Lúc này chống dịch, đẩy lùi Covid là đúng, nhưng không vì thể mà bỏ quên cải cách!
Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương |
Đây là quan điểm được nhấn mạnh tại hội thảo "Cải cách môi trường kinh doanh 2014 - 2020: Kết quả, bài học kinh nghiệm và kiến nghị", diễn ra sáng 19/8 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Chủ trì hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cho biết, hội thảo nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 2014 - 2020; trao đổi về những vấn đề vướng mắc, bất cập ảnh hưởng tới chất lượng môi trường kinh doanh và đề xuất, kiến nghị.
Kết quả đạt được cũng là chưa từng có
Trình bày về kết quả đạt được thời gian qua, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cho rằng, từ năm 2014, các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã liên tục đi lên, với quyết tâm chính trị cao từ Chính phủ và sự tham gia ngày càng tích cực của các bộ, ngành, địa phương.
Năng lực cạnh tranh được cải thiện tích cực trên nhiều khía cạnh như ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ phát triển kinh doanh, đổi mới sáng tạo, quy mô thị trường. Tình trạng tham nhũng được kiểm soát tốt hơn dù vẫn ở mức cao.
Khẳng định đây là chương trình cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia liên tục, rộng lớn, toàn diện, TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia độc lập, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, kết quả đạt được cũng là chưa từng có; quy mô, mức độ và tính quyết liệt của cải cách lần này lớn hơn nhiều so với trước.
TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, thời gian qua, 6 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (gồm các nghị quyết số 19 các năm 2014 và 2015 và các nghị quyết số 02 trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021) được ban hành đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bà Nguyễn Minh Thảo, CIEM cho rằng, với quyết tâm chính trị cao từ Chính phủ, từ năm 2014, các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục tăng |
Không chỉ vị trí của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng toàn cầu đã tăng lên, mà quan trọng hơn là hàng ngàn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ; hàng ngàn điều kiện khác đã được bổ sung, sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều đáng kể theo ông Cung, đó là việc cải cách không chỉ để thăng hạng trên các bảng xếp hạng toàn cầu, mà quan trọng hơn là bãi bỏ thực chất hàng ngàn vướng mắc, các rào cản đối với hoạt động kinh doanh; làm cho môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi.
Để có những thành công này, là do có cam kết chính trị mạnh mẽ; có chỉ đạo quyết liệt, liên tục và hệ thống của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, tạo được áp lực liên tục cho cải cách và thay đổi. Cùng với đó là sự năng động, sáng tạo trong thiết kế và thực thi các nghị quyết.
“Nhìn chung, chương trình cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã huy động được toàn bộ máy Chính phủ từ trung ương đến địa phương, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền”, ông Cung đánh giá.
Vẫn cách xa mục tiêu vào TOP ASEAN 4
Ông Cung cũng chỉ rõ, các kết quả về cơ bản chưa đạt được các mục tiêu của nghị quyết, kết quả cải cách chưa đồng đều.
Một số chỉ số chỉ cải thiện ở mức quá nhỏ so với cải cách ở các nước khác; nên không tăng được thứ hạng cũng như điểm số so với nền kinh tế tốt nhất.
Về thứ hạng, có 5 chỉ số cải thiện được vị trí; trong đó, nổi bật hơn cả là tiếp cận điện năm 2020 xếp thứ 27, tăng 108 bậc, nộp thuế tăng 64 bậc từ 173 lên 104; bảo vệ nhà đầu tư tăng 20 bậc, tiếp cận tín dụng tăng 11 bậc và khởi sự kinh doanh tăng 10 bậc.
Thứ hạng giảm nhiều nhất là đăng ký tài sản, giảm 31 bậc, tiếp đến là là thương mại qua biên giới, giảm 29 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 21 bậc.
Các chỉ số có cải thiện về thứ hạng cũng có cải thiện về khoảng cách đến nền kinh tế tốt nhất. Tiếp cận điện năng chỉ còn 11,8 điểm nữa là đến trường hợp tốt nhất trong nền kinh tế thế giới; tiến được 24,82 điểm so với năm 2015; tiếp theo là nộp thuế tiến thêm được 26,39 điểm.
Khởi sự kinh doanh, tiếp cận tín dụng và bảo vệ nhà đầu tư cũng rút ngắn được khoảng cách so với trường hợp tốt nhất. Trong khi đó, đăng ký tài sản tụt lại nhiều nhất gần 10,5 điểm. Đặc biệt, khoảng cách của chỉ số phá sản doanh nghiệp đến trường hợp tốt nhất còn quá xa, tới 62 điểm.
Với những thay đổi về chỉ số thành phần như trình bày trên đây, môi trường kinh doanh Việt Nam nhìn chung có cải thiện cả về thứ hạng và điểm số.
So với 2015, năm 2020 tăng được 20 bậc, từ 90 lên 70; và tăng được 7,8 điểm. Có cải cách rất mạnh mẽ và đạt được kết quả tốt như cải cách tiếp cận điện, nộp thuế. Hoàn toàn có thể cải cách đạt được kết quả tốt hơn nhiều trong khởi sự kinh doanh.
Cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản là hai chỉ số bị tụt hạng và giảm điểm một cách đáng tiếc. Có nhiều nỗ lực đã thực hiện nhưng không trúng vào các vấn đề của hai chỉ số này. Cải cách thuế đã khá tốt nhưng vẫn có thể làm tốt hơn.
Tuy nhiên, dù khẳng định, kết quả đạt được trong thực hiện các Nghị quyết 19 và 02 là đáng khích lệ, nhưng ông Cung nhấn mạnh: “Chúng ta có thể làm nhiều hơn, tốt hơn và đạt được kết quả cao hơn”.
Ông chỉ rõ, vẫn còn những lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Chính phủ như giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp hầu như không có bất kỳ cải thiện nào trong 5 năm qua. Do đó, vị trí xếp hạng và điểm số của Việt Nam đã giảm xuống.
Phân tích cụ thể về các chỉ số, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước trong khu vực, và cách xa mục tiêu vào top ASEAN 4. Trong đó, một nhóm chỉ số quan trọng mà nhiều năm vẫn ở hạng rất thấp là quyền tài sản và chất lượng hành chính đất đai.
Theo Doing Business, chỉ số Đăng ký tài sản nhiều năm nay không có cải cách nào được ghi nhận và đã giảm 31 bậc sau 6 năm, đứng gần chót bảng xếp hạng (106/120).
"Có thể nói, quyền tài sản là một điểm nghẽn lớn về cải thiện môi trường kinh doanh trong nhiều năm qua", bà Thảo nhấn mạnh.
Quá tập trung chống dịch, dường như quá trình cải cách đang chững lại
Tại hội thảo, một số ý kiến của hiệp hội doanh nghiệp lo lắng rằng, dường như quá trình cải cách đang chững lại, trong khi đây là thời điểm mà theo kinh nghiệm thế giới là tận dụng cơ hội từ khủng hoảng để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
"Cải thiện môi trường kinh doanh với doanh nghiệp lúc này cũng cần như vắc-xin", ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhấn mạnh.
Ông Nam chia sẻ, cũng như nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề khác, việc tổ chức sản xuất và không để rơi vào đứt gãy trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ngày càng lan rộng đang khá nan giải với các doanh nghiệp ngành thủy sản.
Ông cho rằng, để không đứt gãy, duy trì được sản xuất an toàn lúc này cần được sự thống nhất, thông suốt và sự đồng hành của chính quyền với những quy đinh phù hợp thực tiễn, không quá cực đoan vì chống dịch và giảm tối đa những thủ tục, những chi phí có thể giảm cho doanh nghiệp như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
|
"Lúc này tất cả ưu tiên tập trung cho chống dịch, đẩy lùi Covid là đúng, nhưng không vì thể mà bỏ quên cải cách. Thúc đẩy cải cách phải được ưu tiên sau chống dịch", đại diện VASEP đề nghị.
Cũng đồng tình với quan điểm của đại diện VASEP, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, trước yêu cầu khắc phục thiệt hại do dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau đại dịch, thì nhu cầu cải cách lại trở nên cấp bách hơn.
Một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột phá và sáng tạo sẽ là yếu tố không thể thiếu để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia chắc chắn vẫn là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của Chính phủ.
"Khủng hoảng kinh tế có thể tạo ra môi trường chính trị thuận lợi cho những cải cách thể chế cơ bản và có hệ thống. Chính phủ cần tận dụng khủng hoảng đại dịch Covid-19 để thực hiện các cải cách như thế", TS. Nguyễn Đình Cung nói.
TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh rằng, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng rất nhiều ở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc duy trì thành quả của cải cách là rất quan trọng để tiếp nối các thành công đã có.
Để duy trì thành quả của cải cách
Cảnh báo các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi; các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục được duy trì thường xuyên và đủ mạnh…, ông Cung cho rằng: “Phải có cam kết chính trị, sự chỉ đạo liên tục của người đứng đầu; qua đó, tạo ra áp lực mạnh, liên tục từ trên xuống trong từng bộ, ngành và cơ quan cũng như toàn Chính phủ. Khi áp lực trên xuống và ngoài vào tạo ra kết quả, thì kết quả đó hình thành động lực nội sinh của cải cách”.
Ông cũng chỉ rõ, chỉ khi xác định được vấn đề, nguyên nhân của thực trạng cần thay đổi, thì các giải pháp đưa ra mới hợp lý, đủ mạnh và trực diện giải quyết vấn đề, khắc phục nguyên nhân; và kết quả đạt được là rõ nét. Vì vậy, cần giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, lượng hóa được và có người, cơ quan chịu trách nhiệm tương ứng về mục tiêu, nhiệm vụ đó theo kiểu “bãi bỏ, đơn giản hóa ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh hiện hành”; hay “giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan xuống dưới 10%”…
“Khi giao bổ sung, sửa đổi văn bản pháp luật, thì không chỉ yêu cầu sửa đổi “cái gì”, mà cả “sửa đổi cái đó như thế nào”; đồng thời, phải có thời hạn cụ thể và cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện. Giao nhiệm vụ, giải pháp chỉ định hướng chung chung, không có địa chỉ, không có cá nhân, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi (như: đăng ký tài sản), thì hầu như không có hiệu lực. Giao mục tiêu và nhiệm vụ có tính định hướng, có người, cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm, nhưng cơ quan chủ trì chưa thực sự quan tâm chỉ đạo cụ thể hóa các công việc cần làm (tương tự như khởi sự kinh doanh) thì cũng không vận hành tốt”, ông Cung thẳng thắn.
Trong thời gian tới, vị chuyên gia này nhấn mạnh, cần xóa bỏ rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Cải cách thể chế về quyền tài sản, tập trung vào khâu đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, xử lý tài sản thế chấp ngân hàng, thủ tục phá sản.
Nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.
“Sửa đổi hệ thống luật và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư;… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục nộp thuế, phí của người dân và doanh nghiệp’, ông Cung đề xuất.
Ông Cung nhấn mạnh nhiệm vụ loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý của các quy định pháp luật liên quan.
Cụ thể là rà soát các luật có liên quan đến đầu tư tạo tài sản, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, luật kinh doanh bất động sản, luật nhà ở... và các điều khoản có liên quan trong các nghị định hướng dẫn thi hành.
Từ đó, xác định: (i) các quy định không còn phù hợp; (ii) các quy định không hợp lý; (iii) các quy định không rõ ràng, cụ thể; (iv) các quy định chồng chéo, mâu thuẫn; (v) các quy định khác nhau về cùng một vấn đề,… và kiến nghị phương án bổ sung, sửa đổi phù hợp.
“Nên soạn thảo một luật và một nghị định sửa đổi, khắc phục các vấn đề phát hiện nói trên”, ông Cung đề xuất./.
Bình luận