Kịch bản phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Cần tính toán lại một số chỉ tiêu

TS. Cao Viết Sinh - Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư... phát biểu tại Hội nghi. Ảnh: Đức Trung

3 kịch bản phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030

Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là tỉnh có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Báo cáo về quy hoạch, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thực hiện phương châm phát triển “Đột phá - Năng động - Sáng tạo - Bền vững”, Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra tầm nhìn xây dựng tỉnh phát triển toàn diện, là cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, phát triển tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

Kịch bản phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Cần tính toán lại một số chỉ tiêu
Sơ đồ tổ chức không gian và phân vùng chức năng

Báo cáo dự thảo Quy hoạch nêu 3 kịch bản:

+ Kịch bản tiềm năng: tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 tăng 9,6% và GRDP/người đến năm 2025 là 11.099 USD và đến năm 2030 đạt 19.204 USD.

+ Kịch bản kỳ vọng: tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 tăng 8,5% và GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 là 11.037 và đến năm 2030 đạt 18.359 USD.

+Kịch bản tăng trưởng bình thường: tăng trưởng GRDP giai đoạn 20212030 tăng 7,9% và GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 là 10.988 USD và đến năm 2030 đạt 17.400 USD.

Dự thảo Quy hoạch luận chứng kịch bản 2 (kịch bản tăng trưởng kỳ vọng) là lựa chọn. GRDP tăng trưởng tăng tăng 8,5%, trong đó 2021-2025 tăng 7,8%, 2026-2030 tăng 9,2%.

Không thấy có tính đột phá

Góp ý cho kịch bản phát triển của tỉnh đến năm 2030, chuyên gia Cao Viết Sinh cho rằng, việc chọn kịch bản tăng trưởng 8,5% không thấy có tính đột phá, nghiên về mang tính an toàn nhiều hơn, chưa phải là phát triển năng động, nhanh?

"Nghị quyết số 24 đặt mục tiêu tăng trưởng cho vùng là 8-8,5%, Bà Rịa – Vũng Tàu mới bằng cận trên của mức tăng trưởng chung của vùng?", ông Sinh nêu vấn đề.

Vị chuyên gia này cũng đánh giá, cả 3 phương án, số liệu dự báo GRDP/người không chênh lệch nhau nhiều, chỉ là 49 - 62 USD (11.099 USD - 11.037 USD - 10.988 USD) và đến năm 2030 chỉ chỉ vài trăm USD (19.024 – 18.359 – 17.400 USD).

TS. Sinh đề nghị xem lại các thông số tính toán cùng với việc tính toán các thông số GRDP bình quân đầu người của Bà Rịa – Vũng Tàu cần bổ sung thêm dầu khí, "vì thực tế năm 2020, GRDP/người đã đạt 11.375 USD và cả 3 kịch bản đến năm 2025 GRDP/người chỉ là 11.000 USD là chưa bằng mức năm 2020?".

Dẫn quy định của Luật Thống kê, vị chuyên gia này nhấn mạnh, không thể để hoạt động dầu khí ngoài nền kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu, do vậy trong kịch bản phải tính yếu tố dầu khí trong nền kinh tế của tỉnh. Do vậy, GRDP bình quân đầu người của Bà Rịa – Vũng Tàu (tính cả dầu khí) sẽ cao hơn rất nhiều.

Chuyên gia Cao Viết Sinh cũng đề nghị tư vấn bổ sung thêm và làm rõ mục tiêu xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũ Tàu là tỉnh phát triển năng động, thực hiện rõ vai trò tạo động lực cho toàn vùng và các tỉnh lân cận phát triển.

“Đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành tỉnh phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao, chứ không chỉ phát triển toàn diện; có đô thị văn minh, trung tâm dịch vụ, du lịch chất lượng cao đạt đẳng cấp quốc tế; xã hội hài hòa, ngoại thành sinh thái đáng sống”, ông Sinh góp ý.

Góp ý về mục tiêu cụ thể, vị chuyên gia này đề nghị cơ quan tư vấn xem lại chỉ tiêu tăng trưởng và GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 18.000-18.500 USD (chưa bằng Quảng Ninh), đề nghị bổ sung thêm dầu khí để tính GRDP/người; bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ VA chế biến, chế tạo so với GRDP; Bổ sung chỉ tiêu kinh tế biển vì Bà Rịa – Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; bổ sung chỉ tiêu kinh tế số, liệu có đạt mức 35% GRDP, bởi Nghị quyết vùng đã đề ra chỉ tiêu này với mức bình quân 30%-35% GRDP cho vùng Đông Nam Bộ.

“Tỷ lệ đô thị hóa 70%, mới bằng mức dưới của vùng. Nghị quyết vùng là tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 70 - 75%”, TS. Cao Viết Sinh cũng đề nghị xem lại chỉ tiêu này.

Về tầm nhìn đến năm 2050, ông Sinh đề nghị, cần có cách tính toán khái quát một số chỉ tiêu đến năm 2050 như: tốc độ tăng trưởng GRDP 2031-2050 là bao nhiêu. Đến năm 2050, GRDP bình quân đầu người, chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa; chỉ số phát triển con người (HDI) là bao nhiêu? để minh họa cho vị trí của tỉnh so với vùng và cả nước.

Trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt 3 trục hành lang động lực và 4 vùng chức năng, 5 trụ cột phát triển (theo ngành) và 4 đột phá phát triển (theo dự án). Chuyên gia Cao Viết Sinh cho rằng, cần làm rõ phát triển đô thị có phải là động lực phát triển triển của tỉnh và để trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

“Nên chăng lấy tam giác đô thị Vũng Tàu- Phú Mỹ- Bà Rịa làm động lực phát triển để lan tỏa ra các vùng khác. Xem xét bổ sung vào đột phá 3 ưu tiên xây dựng bến du thuyền hiện đại ở Vũng Tàu?”, ông Sinh gợi ý.

Một trong vấn đề quan trọng trong Quy hoạch là luận giải khả năng huy động nguồn lực để thực hiện Quy hoạch. Trong Báo cáo Quy hoạch trong 10 năm tới 2021-2030 cần tới 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương 57 tỷ USD. Về vấn đề này, TS. Sinh đề nghị cần làm rõ phần vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

“Nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 tăng 19% so với giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên nhu cầu vốn giai đoạn 2026-2030 tăng gần 100% so với giai đoạn 2021-2025. Cần có sự phân tích làm rõ hơn về việc nhu cầu vốn tăng đột biến ở giai đoạn 2026-2030”, TS. Cao Viết Sinh lưu ý thêm./.