Kinh tế toàn cầu vẫn “khỏe mạnh” trong vài năm tới
Giữ nguyên tăng trưởng thế giới
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay và năm tới, nhưng cảnh báo vẫn còn nhiều rủi ro có thể sẽ tác động tới nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và 3% vào năm 2019. Nhìn chung, kinh tế toàn cầu vẫn duy trì được thể trạng “khỏe mạnh” trong một vài năm tới.
Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay
Tăng trưởng tại các quốc gia phát triển được dự báo sẽ ở mức 2,2% trong năm 2018 trước khi dịu xuống 2% trong năm 2019, giữa bối cảnh các ngân hàng trung ương thu rút dần quy mô của các chương trình kích thích kinh tế. Trong khi đó, nhịp độ tăng trưởng tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự đoán sẽ vững lên ở mức 4,5% trong năm nay, sau đó sẽ tăng lên 4,7% trong năm 2019.
Báo cáo của WB đã nâng mức dự báo tăng trưởng cho kinh tế Trung Quốc trong năm 2018 từ mức 6,4% đưa ra hồi tháng 1 lên 6,5%. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ giảm xuống 6,3% vào năm 2019, do Bắc Kinh thắt chặt các chính sách quản lý ngân sách tài chính.
WB dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2018 với sự hỗ trợ từ chương trình cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump, sau đó sẽ dịu xuống còn 2,5% vào năm tới.
Nền kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) được dự báo sẽ tăng trưởng 2,1% vào năm nay trước khi dịu xuống 1,7% trong năm 2019.
WB cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có nguy cơ tranh chấp thương mại leo thang. Theo WB, thị trường tài chính nhiều khả năng sẽ gặp các xáo trộn mạnh, trong khi một số thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển cũng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ thương mại cũng đang gia tăng cùng với những bất ổn trong chính sách và rủi ro địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
“Nếu duy trì được mức tăng trưởng mạnh như đã thấy trong năm nay thì hàng triệu người có thể thoát nghèo, nhất là tại các nước tăng trưởng nhanh khu vực Nam Á”, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm WB nói và cho biết thêm: “Nhưng tăng trưởng chưa đủ để giải quyết vấn đề nghèo cùng cực tại một số nơi trên thế giới. Các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách duy trì tăng trưởng dài hạn nhờ tăng năng suất và tạo thêm việc làm để đẩy nhanh quá trình xóa bỏ tình trạng nghèo đói và thúc đẩy chia sẻ thịnh vượng”.
Về mặt chính sách thương mại, WB cho biết kết quả của một số cuộc đàm phán vẫn còn chưa chắc chắn và nguy cơ leo thang của những tranh chấp thương mại đã và đang tăng lên. Nhận định của WB được đưa ra trong bối cảnh chính sách thuế quan mới của Mỹ hồi tuần trước đã dẫn đến phản ứng trả đũa từ các đối tác thương mại chủ chốt của nước này.
Bên cạnh đó, báo cáo của WB cũng dự báo giá dầu sẽ tăng mạnh 32,6% trong năm nay, sau đó giảm 1,4% trong năm 2019. Không tính giá năng lượng, giá hàng hóa trên toàn cầu ước sẽ tăng 5,1% trong năm nay nhưng chỉ nhích thêm 0,2% vào năm tới.
Nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam
Theo Báo cáo, sự phục hồi mạnh trong các hoạt động xuất khẩu sau 2 năm suy yếu sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong năm nay, tăng trưởng của Việt Nam được dự báo ở mức 6,8%. Mức dự báo tăng trưởng cho các năm 2019 và 2020 lần lượt là 6,6% và 6,5%.
Đồng thời, WB nhận định, lạm phát dù đã tăng lên nhưng vẫn ở dưới mức mục tiêu đề ra của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên về trung hạn, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ giảm dần, chỉ quanh mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020. Kết quả này có được là nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của nông nghiệp và sản xuất định hướng xuất khẩu. Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào mạnh mẽ nhờ được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng và các nỗ lực chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trước đó, trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được công bố hồi tháng 4, WB nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ ổn định xoay quanh 6,5%./.
Bình luận