Kon Tum: Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế
Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực
Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Kon Tum ước đạt 11.280 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 8,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nông - Lâm - Thủy sản tăng 4,25%, Công nghiệp - Xây dựng tăng 13,73%, Thương mại - Dịch vụ tăng 7,08%. Cơ cấu kinh tế với tỷ trọng Nông - Lâm - Thủy sản 29,16%, Công nghiệp - Xây dựng 23,97%, Dịch vụ 39,29%. Thu nhập bình quân đầu người 32,16 triệu đồng (năm 2015: 29,81 triệu đồng).
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 ước đạt 4.650 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đạt kế hoạch đề ra. Đã có một số cơ sở chế biến Cà phê có sản phẩm xuất khẩu sang Singapore, Bỉ, Thụy sĩ... Trên địa bàn Tỉnh có 15 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã hoàn thành với tổng công suất 133,7MW, 11 vị trí công trình đang triển khai xây dựng với tổng công suất 225,5MW. Toàn Tỉnh hiện có 11 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiểu thủ công nghiệp được thành lập, trong đó có 08 cụm công nghiệp, làng nghề đi vào hoạt động.
Năm 2016, diện tích gieo trồng cây toàn Tỉnh ước thực hiện
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 77,1 triệu USD, đạt 18,6% kế hoạch và tăng 22% so với năm 2015. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Cà phê nhân, tinh bột sắn, mủ cao su thô, sản phẩm từ gỗ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu năm 2016 là 3,5 triệu USD, đạt 23,3% kế hoạch, sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được triển khai tích cực, năm 2016 Tỉnh đào tạo được 2.178 lao động (đạt 72,36% kế hoạch); tư vấn cho 2.350 lượt lao động có nhu cầu tìm việc làm và học nghề, xuất khẩu (đạt 156,7% kế hoạch); giới thiệu, cung ứng 499 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong Tỉnh...
Ngoài ra, công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác cũng được Tỉnh triển khai tích cực. Năm 2016, Tỉnh đã hoàn thành việc cấp thẻ BHYT cho toàn bộ người nghèo, cận nghèo với tổng số 191.610 người; chi hỗ trợ tiền điện cho 100% hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho 10.033 đối tượng đạt 89% kế hoạch.
Phấn đấu năm 2017, GRDP tăng 9%
Năm 2017, Kon Tum phấn đấu GRDP tăng khoảng 9%; Cơ cấu kinh tế: Nông - lâm - thuỷ sản: 28%-29%, Công nghiệp - Xây dựng: 24%-25%, Thương mại - Dịch vụ: 39%-40%; Thu nhập bình quân đầu người trên 34 triệu đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 1.831 tỷ đồng; Tổng chi cân đối ngân sách địa phương 5.382 tỷ đồng; Tổng kim ngạch xuất khẩu 80 triệu USD. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 giảm 3%-4% so với cuối năm 2016; có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017; Số giường bệnh trên 01 vạn dân đạt 29 giường; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,8%. Tỷ lệ độ che phủ rừng 62,84%.
Để đạt được mục tiêu nói trên, tỉnh Kon Tum đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành kinh tế
Về công nghiệp. Tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án công nghiệp, các công trình giao thông, thủy lợi... để sớm hoàn thành và đi vào hoạt động đúng kế hoạch.
Về nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tiếp tục phát triển các loại cây trồng có lợi thế và giá trị kinh tế cao. Thực hiện có hiệu quả các Đề án chính sách hỗ trợ cao su tiểu điền, cà phê xứ lạnh; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững; Đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư du lịch, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, sâm Ngọc Linh, các cây dược liệu quý và rau, hoa xứ lạnh và nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục triển khai Phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015-2020…
Về thương mại - dịch vụ. Huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp các cửa khẩu, phối hợp mở lối mở biên giới; xây dựng chợ nông thôn, biên giới, chợ đầu mối, mạng lưới phân phối, bán lẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch và phù hợp với thực tiễn. Tổ chức, khai thác có hiệu quả mạng lưới chợ, cửa hàng thương mại, các trung tâm giao dịch hàng hóa, kho dự trữ; hình thành mô hình thương mại - dịch vụ nông thôn, gắn với sản xuất, chế biến và lưu thông hàng hóa.
Về đầu tư phát triển. Tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách của tỉnh; các công trình hạ tầng cấp thiết tại trung tâm huyện Ia H’Drai; phát triển ba vùng kinh tế động lực, vùng trọng điểm đặc biệt khó khăn; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đầu tư, xây dựng thành phố Kon Tum trở thành độ thị loại II vào năm 2020.
Hai là, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục kêu gọi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết giữa các vùng trong tỉnh, giữa các tỉnh trong khu vực; ưu bố trí vốn đầu tư phát triển để xây dựng, hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu.
Ba là, tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn. Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu sản xuất tập trung, khu chăn nuôi, khu giết mổ gia súc, gia cầm.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính và công chức, công vụ. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của thủ trưởng, người đứng đầu các cấp, các ngành. Tăng cường kiểm tra công tác cải cách hành chính. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thực hiện một cửa hiện đại nhằm giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Áp dụng quy trình ISO điện tử trong công tác quản lý nhà nước.
Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò của khoa học công nghệ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020; Đề án Quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ trí thức tỉnh Kon Tum đến năm 2020; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công việc.
Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo. Thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ quản trị doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đủ khả năng tiếp cận các tiến bộ về khoa học quản lý, công nghệ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế./.
Bình luận