Khu vực ngân hàng đã ổn định
Áp lực tỷ giá trong năm 2016
Theo đó, hiện tín dụng tăng khá, cơ cấu tín dụng chuyển động theo hướng tích cực. Cả năm 2015, tín dụng tăng 18% cao hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm (13%-15%). Trong đó, tín dụng trung và dài hạn tăng 31,4%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng ngắn hạn (7%).
Trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp tái cấu trúc mạnh mẽ sau giai đoạn khủng hoảng, cầu đối với nguồn vốn trung và dài hạn tăng cao để đáp ứng yêu cầu đầu tư dài hạn và đổi mới công nghệ. Chính sách lãi suất chênh lệch giữa đồng USD và VND đã phát huy tác dụng, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cả năm giảm -12,9% so với cùng kỳ 2014.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng được Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đánh giá đang ở mức tốt, hiệu quả kinh doanh phục hồi nhẹ. Tỷ lệ LDR của toàn hệ thống ở mức 80,9% (mức an toàn cao về thanh khoản). Thanh khoản đối với VND và ngoại tệ lần lượt ở mức 83,5% và 64,1%, ở giới hạn an toàn thanh khoản. Hiệu quả kinh doanh tuy còn thấp (do trích lập dự phòng rủi ro) nhưng đã phục hồi nhẹ so với năm 2014.
Riêng về thị trường ngoại hối, bước vào năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm, một chính sách tỷ giá linh hoạt nhằm đáp ứng tốt hơn các biến động khó lường của thị trường tiền tệ và thương mại quốc tế năm 2016. Tỷ giá biến động theo xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung khá tốt (như kiều hối), trong khi cầu ngoại tệ nhập khẩu giảm (do yếu tố mùa vụ).
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo áp lực lên tỷ giá trong năm 2016 là khá lớn do khả năng tăng giá của đồng USD khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc, trong khi đồng Nhân dân tệ nhiều khả năng tiếp tục phá giá để duy trì xuất khẩu và việc làm của nền kinh tế Trung Quốc.
Tăng trưởng có thể không cao như năm 2015
Cũng theo Báo cáo này, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết lạm phát hiện vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Tháng 1/2016, lạm phát ở mức 0,8% (so cùng kỳ), tăng nhẹ so với tháng trước. Lạm phát thấp do giá dầu và giá hàng hóa thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản cũng duy trì xu hướng giảm nhẹ kể từ quý 3/2015, còn 1,8% vào tháng 1/2016.
Đánh giá về tăng trưởng, cơ quan này cho rằng GDP năm 2015 đã tăng khá nhờ khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Chỉ số IIP của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6% (so với mức 8,7% của 2014), đây cũng là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011.
Cho rằng tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68% là khá tích cực, cao hơn nhiều so với mức kế hoạch đầu năm là 6,2%. Tuy nhiên, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho biết tăng trưởng ngắn hạn (thành phần tăng trưởng do yếu tố chu kì) đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại từ quý 4/2015.
Khu vực doanh nghiệp cũng có chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 tăng 26,6% về lượng và 39,1% về vốn (so với cùng kỳ 2014). Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng có diễn biến tích cực, đặc biệt vào nửa cuối năm 2015. Nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ ở mức 1,9%, thấp hơn nhiều so với giới hạn 5% theo kế hoạch.
Mặc dù năm 2015 đã qua đi với nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng bước sang năm 2016, dựa trên phương pháp phân rã tăng trưởng thành tăng trưởng dài hạn và tăng trưởng do yếu tố chu kì, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo năm 2016 mức cải thiện về tăng trưởng sẽ không cao như năm 2015./.
Bình luận