mới, cải cách/ Ảnh: Minh Trang

Bộ sẽ tích cực đổi mới hơn nữa ngay trong bản thân nội bộ ngành

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả tích cực của năm 2017 đã là minh chứng thực tiễn nhất cho thấy những chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, đang đi vào cuộc sống và sẽ còn tốt hơn nữa trong năm 2018.

Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo thời cơ thuận lợi hơn nữa trên bình diện bối cảnh quốc tế, cho phép Việt nam có thể tiếp cận, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đây là những điều kiện thuận lợi và là thời cơ vận mệnh hiếm có để năm bản lề 2018 tăng tốc, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và tạo tiền đề thuận lợi cho thực hiện Chiến lược phát triển 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.

Trong tiến trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ trong việc xây dựng các sách lược quan trọng cho chiến lược phát triển của đất nước sẽ quyết tâm đi đầu trong công tác đổi mới, cải cách để nâng cao vị thế, uy tín, cũng như hoàn thành được trọng trách, nhiệm vụ to lớn được Chính phủ giao phó.

Cùng với việc đổi mới công tác quản lý đầu tư công, phối hợp với các bộ ngành cơ quan hữu quan khắc phục các tồn tại cố hữu trong quản lý các dự án đầu tư công, đặc biệt là rà soát các dự án đầu tư trọng điểm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước để nâng cao hiệu quả đầu tư, các dự án công trình hạ tầng trọng điểm, như cảng hàng không.

Bộ cũng sẽ đồng thời cùng nỗ lực rà soát tìm giải pháp khắc phục các khó khăn, gỡ bỏ các vướng mắc và rào cản trong chính sách thu hút đầu tư theo hình thức đầu tư công - tư (PPP), rà soát thực hiện các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT để rút ra những bài học kinh nghiệm, có sai thì sửa theo hướng tiếp thu, cầu thị để tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư của xã hội tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bất cứ đổi mới và cải cách nào đương nhiên cũng sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, ta cần vượt qua được các lợi ích cục bộ để hướng tới cái chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là cơ quan có bản lĩnh nắm chắc nói đúng, thuyết phục và bảo vệ cái đúng, thì dù có áp lực mấy cũng sẽ thuyết phục được dư luận để làm được.

- Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục tập trung đổi mới cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tích cực tham gia thúc đẩy tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế luật pháp, cải tổ công tác và phương pháp kế hoạch hóa, thống kê, đổi mới công tác phân bổ vốn đầu tư công theo hướng phân cấp mạnh về các bộ ngành địa phương, đặc biệt chú trọng đổi mới nội bộ ngành theo hướng giảm phân bổ xin cho, chuyển dần công việc sự vụ sang tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách mang tính chiến lược để tham mưu cho Đảng, Chính phủ xây dựng và ban hành các quyết sách ở tầm vĩ mô mang tính chiến lược cho hoạch định xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quy mô tầm cỡ quốc gia.

Đây cũng là sự thể hiện tinh thần dũng cảm, vượt lên chính bản thân mình, từ bỏ những lợi ích cục bộ ngành để vì lợi ích chung của đất nước.

Phải thường xuyên nỗ lực đổi mới cải tổ trong nội bộ ngành

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là một hành trình hết sức gian khó, bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ tập hợp đa ngành liên quan nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau.

Không chỉ đảm nhận việc chấp bút, soạn thảo phần lớn các nghị quyết, chính sách của Chính phủ, mà Bộ còn là cơ quan được giao những nhiệm vụ vừa khó vừa mới, do đó, thường xuyên chịu áp lực rất lớn là toàn làm điều mới, là những cái hay đụng chạm tới lợi ích, quyền lợi của các đơn vị, cơ quan, bộ ngành, đồng thời dẫn tới thay đổi lề lối, thói quen, tập quán làm việc và tất nhiên là cả lợi ích, quyền lợi.

“Đây là công việc thực sự rất khó vì đụng chạm tới nhiều tầng nấc cơ quan bộ ngành và thậm chí là tới lề lối làm việc, lợi ích của từng cá nhân cán bộ công chức, song không vì thế mà Bộ ngại đụng chạm để làm chậm tiến trình cải cách. Bất cứ đổi mới và cải cách nào đương nhiên cũng sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, ta cần vượt qua được các lợi ích cục bộ để hướng tới cái chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là cơ quan có bản lĩnh nắm chắc nói đúng, thuyết phục và bảo vệ cái đúng, thì dù có áp lực mấy cũng sẽ thuyết phục được dư luận để làm được. Muốn vậy, bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ phải thường xuyên nỗ lực đổi mới cải tổ trong nội bộ ngành để đi đầu trong công tác cải cách”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Đặc biệt, nhấn mạnh sự kiện hết sức thời sự trong những ngày cuối năm Đinh Dậu này là việc chính thức thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vốn cũng là một trong những nỗ lực to lớn của Chính phủ, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ví đây như là một trong những minh chứng điển hình cho thấy làm cái gì mới cũng rất khó khăn, nhưng nếu quyết tâm làm đến cùng thì kết quả sẽ thực sự vượt trên mong đợi.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nếu như trước đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia phân bổ vốn cụ thể, và bị nghĩ là nắm “siêu quyền lực”, thì hiện nay Bộ đã không làm công việc này nữa.

Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ thực hiện các nhiệm vụ được giao, thông qua xây dựng các nguyên tắc và tiêu chí, phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả đúng hướng, báo cáo Chính phủ, Quốc hội thông qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ là đơn vị “gác cổng”, tổng hợp rà soát các tiêu chí, nếu đạt thì trình lên cấp trên.

Sau đó, căn cứ vào kế hoạch được duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện phân bổ nguồn lực theo thời gian (ví dụ 5 năm) tới các bộ, ngành, địa phương, theo nguyên tắc, tiêu chí đã có. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương xem xét thực tiễn để quyết định phân bổ đầu tư, dự án nào triển khai, sao cho hiệu quả.

Đến nay, để tránh việc gặp mặt họp hành nhiều nhưng hiệu quả thấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai tập trung theo 3 vùng, từng vùng trao đổi tình hình, tập trung vào những vướng mắc, khó khăn, tìm định hướng phối hợp với các địa phương, thời gian chỉ tốn 1 ngày.

“Tôi vẫn nói rõ với các cán bộ, chúng ta chỉ là người được giao làm nhiệm vụ và phải làm tròn, các đồng chí và tôi đều không có quyền đồng ý cho người này người kia. Rõ ràng từ bỏ công việc phân bổ vốn có thể ảnh hưởng lợi ích người nào đó, nhưng cái nào đúng vẫn cần phải làm để đạt hiệu quả chung", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu nhiều ví dụ về cải cách trong công tác kế hoạch hoá. Nếu như mọi năm, khoảng tháng 6-7, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hay lãnh đạo địa phương về gặp, trao đổi trực tiếp tình hình triển khai vốn trong năm và năm tiếp theo.

Đến nay, để tránh việc gặp mặt họp hành nhiều nhưng hiệu quả thấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai tập trung theo 3 vùng, từng vùng trao đổi tình hình, tập trung vào những vướng mắc, khó khăn, tìm định hướng phối hợp với các địa phương, thời gian chỉ tốn 1 ngày.

Không chỉ thay đổi về phương thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin. Riêng lĩnh vực quản lý vốn, trước đây làm thủ công bằng bảng tính Excel phải mất vài tháng để tổng hợp, xây dựng kế hoạch cho các bộ, ngành, địa phương, cán bộ phải làm ngày đêm để chỉnh sửa cập nhật, nhưng hiệu quả không cao. Đến nay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý bằng phần mềm, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí rất nhiều.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng cải cách theo hướng chuyên nghiệp hiệu quả, phát huy đúng vai trò của mình, để công việc hiệu quả hơn, qua đó sự đồng thuận cũng cao hơn.

“Tôi yêu cầu anh em cứ đúng mà làm, thẳng mà tiến, giờ anh em đã hiểu đó là con đường tất yếu để phát triển, phát huy đúng vai trò của cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược. Hãy nói ít, làm nhiều, đáp ứng tinh thần của Chính phủ kiến tạo, hành động”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói./.