Khung phát triển của tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030 chính thức được phê duyệt
Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý mở ra cơ hội, thời kỳ phát triển mới cho tỉnh Thanh Hóa.
Một góc thành phố biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. |
Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra quan điểm phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Quan điểm là tỉnh Thanh Hóa sẽ tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Mục tiêu là đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ốn định trật tự an toàn xã hội.
Đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước; phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực; ngành nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản phẩm an toàn; hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh tương thích công dân thông minh.
Về kinh tế, Thanh Hóa phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên. Đến năm 2030, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên.
Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn về du lịch
Về du lịch, đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh; tập trung phát triển du lịch trên ba loại hình du lịch chính là du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
Trong đó, du lịch biển quy hoạch tập trung tại các huyện ven biển, trọng tâm là đô thị du lịch biển Sầm Sơn, khu du lịch Hải Tiến, Hoằng Trường (Hoằng Hóa), khu du lịch Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) và khu vực ven biển huyện Quảng Xương; phát triển các sản phẩm du lịch khám phá biển đảo tại khu vực đảo Hòn Nẹ và Hòn Mê; du lịch khám phá đáy biển và các loại hình dịch vụ du lịch kết hợp khác như nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo...
Phương hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bẳc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, có giá trị và có năng suất cao.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào các hoạt động nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và năng suất lao động.
Phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực cùng các hành lang kinh tế
Quy hoạch cũng đưa ra chi tiết phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia và phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh; Phương án phát triển nguồn điện và mạng lưới cấp điện; Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông; Phương án phát triển hạ tầng thương mại; Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước; Phương án phát triển các khu xử lý chất thải; Phương án phát triển hạ tầng xã hội…
Về nhiệm vụ phát triển không gian lãnh thổ, Quy hoạch đề ra Phương án quy hoạch xây dựng 5 vùng liên huyện và phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực cùng các hành lang kinh tế.
Quy hoạch cũng đưa ra phương án phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với mục tiêu đến năm 2030, quy hoạch, sắp xếp, bố trí 100% hộ dân đang sinh sống trong vùng ảnh hưởng bởi thiên tai và những hộ dân sống rải rác, dân di cư tự do trên địa bàn các huyện miền núi. Rà soát, bố trí các quỹ đất để giao đất cho các hộ chưa có đất sản xuất, thiếu đất sản xuất và các hộ không có đất ở, thiếu đất ở.
Về phương án phát triển đô thị, đến năm 2025 toàn tỉnh có 47 đô thị các loại, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 43 đô thị loại V. Đến năm 2030 có 47 đô thị, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 4 đô thị loại IV; thành lập mới 3 thị xã gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương; 40 đô thị loại V. Phương án tổ chức lãnh thổ nông thôn được gắn với quá trình đô thị hóa của tỉnh và đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Phương án tổ chức không gian phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Tập trung phát triển khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Giai đoạn sau năm 2030 phát triển cửa khẩu quốc tế Na Mèo thành khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo. Tiếp tục thực hiện 8 khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt với tổng diện tích 1.424,2 ha. Phát triển mới 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.281,5 ha. Sau năm 2030 phát triển mới thêm 2 khu công nghiệp với diện tích 872 ha. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267,25 ha. Giai đoạn sau năm 2030 gồm 126 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.893,65 ha.
Quy hoạch cũng phân bố không gian phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, truyền thống canh tác, chăn nuôi. Đồng thời đề ra phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai./.
Bình luận