Khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh
Giá trị tăng thêm của thương mại trong nước tăng trưởng cao
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt khoảng 5.639,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 8%). Giá trị tăng thêm của thương mại trong nước tăng trưởng cao, đạt 10,15% so với năm 2021, đóng góp 0,97 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thương mại trong nước cũng góp phần tích cực trong giải quyết công ăn việc làm (năm 2022 lĩnh vực thương mại trong nước thu hút 7,2 triệu lao động, tương đương 14,7% tổng lao động xã hội đang làm việc trong các ngành nghề) và bảo đảm an sinh xã hội, trở thành một trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt khoảng 5.639,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021 |
Nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Hầu hết các địa phương đã triển khai tích cực và hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa để vừa hỗ trợ tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, vừa dự trữ đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm.
Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với những hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Thị trường hàng hóa nói chung và các mặt hàng thiết yếu nói riêng cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân ở mọi miền trên cả nước.
Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Các giải pháp điều tiết, kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường được triển khai quyết liệt đã góp phần quan trọng trong việc điều hành vĩ mô, thực hiện các mục tiêu cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát của Chính phủ. CPI cả năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15% (thấp hơn mức 4% Quốc hội giao).
Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại
Năm 2023, trước tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương. Trong đó, mục tiêu chủ yếu đặt ra với lĩnh vực thị trường trong nước là: Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%.
Đồng thời, tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01/2023 của Chính phủ; hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.
Để thực hiện được các mục tiêu chủ yếu nêu trên, theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, cần triển khai đồng thời các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Hai là, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ba là, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã…) trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam;
Bốn là, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại và bền vững, kết hợp hài hòa giữa kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống. Đặc biệt quan tâm dành nguồn lực cho phát triển thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và hải đảo với các loại hình hạ tầng bán lẻ như chợ, siêu thị quy mô vừa, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi...
Năm là, ưu tiên tập trung phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa; khuyến khích ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động của các doanh nghiệp phân phối và cộng đồng để hỗ trợ mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; tập trung ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn hàng tại hệ thống hạ tầng thương mại như siêu thị, chợ...; phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel), bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội dựa trên môi trường mạng internet… đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng;
Sáu là, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại; đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng, cũng như tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường tại cơ sở phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị…) và cơ sở phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa…), đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở phân phối./.
Bình luận