Kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng mở ra kỳ tích phát triển mới
Theo Trung tâm báo chí Đại hội XIII của Đảng, sáng nay (25/1), 1.587 đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã họp phiên trù bị. Đại hội thông qua quy chế làm việc, chương trình làm việc, quy chế bầu cử Đại hội XIII và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.
Các đại biểu dự họp tại phiên trù bị sáng 25/1
Sau phiên trù bị, các đại biểu sinh hoạt tại đoàn nghiên cứu các tài liệu đại hội, gồm báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện Đại hội XIII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương khóa XII…
Theo kế hoạch, sáng mai (ngày 26/1), Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ chính thức khai mạc. Với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội XIII tiến hành thảo luận, thông qua các nội dung sau: Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (trình Đại hội XIII).
Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh tuy đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhưng những kết quả mà Việt Nam đạt được trong năm 2020 được coi là những kỳ tích bước đầu, khi hình ảnh về một Việt Nam quyết tâm, sáng tạo, vượt qua khó khăn để đạt mục tiêu kép: trở thành một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; đạt hiệu quả tích cực trong phòng, chống đại dịch Covid-19..., được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại hội XIII sẽ đưa ra tầm nhìn xa, như mốc 100 năm thành lập nước (năm 2045), Việt Nam phải trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Con đường hướng tới mục tiêu ấy có lộ trình cụ thể. Chẳng hạn, 5 năm tới, 2025 là tròn 50 năm thống nhất đất nước, thì mục tiêu Việt Nam là trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp...
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương: "Chúng ta hoàn toàn có thể lập nên những kỳ tích phát triển mới cho Việt Nam"
Theo phân tích của ông thắng, hiện nay GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 2.800 USD/năm, thì 5 năm tới chúng ta hoàn toàn có thể đạt mức thu nhập 4.500 - 5.000 USD bình quân đầu người... Dẫu vậy, mục tiêu thu nhập không phải là chuẩn mực duy nhất đánh giá trình độ của một quốc gia. Đó chỉ là chỉ tiêu mang tính bao quát để có cách nhìn nhận, so sánh, định vị Việt Nam với thế giới. Đặt ra mục tiêu ấy là cách Việt Nam xác định mình ở đâu, mức nào để nỗ lực phấn đấu… Việt Nam không có lý do gì không thể lập nên những kỳ tích kiểu “thần kỳ Nhật Bản”, “kỳ tích sông Hàn”... Với nỗ lực, quyết tâm của chúng ta hoàn toàn có thể lập nên những kỳ tích phát triển mới cho Việt Nam.../.
Bình luận