Chương trình đối thoại chính sách với chủ đề “Hướng tới một hệ thống bảo hiểm xã hội Dễ tiếp cận - Minh bạch - Bền vững” do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication) tổ chức đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, người dân.

Những rào cản

Hệ thống an sinh xã hội Việt Nam có 4 trụ cột là: Việc làm, đảm bảo thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội cho các nhóm đặc thù; dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng được coi là xương sống của hệ thống an sinh xã hội và ảnh hưởng lướn đến đời sống của người lao động và nhân dân.

Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay Việt Nam đang thực hiện 7 chế độ bảo hiểm là: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, y tế, hưu trí và tử tuất. Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng với người lao động thuộc khu vực công, thực hiện 5 chế độ là: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; nhưng bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ thực hiện ở hai chế độ là hưu trí và tử tuất.

Lao động phi chính thức sẽ tham gia trong sân chơi tự nguyện, với mức đóng thường cao hơn mức lương cơ sở. Ví dụ như, năm 2010, mức lương cơ sở là 730.000 đồng thì mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 992.000 đồng; năm 2011 mức lương cơ sở là 830.000 đồng, thì mức đóng là hơn 1.150.000 đồng; năm 2015 mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng, mức đóng tương ứng là hơn 1.300.000 đồng.

Theo khảo sát của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT), có tới 91% người bán hàng rong chưa từng biết đến các quy định của Bộ luật Lao động và 91,45% chưa biết đến bảo hiểm xã hội.

Cũng có nhiều chia sẻ về vấn đề tham gia bảo hiểm của lao động phi chính thức, PGS, TS. Lê Thị Hoài Thu - chuyên gia trong lĩnh vực lao động và an sinh xã hội cho rằng, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ thực hiện với hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi đó bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện với 5 chế độ. Quy định này vô tình đã trở thành rào cản khiến người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức ít tham gia vào loại hình bảo hiểm xã hội này, nhất là lao động nữ.

“Mức đóng mà người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định là 22% so với bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng là người lao động lại cao hơn 14%. Trong khi đó họ lại chỉ được hưởng hai chế độ dài hạn” – bà Thu phân tích.

Trên thực tế, lao động ở lĩnh vực phi chính phủ thường có việc làm bấp bênh, không ổn định, khó tiếp cận với các chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội nói riêng. Thu nhập của đa số lao động phi chính thức ở mức thấp, thiếu ổn định, phải ưu tiên trang trải cho các khoản “cơm áo gạo tiền” nên chưa quan tâm đến bảo hiểm xã hội.

Đại diện một lao động phi chính thức tại Hà Nội nói lên mong muốn tiếp cận chính sách và tham gia bảo hiểm xã hội

Nói sâu hơn về chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, bà Thu cho rằng, nếu người lao động chỉ đóng bằng mức thấp nhất hoặc trên mức thấp nhất, thì sau này nhận được mức hưởng hưu trí là rất thấp. Hiện nay Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 chưa quy định cụ thể trong việc Nhà nước hỗ trợ đối tượng hưởng hưu trí tự nguyện, trong khi đó, những người hưởng hưu trí bắt buộc thì mức lương hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện để hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở.

“Điều này dẫn đến sự không công bằng trong hưởng thụ giữa hai đối tượng” - bà Thu nhận định.

Đó là chưa kể, với chính sách kéo dài 20 năm đóng bảo hiểm, những người lao động ở khu vực phi chính thức sẽ lựa chọn cần tuổi già trước hay cần cuộc sống trước mắt hơn.

Nhìn ở góc độ kinh tế, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, năm 2014, có 48% người già không có lương hưu và tỷ lệ này đang có xu hướng tăng. Trong khi đó, hiện nay lao động phi chính thức chiếm 63% trong tổng lực lượng lao động, đóng góp 32% GDP, 70% số giờ lao động. Có thể thấy, họ có đóng góp nhiều nhưng về già lại không được nhận khoản hưu trí thì quá thiệt thòi.

“Hơn nữa, Nhà nước quy định từ 80 tuổi, người dân sẽ được hưởng hưu trí xã hội, nhưng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 75 tuổi, nên số lượng hưởng là rất ít. Có thể thấy bảo hiểm xã hội mới chỉ tiếp cận được đến đối tượng là những người khá giả, còn lao động phi chính thức là những người nghèo, cận nghèo thì chưa tiếp cận được đến nơi” – Bà Quỳnh nhấn mạnh.

Minh bạch là giải pháp tháo gỡ nút thắt?

Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Nga cho rằng, để thu hút người lao động, đặc biệt là lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội, Nhà nước cần khéo léo trong thiết kế hệ thống an sinh xã hội, tương quan với các chính sách bảo trợ xã hội cho người cao tuổi (chương trình không đóng góp). Bên cạnh đó là có sự linh hoạt trong mức đóng, phương thức đóng.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nói đến những kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Quang A tổng kết, để bảo hiểm xã hội Việt Nam phát triển, nên có 8 tiêu chí, là: chủ quyền cá nhân, đoàn kết, cạnh tranh, khuyến khích hiệu quả, vai trò mới của Nhà nước, minh bạch, hài hòa với tăng trưởng kinh tế, tài trợ có thể duy trì được. Trong đó, minh bạch là yếu tố quan trọng nhất để thu hút được đông lao động tham gia.

“Ở Singapore, tham gia bảo hiểm xã hội mỗi người sẽ có một tài khoản riêng, quyền tự chủ cao, mọi biến động hay giao dịch sẽ trong tài khoản cá nhân nên người dân sẽ được biết rõ” – ông Quang A dẫn chứng.

Ông Bùi Trinh – chuyên gia độc lập chia sẻ, các báo cáo đầu tư bảo hiểm chưa được công khai, rõ ràng. Trong đó, có phần cho ngân sách vay, đầu tư vào ngân hàng thương mại và các khoản khác. Vậy cho ngân sách vay là có lãi không? Có trả không?... “Do vậy, người dân cần được biết những cái họ chi tiêu như thế nào, họ đầu tư thế nào”.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - TS. Nguyễn Thị Nguyệt Nga cho rằng, có một việc mà Việt Nam có thể làm ngay được dễ dàng là công khai, minh bạch tỷ lệ đầu tư, phân chia nguồn quỹ vào những đâu, tỷ lệ sinh lời của từng khoản. Đây là yêu cầu tối thiểu để tạo niềm tin cho người dân tham gia quỹ bảo hiểm xã hội./.