Kiện toàn thể chế hướng tới nền nông nghiệp bền vững và có trách nhiệm
Phát biểu tại Diễn đàn, TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, những năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã từng bước phát triển, bước đầu được công nghiệp hóa, phát huy tốt vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh cảnh khó khăn. Tăng trưởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 3,13% (theo giá cố định năm 2010). Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 64,77% năm 2013, 67,1% năm 2014 và khoảng 68% năm 2015.
Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm từ 2011 đến 2015 đạt 140,9 tỷ USD, bình quân tăng 9,7%. Có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD là gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 32 tỷ USD.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Ngành đang giảm dần và bộc lộ những yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp, trong khi cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.
Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, nông thôn Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, thể chế nông nghiệp đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Các chủ thể hộ nông dân, các doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ trong nông nghiệp còn yếu…, cơ chế, chính sách một thời gian dài chủ yếu phát triển theo chiều rộng, hướng vào phân khúc chất lượng thấp, chế biến thô; các thể chế quan trọng liên kết như đất đai, tài chính tín dụng, thị trường, khoa học và công nghệ còn nhiều yếu kém, gây trở ngại cho ngành nông nghiệp.
Không những thế, các hình thức và thể chế liên kết giữa các hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ còn kém phát triển, thiếu sự liên kết về trách nhiệm, chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các chủ thể, chưa tạo được các chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị bền vững…
Cần hoàn thiện thể chế để phát triển nông nghiệp bền vững
Thảo luận tại Diễn đàn, các chuyên gia và nhà quản lý đã đề xuất hàng loạt các giải pháp cụ thể nhằm kiện toàn thể chế, hướng tới nền nông nghiệp Việt Nam bền vững và có trách nhiệm.
TS. Andrew Wells – Dang, cố vấn cấp cao Tổ chức Oxfam Việt Nam cho rằng, để có một nền nông nghiệp bền vững, Việt Nam cần củng cố sự hợp tác hiện tại giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung Ương và địa phương, các viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông... Đặc biệt cần có tiếng nói của những người nông dân trong các cuộc thảo luận kỹ thuật và chính sách.
Về cơ chế, chính sách, theo ông Nguyễn Văn Tiến, thời gian tới cần khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ.
Một giải pháp khác liên quan đến thể chế được bà Lê Thị Hà Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp nêu ra tại Diễn đàn là cần định hướng và xây dựng thể chế cho ngành nông nghiệp đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường và thu nhập cho người nông dân; nông nghiệp xanh, sạch ứng phó với biến đổi khí hậu; nông nghiệp sử dụng nguồn lực tiết kiệm và nông nghiệp thông minh, công nghệ cao.
Cho rằng hệ quả của một thể chế tốt trong nông nghiệp chính là việc tạo ra được một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, theo GS. Võ Tòng Xuân, Trường Đại học Nam Cần Thơ cần có một thể chế kiện toàn để nâng cao năng lực của người nông dân. "Chúng ta không kỳ vọng sẽ đuổi kịp các nước phát triển nhưng cần phải để người nông dân làm đúng, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm và thông qua doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước” GS. Xuân nhấn mạnh thêm.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do thời tiết và thị trường, lợi nhuận thấp, liên quan đến đời sống của gần 70% dân số sống ở nông thôn. Vì vậy, Nhà nước cần ban hành những chính sách tài chính, tín dụng, thuế ưu đãi để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và đảm bảo đời sống của người nông dân…/.
Bình luận