Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm 1,9% trong 2 tháng
Cụ thể, trong tháng 2 vừa qua, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 5,3%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 907 triệu USD, giảm 9,4%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,046 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Đây là mức giảm liên tiếp trong 2 tháng đầu năm 2015, trước đó, trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước chỉ ước đạt 1,95 tỷ USD, giảm đến 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong ngành nông nghiệp đều có sự sụt giảm đáng kể, đặc biệt là các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của ngành như: thủy sản, gạo, cà phê…
Trong đó, giảm mạnh nhất là ngành hàng lúa gạo, giảm đến 33,1% về khối lượng và giảm 34% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, với khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2 ước đạt 200.000 tấn với giá trị đạt 90 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2015 ước chỉ đạt 526.000 tấn và 243 triệu USD.
Tiếp theo đó là sự sụt giảm mạnh của ngành hàng cà phê, giảm 25% về khối lượng và giảm 16,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Cụ thể, xuất khẩu cà phê tháng 2 ước đạt 110.000 tấn với giá trị đạt 230 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu càphê 2 tháng đầu năm 2015 ước đạt 242.000 tấn và 511 triệu USD.
Đáng chú ý, hàng thủy sản vốn được xem là ngành xuất khẩu mũi nhọn, nay lại tiếp tục có sự sụt giảm đáng kể, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2014, với giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2 ước đạt 400 triệu USD và giá trị xuất khẩu hai tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 907 triệu USD. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 2 đạt 72 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 172 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường nhập khẩu chính là Ấn Độ (chiếm 32,6%) và Nauy (chiếm 10,4%).
Một số ngành hàng có sự gia tăng về sản lượng, song lại sụt giảm về giá trị như cao su tăng 30,5% về sản lượng, nhưng lại giảm 6,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, chỉ một số ngành hàng, như: hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn vẫn duy trì được mức tăng trưởng.
So với cùng kỳ năm 2014, ngành hạt điều tăng 14,2% về khối lượng và tăng 36,8% về giá trị; ngành hàng sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 11,1% về khối lượng và tăng 11,9% về giá trị./.
Bình luận