KonTum: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2015 ước thực hiện 3.717,17 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 12,73% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng 5,96%, công nghiệp - xây dựng tăng 14,43%, thương mại - dịch vụ tăng 14,24%.
Theo đó, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo thực hiện phát triển cây công nghiệp chủ lực của Tỉnh, như: Cao su, Cà phê... Tính đến 30/06/2015, diện tích cao su toàn Tỉnh ước đạt: 75.467 ha. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng chú trọng phát triển một số cây có giá trị kinh tế cao, như: sâm Ngọc Linh, các loại rau hoa quả xứ lạnh...
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 1.975 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và đạt 48% so với kế hoạch. Theo đó, Tỉnh đã cấp 08 Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông Đăk La, địa bàn thành phố Kon Tum; cấp 02 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặn...
Lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Thực hiện tốt Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 6.048,52 tỷ đồng, tăng 19,75% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 19,55 triệu USD tăng 7,6% so với cùng kỳ và đạt 22,7% với kế hoạch.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, ngay từ những ngày đầu năm 2015, tỉnh Kon Tum đã phát động ra quân đồng loạt xây dựng nông thôn mới; đã tổ chức lồng ghép nhiều nguồn vốn của các chương trình, dự án để đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đối với 22 xã điểm, đã tổ chức rà soát, đánh giá, xác định các xã có khả năng hoàn thành trong năm 2015, để tập trung các nguồn lực và ưu tiên bố trí cho các xã này để triển khai thực hiện đạt hiệu quả
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn Tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2014 giảm 12 bậc so với năm 2013, đứng thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước, đứng thứ 4 trong khu vực Tây Nguyên (năm 2013 đứng thứ 44, đứng thứ 4 trong khu vực Tây Nguyên) và nằm trong nhóm rương đối thấp trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành trên cả nước. So sánh về điểm số, năm 2014, tỉnh Kon Tum có 05 chỉ số thành phần có điểm số cải thiện hơn so với năm 2013 và 05 chỉ số thành phần có điểm số thấp hơn. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Kon Tum đạt 54,530 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2013.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách. Đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp đang triển khai trên địa bàn Tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Kon Tum đến năm 2020. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; Luật Đấu thầu sửa đổi, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020...
Đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện chính sách đối với huyện 30a, chương trình 135 giai đoạn 3, các cơ chế, chính sách hỗ trợ về sản xuất, đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác an sinh xã hội.
Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn Tỉnh. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ sau Đại hội Đảng các cấp nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công việc. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 12/03/2015 của Chính Phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.
Tiếp tục thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất khi cần thiết hoặc phát hiện dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra; thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bình luận