Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững đến năm 2030
Hôm nay (ngày 22/2), Hội đồng thẩm định tiến hành tổ chức phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Phiên họp thứ 26 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
Đồng Tháp vẫn còn một số điểm nghẽn cản trở sự phát triển
Tỉnh Đồng Tháp nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Công, phía Tây Bắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là tỉnh đầu nguồn khi vào Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu. Phía Bắc có hơn 50km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Long An và Tiền Giang, phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Tây giáp tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ.
Tỉnh Đồng Tháp nằm ở vị trí bản lề giữa hành lang kinh tế sông Mê Công và hành lang kinh tế TP. HCM - Cần Thơ - Cà Mau, là một trong bốn trọng điểm quan trọng của “Tứ giác huyền diệu” - vùng động lực trung tâm của ĐBSCL, đặc biệt trong các lĩnh vực dự trữ nước ngọt và bảo tồn sinh quyển quốc gia.
Với vị thế địa kinh tế chiến lược nói trên, trong thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng lợi thế và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội: Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, năm 2022 đạt gần 100.000 tỷ đồng, xếp vào hàng khá của khu vực ĐBSCL.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2011 - 2020 đạt 5,95%/năm, riêng năm 2022 đạt mức tăng trưởng 8,62%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng hàng đầu cả nước.
Đồng Tháp có sản lượng gạo thứ 3 trong 13 tỉnh của vùng, đồng thời đứng thứ 2 toàn vùng về sản lượng công nghiệp chế biến cá.
Môi trường đầu tư, kinh doanh của Tỉnh ngày càng được cải thiện, với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc vinh dự là hai trong tổng số 5 thành phố duy nhất của cả nước được UNESCO công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”. Nhiều sự kiện, lễ hội được tổ chức, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, thúc đẩy hoạt động du lịch phục hồi sau đại dịch, quảng bá hình ảnh địa phương như: Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL, Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài...
Năm 2022, với quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, kinh tế của tỉnh Đồng Tháp đạt mức tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng. Mức tăng trưởng ước cả năm 2022 đạt 9,11% so với kế hoạch 7,0%; quy mô kinh tế đạt 100.171 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 62 triệu đồng (tương đương 2.675 USD).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đồng Tháp vẫn còn một số điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Tỉnh, cụ thể như: Tư duy kinh tế của đại bộ phận dân cư vẫn lấy tăng trưởng theo chiều rộng là nền tảng, sức lao động là chủ yếu, dẫn đến hiệu quả thấp, chưa chuyển đổi được tư duy kinh tế thị trường, phát huy được giá trị gia tăng theo chiều sâu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô; cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển…
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức lập quy hoạch, phối hợp cùng Liên danh tư vấn tổ chức tham vấn nhiều chủ thể ở nhiều cấp độ khác nhau. Ảnh: Đức Trung |
Đồng Tháp cần xây dựng một bản quy hoạch có chất lượng
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác quy hoạch là cơ hội tốt để sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho Tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Thứ trưởng chỉ rõ, Đồng Tháp cần xây dựng một bản quy hoạch có chất lượng, trong đó đưa ra được các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện để tạo động lực phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng.
Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhận thức được những tồn tại, hạn chế trên, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg, ngày 05/8/2020, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức lập quy hoạch, phối hợp cùng Liên danh tư vấn tổ chức tham vấn nhiều chủ thể ở nhiều cấp độ khác nhau từ các bộ, ngành Trung ương đến Hội đồng điều phối Vùng, 12 tỉnh ĐBSCL.
"Đến thời điểm hiện tại, Tỉnh đã thực hiện đầy đủ các quy trình, báo cáo, hội thảo, xin ý kiến các cấp, đồng thời hoàn thiện dự thảo quy hoạch cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP", ông Nghĩa cho biết.
Ông Nghĩa cho biết, sự giàu có của tỉnh Đồng Tháp có được chính là nhờ vào sự hiện diện của những nguồn tài nguyên quý giá: Thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học, nền kinh tế nông nghiệp giàu truyền thống và cuối cùng là một lãnh thổ hấp dẫn cho du lịch sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao.
Lãnh đạo UBND Tỉnh cũng khẳng định, Đồng Tháp ít bị ảnh hưởng bởi quá trình công nghiệp hóa sơ khai và ô nhiễm ở giai đoạn trước, đồng thời cũng là Tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và các rủi ro của biến đổi khí hậu. Hay nói cách khác, dường như mọi dư địa của quá khứ đều đã sẵn sàng để đón những cơ hội mới".
“Chúng tôi không xem tài nguyên là vấn đề cốt lõi trong phát triển, mà coi yếu tố con người là vấn đề quan trọng nhất. Bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển hài hòa, lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển”, ông Nghĩa cho hay.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
Lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển
Cũng tại Hội nghị, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững đến năm 2030. Nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển Tỉnh dựa trên chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Xem công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là các mũi đột phá, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bổ trợ (doanh nghiệp, khởi nghiệp, nông dân...) giúp Đồng Tháp chuyển mình từ một tỉnh di cư sang một tỉnh định cư, trở thành một điểm đến của chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp bền vững toàn cầu. Phát huy hiệu quả của chuỗi giá trị nguyên liệu - chế biến - kho vận - thương mại - xuất khẩu và lợi thế thương mại biên giới với Campuchia.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống được nâng cao; mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.
Đến năm 2050, Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế giữa ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mê Công, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước. Tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm đầu mối nông nghiệp bền vững về thuỷ sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao của khu vực ĐBSCL, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Quan trọng hơn hết, Đồng Tháp là một trong những tỉnh đáng sống và hạnh phúc của vùng với các tiêu chí hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững.
Quy hoạch xác định 7 quan điểm phát triển xuyên suốt, trong đó lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển. Trong quá trình lập quy hoạch, Tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản phát triển và lựa chọn Kịch bản 2 dựa trên các đột phá, đồng thời đảm bảo sự cân bằng và dự trữ cho tương lai.
Quy hoạch chú trọng 10 lĩnh vực ưu tiên để tạo đột phá phát triển, trong đó, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tiếp tục là các đột phá mang tính dẫn dắt, bên cạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá có vị trí then chốt để tháo gỡ các điểm nghẽn và tạo động lực cho phát triển trong thời gian tới.
Quy hoạch đề ra 16 chỉ tiêu phát triển chính, cân bằng giữa các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường - kết cấu hạ tầng.
Nhằm sắp xếp, bố trí không gian hợp lý, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế, hướng tới sự hiệp đồng giữa các địa phương, quy hoạch tổ chức không gian phát triển Tỉnh theo 4 vùng liên huyện giàu đặc trưng, bao gồm:
- Chuỗi đô thị và hành lang kinh tế sông Tiền: Với hạt nhân phát triển là TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc, được định hướng là trục động lực phát triển kinh tế - đô thị chiến lược của tỉnh Đồng Tháp, tạo ra các chuỗi giá trị đô thị gắn kết chặt chẽ với các vùng sản xuất và nông thôn.
- Vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền: Với hạt nhân phát triển là TP. Hồng Ngự và Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, được định hướng là cửa ngõ giao thương quốc tế của Tỉnh nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, nắm giữ vai trò quan trọng và tiên phong trong liên kết và hợp tác liên vùng.
- Vùng kinh tế hậu cần ven sông Hậu: Với hạt nhân phát triển là Thị trấn Lấp Vò - điểm giao giữa trục đường bộ quốc gia N2 và trục đường thuỷ quốc gia theo sông Hậu, được định hướng là đầu mối hạ tầng, dịch vụ cấp vùng quan trọng, giúp kết nối hoàn thiện các chuỗi giá trị cho tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực trung tâm vùng ĐBSCL nói chung.
- Vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười: Với hạt nhân phát triển là Thị trấn Mỹ An, được định hướng là vùng sản xuất nông nghiệp đổi mới mang tính thích ứng, đổi mới - sáng tạo, nơi lưu giữ hồn cốt, bản sắc sinh thái - văn hóa Đồng Tháp Mười, vườn ươm cho những giá trị phát triển bền vững trong tương lai.
Về phương án tổ chức không gian phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, quy hoạch phân chia 2 vùng không gian nông nghiệp chủ đạo, bao gồm:
- Vùng nông nghiệp Đồng Tháp Mười: Bao gồm phần diện tích tự nhiên của các huyện, thành phố nằm ở phía Bắc sông Tiền với quy mô khoảng 207.173 ha.
- Vùng nông nghiệp các cù lao và giữa sông Tiền và sông Hậu: Bao gồm các cù lao của huyện Hồng Ngự và huyện Thanh Bình, toàn bộ các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò và TP. Sa Đéc, với diện tích tự nhiên khoảng 97.093 ha.
Về phương án phát triển hệ thống đô thị, tỉnh Đồng Tháp phát triển mô hình các mạng lưới tiểu vùng đô thị đa trung tâm, với 1 chuỗi đô thị trung tâm và 3 tiểu vùng đô thị độc lập mang tính bổ trợ lẫn nhau, bao gồm:
- Chuỗi đô thị ven sông Tiền (chuỗi đô thị trung tâm): Gắn với các trục cao tốc Hồng Ngự - Cao Lãnh - Trà Vinh, QL N2, QL30, đường ven sông Tiền, QL80; với TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc là đô thị trung tâm tiểu vùng.
- Tiểu vùng đô thị biên giới (chuỗi đô thị phía Bắc): Gắn với điểm đầu của tuyến cao tốc Hồng Ngự - Cao Lãnh - Trà Vinh, QL N1 và hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường thuỷ phía Bắc tỉnh Đồng Tháp; với TP. Hồng Ngự là đô thị trung tâm tiểu vùng.
- Tiểu vùng đô thị ven sông Hậu (chuỗi đô thị phía Tây Nam): Gắn với QL N2, hành lang kinh tế công nghiệp - hậu cần ven sông Hậu; với Thị trấn Lấp Vò là đô thị trung tâm tiểu vùng.
- Tiểu vùng đô thị trung tâm Đồng Tháp Mười (chuỗi đô thị phía Đông Bắc): Gắn với QL N2; với Thị trấn Mỹ An là đô thị trung tâm tiểu vùng.
Thông qua Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030
Tại hội nghị, các chuyên gia, các thành viên Hội đồng thẩm định đã góp ý cho Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ, có báo cáo giải trình cụ thể từng nội dung, gửi xin ý kiến thống nhất của các thành viên Hội đồng thẩm định theo quy định trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định, ông Nghĩa khẳng định, tỉnh Đồng Tháp sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện các nội dung theo ý kiến của Hội đồng thẩm định.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, thành viên Hội đồng; đánh giá cao tinh thần cầu thị của Tỉnh trong việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch.
Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh công bố kết quả bỏ phiếu, với 100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung.
Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo đơn vị tư vấn và các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát lại các quy định, chủ trương, xu thế mới trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, định hướng quy hoạch vùng... để tránh mâu thuẫn, xung đột.
"UBND Tỉnh hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia phản biện để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", Thứ trưởng giao nhiệm vụ./.
Bình luận