Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kỳ vọng mang lại “cú hích”
Vật lộn trong khó khăn
Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, tạo ra 62% việc làm cho người lao động, đóng góp 49% vào việc tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô vốn bình quân của mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ ở mức 4-7 tỷ đồng/doanh nghiệp và không được cải thiện trong nhiều năm.
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong tháng 4/2015, 70% doanh nghiệp tư nhân vẫn đang kinh doanh không có lãi, trong khi khu vực này đang đóng góp 50% GDP của cả nước. Đặc biệt, 96% doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, chỉ 4% còn lại thuộc doanh nghiệp lớn và vừa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tuy vẫn có doanh thu, nhưng lượng đơn đặt hàng, lợi nhuận và lao động bị cắt giảm mạnh, Gần 32% doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động do không tìm được đầu ra; không thể cạnh tranh giá với các đơn vị khác...
Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian vừa qua được các chuyên gia kinh tế đánh giá là do doanh nghiệp manh mún, quy mô nhỏ, quản trị yếu, công nghệ lạc hậu, khó tiếp cận thị trường, nguồn vốn…
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 3 nỗi khổ mà doanh nghiệp tư nhân nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đang phải đối mặt, đó là: vốn, lao động và rủi ro. Trong đó, ông Kiêm nhấn mạnh đến khó khăn về vốn và khả năng tiếp cận thị trường vốn của họ của khối doanh nghiệp này.
Ông Kiêm cho rằng, doanh nghiệp tư nhân ở nước ta đa số có quy mô nhỏ, dòng vốn đầu tư mở rộng dây chuyền và quay vòng rất ít, thậm chí gần như không có. Dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ vốn, nhưng chủ yếu là vốn ngắn hạn, trong khi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh đòi hỏi nguồn vốn dài hạn. Bên cạnh đó, do không có tài sản bảo đảm đã làm cho khối doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hệ quả là năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của khối doanh nghiệp này yếu, giá trị gia tăng thấp do giá thành cao (Đoàn Trần, 2015).
Kỳ vọng vào Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đứng trước những khó khăn của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian vừa qua, dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng với kỳ vọng sẽ mang lại những giải pháp thiết thực và cụ thể, nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho sự phát triển của khối doanh nghiệp này.
Trả lời phỏng vấn trên báo Hải quan, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết, đối với Việt Nam, rõ ràng vẫn cần một số chính sách hỗ trợ trực tiếp. Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến nhấn mạnh một số nội dung, như: hỗ trợ khả năng đổi mới sáng tạo, hỗ trợ trong các chuỗi giá trị, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ cố gắng đưa ra các hình thức hỗ trợ mới. Ví dụ như hỗ trợ liên quan đến lãi suất cho vay, hỗ trợ liên quan đến việc áp dụng đa dạng các sản phẩm tài chính, ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ liên quan đến mặt bằng sản xuất, khởi nghiệp...
Ông Cương cho biết, về đối tượng hỗ trợ, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến có thể giữ nguyên định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc thay đổi một trong hai tiêu chí là vốn và lao động theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP, ngày 30/06/2009 về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Dự kiến giữ nguyên tiêu chí về lao động, còn tiêu chí về tổng tài sản thì có thể thay thế bằng tiêu chí về tổng doanh thu sẽ dễ dàng hơn trong xác định tiêu chí để hỗ trợ. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là xác định tiêu chí cứng về doanh nghiệp nhỏ và vừa mà tùy mục đích, nội dung của doanh nghiệp nhỏ và vừa để cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra chương trình hỗ trợ hiệu quả nhất”, ông Cương cho biết.
Theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, dự kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016), dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 05/2017.
Hiện tại, dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 4 chương và 30 điều, quy định những mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc và các biện pháp hỗ trợ cơ bản đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân./.
Tham khảo từ các nguồn:
1. Thu Hằng (2015). Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Sẽ có cú hích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/Se-co-cu-hich-cho-DN-nho-va-vua.aspx
2. Đoàn Trần (2015). Ba nỗi khổ của doanh nghiệp tư nhân, truy cập từ http://vneconomy.vn/thoi-su/ba-noi-kho-cua-doanh-nghiep-tu-nhan-2015072810372396.htm
3. An Tư (2015). Hỗ trợ “Đội quân thuyền thúng ra khơi”, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/Ho-tro-doi-quan-thuyen-thung-ra-khoi.aspx
Bình luận